Bài 1: Vòm sấu xào xạc

(ANTĐ) - Những ai đã từng ở Hà Nội, suốt đời sẽ không quên màu xanh dịu dàng bao dung của thiên nhiên, màu xanh tha thiết, bền bỉ của tình yêu nơi đây. Không thể nào quên vòm trời bâng khuâng của mùa thu cùng những tiết tấu dìu dặt của cuộc sống, còn đọng mãi trong đời cái hồn sâu lắng, trầm tư của đất trời Hà Nội.

Màu xanh Hà Nội

Bài 1: Vòm sấu xào xạc

(ANTĐ) - Những ai đã từng ở Hà Nội, suốt đời sẽ không quên màu xanh dịu dàng bao dung của thiên nhiên, màu xanh tha thiết, bền bỉ của tình yêu nơi đây. Không thể nào quên vòm trời bâng khuâng của mùa thu cùng những tiết tấu dìu dặt của cuộc sống, còn đọng mãi trong đời cái hồn sâu lắng, trầm tư của đất trời Hà Nội.

Mỗi đường phố Hà Nội có một nét riêng về phong cách kiến trúc, về cộng đồng dân cư và về tính năng xã hội. Những người chủ trong quá khứ của Hà Nội đã vô cùng tinh tế, chính xác khi chọn cho mỗi đường phố Hà Nội một loại cây đặc trưng.

Đường Hoàng Diệu thênh thang, dải phân cách giữa đường và hai vỉa hè rộng rãi cho ba hàng xà cừ vạm vỡ vươn lên, cành lá tỏa rộng phủ bóng xuống bức tường thành rêu phong của kinh thành Đông Đô cổ kính làm cho đường phố hiện đại mà như sâu hút trong lịch sử.

Đường Quang Trung, đường Phan Chu Trinh dập dìu người xe, nhộn nhịp dòng đời, mỗi độ xuân về hàng cây cơm nguội xanh lộc non làm cho con đường càng xanh tươi sự sống. Hàng cây sữa thưa thoáng đường Nguyễn Du mùa thu về lại thả xuống đường phố thoáng đãng hương thơm nồng đậm như quờ tay vơ được mùi hương. Tán sấu rậm rì, xanh tốt quanh năm trên đường Phan Đình Phùng, đường Trần Phú làm cho những biệt thự xinh xắn càng tĩnh lặng, thâm nghiêm.

Hàng sấu cổ thụ đường Phan Đình Phùng cây cao bóng cả, đạo mạo trang nghiêm. Mùa đông giá lạnh, những chùm dây tơ hồng óng ánh vàng, giăng trên những tán sấu trẻ trung đang sức lớn đường Trần Phú, thả đung đưa dưới vòm cây, hàng sấu như lớp người trẻ cần bầu bạn quấn quýt. Và có một vòm sấu Hà Nội còn lại mãi trong kỷ niệm những người lính chúng tôi thời chiến tranh chống Mỹ.

Máy bay Mỹ đánh bom Hà Nội. Các cơ quan dân sự phải di chuyển khỏi Hà Nội thì các cơ quan quân sự của Bộ tổng Tư lệnh từ khu thành cổ Cột Cờ lại sơ tán ra các cơ quan dân sự đã bỏ trống. Phòng Chính trị, Bộ Tư lệnh Thông tin di chuyển qua nhiều nơi: Bộ Tài chính ở phố Phan Huy Chú. Trường THPT Việt-Đức phố Lý Thường Kiệt. Trường THPT Nguyễn Trãi ở Kim Mã, nay là đường Giang Văn Minh. Cuối cùng về đình Hào Nam ở Giảng Võ.

