Hiểm hoạ trên đường cao tốc

Bài 1: Những cái chết được báo trước

(ANTĐ) - Không giữ khoảng cách, lái xe cẩu thả, chạy xe quá gần với những xe phía trước, xe quá hạn sử dụng... là những nguyên nhân chính khiến nhiều vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trên các tuyến đường cao tốc.

Những tai nạn giao thông thảm khốc
Vụ tai nạn thảm khốc xảy ra gần đây nhất là ngày 13-6 trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương giữa xe tải và xe khách đã làm 8 người thiệt mạng, 10 người khác bị thương nặng. Theo Công an tỉnh Long An, vụ tai nạn xảy ra tại Km 17+500 đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, huyện Bến Lức - tỉnh Long An, nhiều khả năng lái xe khách đã chạy xe tốc độ cao. Khoảng cách giữa xe khách và xe tải phía trước rất gần nên khi phát hiện ôtô tải nổ lốp, mất lái lao ra làn đường bên trái lái xe khách đã không phanh kịp. Hiện trường cho thấy xe khách đã bị hư hỏng hoàn toàn. Phần đầu xe và hơn 2/3 mui xe bị bung hết khung, lộ ra các băng ghế. Hầu hết những người ngồi ở các hàng ghế trước đều tử vong hoặc bị thương nặng. Sau vụ tai nạn thương tâm này, trên các diễn đàn chuyên về ô tô, rất nhiều người đã bày tỏ quan điểm của mình về tình trạng lái xe cơ giới. Bạn Đỗ Mạnh Cường - thành viên của câu lạc bộ ô tô Hà Nội nhận xét: “Khi lái xe với tốc độ 100km/h thì khoảng cách an toàn giữa các xe phải là 100m, song hầu như không lái xe nào tuân thủ. Tôi nghĩ sự việc thảm khốc xảy ra vừa rồi là do xe khách đã không giữ khoảng cách an toàn đúng luật. Nếu cách xa trên 70m thì lái xe kém nhất vẫn có thể giữ cho xe không bị hỏng, còn hành khách thì an toàn ở mức cao nhất.
 Bài 1: Những cái chết được báo trước ảnh 1

