Thực hiện Luật An toàn thực phẩm:

Bài 1: Khó tránh đùn đẩy trách nhiệm

ANTĐ - Những vướng mắc, chồng chéo trong phân công quản lý về VSATTP ở nước ta thực ra đã quá cũ kỹ và tốn không biết bao nhiêu cuộc tranh luận từ nhiều năm nay. Luật ATTP có hiệu lực, vấn đề này chưa được giải quyết mà trước mắt có vẻ còn… phức tạp hơn.

Hàng rong khó đảm bảo VSATTP


Kiểm tra nhân bánh cần… 3 Sở

Không chỉ các doanh nghiệp, các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lớn đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện Luật ATTP mà ngay cả những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, thậm chí là sạp hàng thời vụ, gánh hàng rong… cũng rơi trong tình trạng tương tự. Trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục ATVSTP - Bộ Y tế lấy ví dụ: “Một bà bán hàng rong gồm mấy chai nước, mấy mớ rau, một ít bánh kẹo, nhỏ thế thôi nhưng thuộc quản lý của… 3 Bộ và nếu muốn kiểm tra VSATTP mặt hàng kinh doanh của bà bán hàng rong này phải lập đoàn kiểm tra liên ngành mới giải quyết được. Bởi “ông” Công Thương kiểm tra ít bánh kẹo, “ông” NN&PTNT kiểm tra mấy mớ rau, “ông” Y tế kiểm định mấy chai nước…”. 

GS.TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng băn khoăn với vấn đề này khi nêu ví dụ: “Việc kiểm tra chất lượng bánh Trung thu, nếu chỉ kiểm tra nhân của bánh cũng phải… 3 Sở phải “nhảy” vào. Cụ thể, Sở NN&PTNT kiểm tra thịt, hành, trứng; Sở Y tế kiểm tra phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến; còn bột, bao bì của bánh thì thuộc trách nhiệm của Sở Công Thương, đó là chưa kể lực lượng thanh tra của 3 Sở cũng phải vào cuộc…”. Theo ông Tuấn, trước mắt để giải quyết được vấn đề này thì phải tăng cường kiểm tra liên ngành. Các đoàn kiểm tra này cũng có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp về các thủ tục liên quan đến công bố chất lượng sản phẩm, giấy chứng nhận VSATTP. Mặt khác, các Sở, ngành liên quan không được đùn đẩy trách nhiệm, từ chối hay giới thiệu vòng quanh khi doanh nghiệp đến xin hồ sơ, giấy tờ liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm. 

Nói là vậy nhưng thực hiện được hay không lại là một chuyện khác. Ông Trần Đáng phân tích: “Hiện nay một siêu thị kinh doanh nhiều ngành hàng thực phẩm, giờ phải chạy đến 3 bộ, mỗi bộ ít nhất qua 2 cửa (để xin chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy - theo quy định), như thế họ phải qua ít nhất 6 cửa mới xong thủ tục công bố hợp quy cho một sản phẩm mà họ định kinh doanh. Và nếu không sớm có hướng dẫn cụ thể hay các biện pháp quyết liệt, rất có thể cải cách hành chính thành… cải lùi.

Cần giải pháp đồng bộ

Việc phân công trách nhiệm quản lý ATVSTP cho 3 Bộ cùng đảm nhiệm là điều đã được bàn bạc rất kỹ trong quá trình soạn thảo luật và được kỳ vọng sẽ giúp công tác quản lý ATVSTP chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Điều quan trọng nhất lúc này là sự phối hợp giữa các Bộ, ngành này ra sao? Hiện vẫn còn không ít ý kiến của các chuyên gia cho rằng, theo luật thì ngành y tế giờ đây chỉ quản lý những mặt hàng không phải là thực phẩm như nước đóng chai, thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm và các thực phẩm khác. Trong khi đó, ngành NN&PTNT quản lý 9 nhóm ngành hàng thực phẩm và ngành công thương quản lý 5 nhóm ngành hàng thực phẩm cơ bản khác. 

Điều lo ngại là khi muốn đánh giá một mặt hàng nào đó có đảm bảo chất lượng không, có bị biến đổi gene, ảnh hưởng đến bào thai… hay không, thì ngoài ngành y tế, 2 ngành còn lại có thực hiện độc lập được hay không? Và nếu không có sự phối kết hợp, hệ thống xét nghiệm của ngành y tế từ Trung ương đến địa phương đành bỏ phí hoài hoặc rơi vào cảnh “đắp chiếu”? Khi có những vấn đề phức tạp liên quan đến một số sản phẩm thực phẩm nhất định, liệu giữa các bộ, ngành có sự đùn đẩy trách nhiệm cho nhau?... Đó sẽ là những câu hỏi quan trọng mà các văn bản, thông tư, nghị định hướng dẫn thi hành luật được ban hành trong thời gian tới phải giải quyết được.