Hàng sấu cổ thụ trên phố Phan Đình Phùng
Hàng sấu cổ thụ trên phố Phan Đình Phùng

Bộ phận Tuyên truyền của chúng tôi mới hình thành thuộc Ban Tuyên huấn lúc đầu chỉ làm hai việc: viết báo và làm phim. Thời gian đầu chúng tôi ở gian phòng trên gác nhà số 4 phố Phan Huy Chú góc đường Lý Thường Kiệt. Phạm Khắc Vinh và Nguyễn Duy Nhuệ đang cùng đạo diễn Nguyễn Chí Phúc bên xưởng Phim Quân đội làm bộ phim tài liệu Những cô gái Thông tin K6. Sau này trong chùm thơ dự cuộc thi thơ báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyễn Duy Nhuệ ký tên là Nguyễn Duy và chùm thơ của anh có những bài rất hay như Tre xanh, Hơi ấm ổ rơm đã giành giải nhất và Nguyễn Duy nổi tiếng từ đó.

Tôi lo thủ tục cho việc ra đời tờ báo Thông tin. Lúc đầu một mình tôi làm tất cả các việc. Tổ chức bài. Viết bài. Biên tập. Tổ chức mạng lưới cộng tác viên. Lên trang. Trình bày. Minh họa. Đạp xe xuống Nhà in Quân đội ở Cầu Diễn, huyện Từ Liêm giao bài cho nhà in. Xuống nhà in sửa bông lần một, lần hai. Xin phòng Hậu cần chuyến ôtô xuống nhà in lấy báo về giao cho trung đoàn quân bưu đang sơ tán ở trường Chu Văn An để các chiến sĩ quân bưu phát hành báo ra toàn quân. Ban ngày đạp xe chạy đủ việc.

Trưa, chiều cầm chiếc bát sắt tráng men sang bếp của phòng Chính trị ở số 7 phố Phan Huy Chú ăn cơm. Tối ngồi viết ở chiếc bàn lớn trên gác cạnh cửa sổ nhìn xuống đường Lý Thường Kiệt. Ngoài khung cửa sổ xanh rì tán lá sấu lao xao tiếng gió. Mùa xuân hoa sấu lấm chấm trắng trong vòm lá xanh.

Mùa hè chùm quả xanh, chi chít uốn cành rủ trước cửa sổ. Qua những trận bão cuối hè đầu thu, chùm sấu rụng thưa dần. Đến cuối thu, sấu chín vàng, mỗi chùm chỉ còn vài quả. Đêm khuya mắc màn nằm ngủ trên chiếc bàn viết rộng đón ngọn gió luồn qua tán sấu vào phòng.

Phạm Khắc Vinh, Nguyễn Duy Nhuệ đi suốt ngày, tối về cũng ngủ trên hai chiếc bàn. Phạm Khắc Vinh sau này cũng giành giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam với truyện Trái chín. Chỉ có ba người ở đó nhưng căn phòng có ô cửa sổ xanh um lá sấu còn là nơi bắt đầu mối tình đẹp của thời chiến tranh gian khổ thiếu thốn đủ thứ và thiếu thốn lớn nhất là tình cảm.

Phạm Đức là lính thông tin ở đơn vị kiểm soát sóng vô tuyến điện. Đức đã có thơ in ở tạp chí Văn nghệ Quân đội và được gọi lên bộ phận chúng tôi để viết về những tấm gương chiến sĩ thông tin xuất sắc. Đơn vị Đức ở ngay Hà Nội nên tối Đức vẫn trở về đơn vị. Nhân vật Đức đang gặp gỡ khai thác tư liệu viết bài là nhân vật chính trong bộ phim tài liệu đang quay Những cô gái Thông tin K6 và cũng là diễn viên hát múa trong đội Văn nghệ Bộ Tư lệnh Thông tin, cô gái dân tộc Tày xinh đẹp của núi rừng Thái Nguyên, Triệu Thị Bộ.

Gian phòng có vòm sấu bên cửa sổ của chúng tôi nhưng ban ngày chúng tôi đi vắng hết chính là nơi Phạm Đức hẹn gặp Triệu Thị Bộ để lấy tư liệu. Để rồi: Em rừng anh biển mà quen/Suối tình yêu nhỏ nên sông biển dài (thơ Phạm Đức). Tình yêu của họ bắt đầu nảy nở từ gian phòng có tán lá sấu lao xao bên cửa sổ. Tình yêu của họ có màu xanh bền bỉ của vòm sấu Hà Nội. Ngày nay hai người con của họ đều đã trưởng thành và đều là những công dân Hà Nội.

Phạm Đình Trọng