Bệnh lạ ở Mường Chiềng

Bài 1: Họa vô đơn chí

ANTĐ - Họ ngày ngày hít thở không khí, vẫn đi lại, nhưng cuộc sống không khác gì địa ngục bởi căn bệnh quái ác gần như đã đặt dấu chấm hết cho số phận của chừng ấy con người. Tôi trở lại xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc (Hòa Bình), ba năm kể từ ngày Báo An ninh Thủ đô in bài phóng sự “Xót xa bản nhỏ” để gặp lại những nhân vật của Mường Chiềng.

Những số phận bị lãng quên

Tôi vẫn còn nhớ những bức ảnh mà phóng viên Đức Tuấn từng chụp tại xã Mường Chiềng năm 2008. Trong chuyến công tác tới cái xã nhỏ xa hút và nghèo nàn nhất nhì của huyện Đà Bắc ấy, anh đã ghi lại cả trăm khuôn hình về những đứa trẻ khắp người lở loét, da đóng vẩy tróc từng mảng bởi một căn bệnh lạ không rõ nguyên nhân. Bài phóng sự tiếp theo đã khiến các cơ quan y tế và Trung ương lập tức vào cuộc. Người ta theo chân các phóng viên tìm về tận Mường Chiềng để gặp những đứa trẻ với căn bệnh đã biến chúng thành những hình hài ghê rợn. Hàng loạt nghiên cứu đã được tiến hành, thậm chí có cháu đã được đưa về Hà Nội chữa trị. Thế nhưng…21 tuổi, nhưng Xa Văn Hiệp vẫn không khác gì đứa trẻ lên 10.

Xa Văn Thành với gương mặt biến dạng vì bệnh tật 

Lúc tôi đến Hiệp còn lang thang đâu đó ngoài bìa rừng. Chị Xa Thị Hặc, mẹ Hiệp bảo: “Trời nóng quá, cứ thay đổi thời tiết thế này là nó lên cơn ngứa, khắp người lại mẩn đỏ, lở loét nên phải kiếm chỗ mát trú chân. Có hôm nóng quá nó cởi hết áo quần ra ngồi gãi đến toạc cả máu”. Rồi chị ra chái hiên hú gọi, loáng cái, đã thấy Hiệp ở đâu chạy về. Trời nóng hầm hập, nhưng Hiệp vẫn mặc áo dài, hai bàn tay gãi sồn sột lên những vết lở loét trên cổ, trên lưng. Bệnh tình nó vẫn thế, chẳng chữa trị được đâu - chị Hặc thở dài. Hiệp là đứa may mắn khi hai năm trước, các bác sĩ đã về tận đây tìm hiểu căn bệnh kỳ lạ của cậu và đưa về Hà Nội chữa trị. Chị Hặc nhớ lại: “Bác sỹ chữa mất 3 tháng, nhưng rồi toi công. Về nhà nó vẫn thế, khắp người sần sùi, rồi bong tróc từng mảng. Chả riêng gì nó mà mấy đứa khác trong xã này cũng vậy.

Hàng ngày Hiệp chỉ loanh quanh ở nhà, căn bệnh khiến chẳng ai dám chơi với cậu. Lủi thủi suốt chừng ấy năm, Hiệp đâm ra lầm lì, người cứ bé quắt lại, trí não cũng chậm phát triển. Lúc nào hứng chí lắm Hiệp tạt sang nhà hàng xóm bên cạnh chơi với thằng cu Thành. Sở dĩ Hiệp chơi được với Thành vì đó cũng là một người bạn đồng cảnh ngộ. Thành 11 tuổi, căn bệnh lở loét khiến mặt mũi chú bé biến dạng. Khắp người Thành, chắc chỉ còn đôi mắt là lành lặn.