 Hiện trường vụ TNGT trên đường cao tốc  TP.HCM - Trung Lương ngày 13-6

Nếu là người biết lái, biết quan sát và xử lý tình huống tốt thì lái xe sẽ lách ngược vào trong để tránh xe bị nạn. Với kinh nghiệm lái xe trên các tuyến đường cao tốc, tôi nhận thấy lái xe khách nói chung và một số xe du lịch nói riêng chạy xe rất nguy hiểm. Nhiều lần, đang lái xe trên đường cao tốc, bất ngờ có xe sau chạy đến với vận tốc gần 100 km/h, bám sát đuôi xe tôi, trong khi đó muốn xử lý tốt thì ít ra họ phải cách tôi trên 70m, hoặc an toàn nhất là trên 100m. Trong trường hợp đó, lỡ có sự cố phía trước xảy ra tôi sẽ bị “vạ” từ phía sau mà không biết phải xử lý ra sao. Không ít lần tôi đành phải đi vào làn đường trong để nhường đường cho những lái xe hung thần như vậy”.An toàn của hành khách bị xem nhẹ
Là một người sống ở Mỹ gần 20 năm, anh Michael Nguyễn cho biết: “Hàng ngày lái xe trên xa lộ cao tốc nhưng tôi thấy những tai nạn chết người rất ít khi xảy ra. Trên các tuyến đường cao tốc ở Mỹ thường xuyên có cảnh sát công lộ tuần tiễu, mọi người đều giữ luật giao thông nghiêm chỉnh. Chẳng hạn, các xe luôn giữ khoảng cách an toàn theo luật định, người điều khiển xe không uống rượu, bia khi tham gia giao thông, lái xe với thái độ lịch sự, nhường nhịn nhau vì hiểu rằng khi tai nạn xảy ra cả hai bên đều thiệt hại. Bài học đầu tiên mà mọi người được học từ huấn luyện viên tại trường dạy lái xe là: Đừng bao giờ ỷ lại vào quyền ưu tiên, nếu người khác không nhường mình thì mình phải nhường họ. Bên cạnh đó, các biển báo về tình trạng đường, khu vực nguy hiểm đều được cảnh báo từ rất xa để lái xe quan sát và biết cách điều tiết tốc độ. Nếu bạn nhận được giấy phạt vi phạm an toàn lái xe là coi như một tuần lễ làm việc không lương do phải đóng tiền phạt cộng thêm nhiều rắc rối khác”. Anh Michael Nguyễn còn thừa nhận: “Tôi cũng từng đi trên nhiều loại xe khách chất lượng cao ở Việt Nam và luôn đặt câu hỏi là các loại xe này đều là xe nhập khẩu, dây đai an toàn đều có, nhưng khi về Việt Nam không hiểu sao lại bị tháo hết, chỉ bắt buộc mỗi lái xe phải cài dây đai an toàn, còn hành khách thì không cần. Hành khách thì dường như bị xem nhẹ và khi tai nạn xảy ra, hành khách ngồi trên xe bị xô vào nhau, người này đè người kia, va chạm được cộng hưởng nên tai nạn càng nặng thêm...”. Theo TS Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, trên thế giới lớp tạo nhám được nhiều nước sử dụng từ lâu và cần thiết cho đường cao tốc để bảo đảm độ dính bám giữa vỏ xe với mặt đường cũng như đảm bảo độ dính bám khi phanh. Với những xe chạy với tốc độ 60km/h trên mặt đường bêtông nhựa mịn thì độ cọ xát giữa vỏ xe và mặt đường ít hơn và nhiệt độ vỏ xe không cao lắm. Nhưng nếu chạy trên đường cao tốc có lớp tạo nhám với tốc độ 100-120km/h, nhiệt độ tăng đáng kể và nếu lốp xe cũ sẽ không chịu được. Xe có lốp mòn, đắp vá hay chở quá tải không nên chạy trên đường cao tốc với tốc độ cao. Hiện nay, nhiều chủ xe khách khi đăng kiểm xe thường kỳ, họ còn “qua mặt” đơn vị đăng kiểm bằng cách thay lốp mới và sau đó dùng lại vỏ cũ mòn gai, không an toàn khi lưu thông trên đường cao tốc. Nếu công tác đăng kiểm, tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam không được nâng lên, ý thức của lái xe về chấp hành luật giao thông đường bộ còn kém thì tai nạn vẫn còn xảy ra và khi đó đường cao tốc làm ra để giảm thời gian đi lại nhưng không khéo sẽ trở thành đoạn đường nguy hiểm...Không cấp giấy chứng nhận kiểm định nếu vi phạm Ngoài kiểm tra bảo dưỡng định kỳ, người sử dụng xe cần kiểm tra lốp xe trước khi xe vận hành hoặc khi xe nghỉ giữa đường, lưu ý đến độ mòn của lốp xe hoặc sử dụng lốp xe vượt quá giới hạn 80.000km. Với các lốp xe hư hỏng, nhất là hư hỏng bất thường, cần thay thế. Bên cạnh đó, nhà sản xuất cũng lưu ý thời hạn lốp xe lưu kho quá lâu thì dù mới vẫn phải loại bỏ do cao su lốp xe bị lão hóa. Các vụ nổ lốp xe xảy ra không chỉ đơn thuần do lốp xe kém chất lượng mà còn do bơm hơi quá áp suất quy định, xe chạy vượt tốc độ quy định của lốp xe hoặc xe chở quá tải, vượt sức chịu đựng của lốp. Quy trình kiểm định lốp xe tải cũng bình thường như các xe khác. Vỏ xe phải đúng kích cỡ quy định, không có dấu hiệu bong tróc, phồng rộp cao su, không được mòn đến lớp chỉ báo hiệu độ mòn, không được sử dụng quá 80.000km. Nếu vi phạm một trong những yếu tố này thì cơ quan đăng kiểm không cấp giấy chứng nhận kiểm định. Ông Trần Ngọc Minh (Nguyên cán bộ Phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam)(Còn nữa)