Thị trường âm nhạc trẻ em:

Bài 1: Không cân bằng thẩm mỹ

ANTĐ - Sáng chủ nhật, tôi bị đánh thức bởi đứa cháu gái 4 tuổi, nói còn chưa sõi nghêu ngao: “Biết bao giờ mới được có em, biết bao giờ có được cầu vồng…” từ một bài hát dành cho người lớn. Khi tôi hỏi: “Sao con không hát những bài hát cô giáo dạy ở lớp”. Cô bé hồn nhiên trả lời: “Những bài hát ấy ngày nào con cũng hát nên không còn thích nữa”…


Bình cũ, rượu mới

Sân khấu ca nhạc cho trẻ chủ yếu là các chương trình văn nghệ ở trường học.  (Ảnh minh họa)

Và để đi tìm câu trả lời về thực trạng thị trường âm nhạc dành cho thiếu nhi hiện nay, chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát thị trường băng, đĩa nhạc tại những con phố bán băng, đĩa nhạc sầm uất ở Hà Nội. Trái ngược với sự sôi động, tràn ngập băng đĩa ca nhạc dành cho người lớn, các sản phẩm dành cho thiếu nhi rất nghèo nàn...

Tuy các đĩa nhạc dành cho thiếu nhi vẫn được bày bán khá nhiều nhưng phần lớn là các chương trình ca nhạc thiếu nhi do các hãng có tiếng sản xuất trước đây, được giới băng đĩa lậu “xào xáo“ theo kiểu cắt chỗ nọ, ghép chỗ kia để ra một VCD dưới dạng “lẩu thập cẩm” hoặc tạo thành tuyển tập Xuân Mai, tuyển tập các ca khúc về trường lớp... thậm chí thu lại các chương trình đã phát sóng trên truyền hình để bán lại như: Chúc bé ngủ ngon, Đồ rê mí... Mặc dù, nhu cầu giải trí của các em thiếu nhi độ tuổi từ 3-10 tuổi ngày càng cao nhưng dường như các sản phẩm âm nhạc dành cho các em không có gì mới.

Trong số hàng trăm album đủ màu sắc của người lớn thì một vài album dành cho các em nằm khiêm tốn trong góc khuất, thậm chí chúng tôi phải hỏi người bán hàng mới vào kho lôi ra những chiếc đĩa đã cũ mèm. Không có nhiều sự lựa chọn, các bậc phụ huynh chỉ còn cách mua đĩa “Đồ rê mí” tập hợp những bài hát các em đã biểu diễn trong cuộc thi năm trước, hoặc chấp nhận mua những đĩa ca nhạc được sản xuất hơn 10 năm về trước như “Con cò bé bé”, “Mèo con dễ thương” của Xuân Mai, “Mãi mãi trẻ thơ” của Lam Anh, “Chú hề dễ thương” của Khánh Linh…

Nếu như cách đây 10 năm, khi các CD, VCD ca nhạc thiếu nhi nở rộ và đỉnh cao của thời kỳ ấy gắn liền với “hiện tượng” Xuân Mai thì 10 năm sau hầu hết các gia đình có trẻ nhỏ cũng vẫn chỉ có trên giá đĩa nhạc của gia đình mình đĩa nhạc của Xuân Mai, dù giờ đây “bé” Xuân Mai ngày nào đã thành thiếu nữ và hát những bài hát phù hợp với lứa tuổi hiện tại của cô.


Nhạc “kỳ quái” tung hoành

Toàn là đĩa cũ, biết nghe đĩa nào?

Trong khi thị trường băng, đĩa nhạc thiếu vắng những sản phẩm âm nhạc chất lượng, hấp dẫn thì nhan nhản những album của các ngôi sao nhí “kỳ quái” như bé Châu, Duy Phước, bé Lon Ton, bé Mộng Quỳnh... với lối trình diễn không giống ai được phát hành thành đĩa CD, VCD để phục vụ các em nhỏ. Những ca khúc ủy mị, não tình như: “Này em yêu ơi, ế ồ ồ ế ô”, “đã khuya rồi vẫn ngồi đếm sao, sương rơi lạnh ướt đôi bờ vai” hay “ó ũng ỗi uồn, ó ững ó ững ối tình” (có những nỗi buồn, có những có những mối tình)… khiến nhiều bậc phụ huynh không khỏi ái ngại về gu thẩm mỹ âm nhạc của chính con cái họ. Anh Phan Văn Phong, ở phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm tỏ rõ sự lo lắng: “Tôi thấy rất khó hiểu khi các loại băng, đĩa trẻ con hát nhạc tình được bày bán rộng rãi tại nhiều cửa hàng băng, đĩa. Các đĩa nhạc này đều thể hiện tình yêu dang dở, chia ly và hận thù. Những ca khúc này đã vô tình hướng khán giả nhỏ tuổi đến những giá trị không phù hợp với lứa tuổi, làm sai lệch định hướng thẩm mỹ âm nhạc cho cả một thế hệ”.

Trước đây, các chương trình thiếu nhi của Đài Truyền hình Việt Nam cũng khai thác mạnh mẽ những bài ca dao đồng ca và dựng thành những chương trình ca nhạc được các em đón nhận. Hàng năm có rất nhiều cuộc liên hoan văn nghệ dành cho các em, các chương trình biểu diễn trên truyền hình, cuộc thi Đồ rê mí… nhưng xem ra vẫn không đủ so với nhu cầu được nghe những ca khúc lành mạnh, trong sáng, hợp với lửa tuổi của các em. Ca khúc và sản phẩm âm nhạc cho thiếu nhi hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu là nhận xét của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực âm nhạc.

Thực tế hàng năm, cứ vào dịp hè, chương trình Đồ rê mí của Đài Truyền hình Việt Nam đã nhận được sự đăng ký hết sức nhiệt tình của thiếu nhi. Không cần bài hát mới, các em có thể được các thầy cô dựng lại những bài hát cũ, thậm chí có những em đã chọn những bài hát mà thế hệ cha mẹ, ông bà các em đã từng hát nhưng dường như vẫn đủ sức hấp dẫn các em trong bối cảnh sân khấu ca nhạc dành cho thiếu nhi đang ngày càng èo uột.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và phát triển cộng đồng, tâm hồn trẻ em vốn rất nhạy cảm, đặc biệt là với âm nhạc. Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, nếu được nghe nhạc đúng cách, trí não của trẻ sẽ được phát triển rất tốt. Để trẻ em không còn bị ảnh hưởng bởi những trào lưu âm nhạc phi thẩm mỹ đang len lỏi vào đời sống tinh thần các em hiện nay, ngay từ bây giờ cơ quan chức năng cần chấn chỉnh lại hoạt động âm nhạc trong nước, khuyến khích hoạt động sáng tác âm nhạc cho trẻ thơ, giúp các em có thể phát triển toàn diện cả về thể chất và tâm hồn…