Căn bệnh đã ăn vào mắt cháu Xa Văn Hiệp

Lúc chúng tôi ghé thăm, cả nhà đi vắng, Thành đang lủi thủi ở xó cầu thang nhà sàn chơi với một chú chim bị nhốt trong lồng. Nhìn thấy khách lạ, Thành nói duy nhất được một câu: “Không có ai ở nhà đâu”. Chị Hà Thị Lành, cán bộ trạm y tế xã Mường Chiềng - người dẫn đường cho chúng tôi bảo: “Cu Thành thích đi học lắm, nhưng bệnh thế này thì học hành gì. Nhà nghèo rớt mùng tơi, bố mẹ suốt ngày quần quật trên rẫy kiếm cái ăn còn chẳng đủ thì lấy đâu ra tiền cho nó đi học. Mà học cũng chẳng được. Hầu hết những người mắc phải căn bệnh này đều chậm phát triển trí não, đến làm việc giúp bố mẹ còn chẳng biết làm thì đi học sao tiếp thu được”.

Đông, Tây y cũng bó tay

Trong số 7 trường hợp mắc căn bệnh quái ác này thì có lẽ Xa Văn Tâm là trường hợp nặng nhất. Nhà Tâm nằm tít dưới xóm Chiềng Cam. Cha Tâm, anh Xa Văn Quan suốt mười mấy năm nay đã quá mệt mỏi với căn bệnh của con. Khắp người Tâm loang lổ nhìn không khác gì củ khoai lang nướng cháy. Có cảm giác chỉ cần đưa tay vuốt nhẹ lên những vết thương là cả mảng da lở loét sẽ tuột thẳng xuống. Nghe chúng tôi hỏi thăm, anh Quan vừa nói vừa thở hắt ra bằng thứ tiếng Kinh lơ lớ: “Nó là đứa đầu của tôi đấy, bị bệnh từ nhỏ, nuôi mãi không thấy lớn. Càng ngày nó càng lầm lì, cạy răng không nói nửa câu. Nó chẳng chơi với ai, cứ loáng một cái là lủi khỏi nhà đi mất. Mình nói mãi nó không nghe nên phải đóng cũi nhốt lại. Nhưng chỉ được vài bữa nó lại cạy cũi rồi bỏ đi lang thang ngoài chợ, đêm cũng không về”.

Lời anh Quan kể về con mình giống như những gì chúng tôi đã đuợc nghe những người đi chợ kể lại. Hàng ngày, Tâm vạ vật chán ở bìa rừng rồi lại ra cổng chợ. Ai cho gì ăn cái đấy, đêm thì leo lên cây ngủ như người rừng. Tôi nhìn quanh căn nhà lợp mái tranh trống hơ trống huếch nằm chênh vênh bên dốc núi của người cha tội nghiệp mà chẳng thể ngờ rằng, anh đã từng vay đuợc tới… 10 triệu đồng để đưa con mình đi chữa trị. Thế nhưng, đó cũng là nỗ lực cuối cùng của một người cha bởi từ đó đến nay, anh đã phải còng lưng để trả nợ món tiền đó và nuôi người vợ ốm o, gày đét cùng 2 đứa con khác cũng quắt queo như chính thằng anh khốn khổ kia. Cho nên bây giờ Tâm đi đâu, làm gì, anh Quan cũng mặc kệ: “Tôi mệt mỏi lắm rồi. Nó đi đâu thì đi, về lúc nào thì về, tôi chẳng còn hơi sức đâu mà lo nữa…”.

Không giống như Thành và Hiệp bị mắc chứng bệnh lạ này từ khi mới chào đời, phải tới 2 tuổi Tâm mới bắt đầu xuất hiện những “dấu vết lạ” trên cơ thể. Để chữa cho con mình, anh Quan đã dùng đủ biện pháp các biện pháp từ Đông y, Tây y, kết hợp thêm cả cúng mo chán chê mà con cũng không khỏi. Ở Trạm xá xã, bác sỹ cho Tâm dùng đủ các loại thuốc mà bệnh vẫn đâu đóng đấy, da mặt Tâm càng ngày càng bong tróc, biến dạng rồi trở nên trầm trọng. Có cảm giác chứng lở loét đã ăn vào tận mắt khiến một mắt của Tâm gần như đã hỏng. Mắt còn lại cũng đã mờ. Hàng ngày, hàng giờ Tâm phải chống chọi lại với nhưng cơn đau đớn, bứt rứt đang ngày đêm cắn xé cơ thể yếu ớt của em.

(Còn nữa)