Bài 1: “Chung sống” với hỏa hoạn

(ANTĐ) - Không thể phủ nhận sự phát triển hàng loạt chung cư tư nhân thời gian qua, đã đáp ứng sự mong đợi của rất nhiều người dân thu nhập thấp sống và làm việc tại Hà Nội. Song, quá trình đưa vào sử dụng loại hình nhà ở mới này đang “lộ” ra nhiều bất cập… đặc biệt trong công tác PCCC.

“Cận cảnh” chung cư tư nhân:

Bài 1: “Chung sống” với hỏa hoạn

(ANTĐ) - Không thể phủ nhận sự phát triển hàng loạt chung cư tư nhân thời gian qua, đã đáp ứng sự mong đợi của rất nhiều người dân thu nhập thấp sống và làm việc tại Hà Nội. Song, quá trình đưa vào sử dụng loại hình nhà ở mới này đang “lộ” ra nhiều bất cập… đặc biệt trong công tác PCCC.

Lối thoát hiểm ở chung cư tư nhân được tận dụng làm nơi để xe
Lối thoát hiểm ở chung cư tư nhân được tận dụng làm nơi để xe

Phớt lờ các quy định

Không xây dựng theo quy hoạch, các chung cư tư nhân (còn gọi là chung cư mini) hiện “mọc” lên ở nhiều khu vực trên địa bàn Thủ đô, nhưng tập trung nhiều ở các quận Ba Đình, Cầu Giấy và huyện Từ Liêm… Tìm đến chung cư tư nhân trong ngõ 42 Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình, chúng tôi được những người dân ở đây cho biết: Chủ đầu tư bán từ đầu năm 2010, với 34 căn hộ. Đến nay, toàn chung cư 2 khối nhà, cao 6 tầng này đã kín người ở với gần 100 nhân khẩu.

Biết chúng tôi đến tìm hiểu công tác PCCC tại đây, ông Nguyễn Văn Lộc, trú tại phòng 104 cho biết: Chủ đầu tư chung cư ngay từ khi thiết kế đã không quan tâm đến công tác PCCC. Mỗi khối nhà chỉ có duy nhất 1 cầu thang, hẹp đủ cho 2 người đi. Đã thế, khu vực sử dụng chung của tòa nhà khá chật chội, lối ra vào không đủ cho các hộ dân sinh sống ở đây để xe máy, chưa nói đến xe của khách. Khi cháy xảy ra, người dân sẽ không biết thoát nạn thế nào - ông Lộc lo lắng.

Trao đổi với PV ANTĐ, Thiếu tá Phạm Huy Quảng - CSKV CAP Thành Công, phụ trách địa bàn cho biết: Tòa nhà khi đưa vào sử dụng không có thiết bị PCCC. Trước thực tế này, cuối năm 2010, CSKV đã tổ chức họp với các hộ dân, đề nghị họ đóng góp tiền để mua bình chữa cháy cho các tầng nhà. Chưa yên tâm, CAP còn đề nghị các hộ gia đình xây dựng hệ thống bể nước ở tầng 1, lắp đặt máy bơm để sử dụng khi không may hỏa hoạn xảy ra. 

Tương tự, nhiều chung cư tư nhân trên địa bàn quận Cầu Giấy, huyện Từ Liêm… cũng bộc lộ nhiều bất cập về an toàn PCCC. Số chung cư này đều nằm trong ngõ nhỏ, sâu, xe chữa cháy, xe thang không thể tiếp cận khi hỏa hoạn xảy ra. Người dân sống trong chung cư cũng thoải mái gia cố ban công bằng các “chuồng cọp” kiên cố, cản trở lối thoát nạn gần như là duy nhất này. 

Nước xa không cứu được lửa gần

Trong các tình huống, phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ… thì chữa cháy nhà chung cư được đánh giá là khó nhất. Hỏa hoạn xảy ra, ngoài việc phải triển khai nhanh công tác cứu chữa, ngăn hỏa hoạn cháy lan giữa các hộ, các tầng của tòa nhà…, thì việc quan trọng khác là tổ chức hướng dẫn thoát nạn, giải cứu người mắc kẹt. Ở những chung cư cao cấp, hệ thống PCCC, thoát nạn được trang bị hiện đại… thì việc hướng dẫn thoát nạn đã khó (vụ cháy chung cư JSC 34 là ví dụ điển hình - PV), đối với chung cư tư nhân, việc này trở nên rất phức tạp.

Chung cư tư nhân không được đầu tư,xây dựng hệ thống PCCC

Chung cư tư nhân không được đầu tư,xây dựng hệ thống PCCC

Chỉ huy Đội Cảnh sát PCCC Từ Liêm kể lại cho chúng tôi nghe vụ cháy chung cư tư nhân B.Đ, tại thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, Từ Liêm xảy ra đầu năm 2011: Khoảng 8h30 sáng, chúng tôi nhận được tin báo cháy của người dân về vụ cháy căn hộ tầng 2 chung cư này. Hỏa hoạn xảy ra vào đầu giờ sáng, khi nhiều người dân đi làm, ở chung cư lúc này chủ yếu là người già và trẻ nhỏ. Không có lực lượng PCCC cơ sở hướng dẫn thoát nạn, nên khi hỏa hoạn xảy ra, người dân chỉ biết mạnh ai nấy chạy.

Nhận được tin báo, Đội Cảnh sát PCCC Từ Liêm đã xuất 2 xe chữa cháy, cùng hàng chục CBCS đến hiện trường tổ chức cứu chữa. Do chung cư nằm trong ngõ nhỏ, sâu… xe chữa cháy không vào được, nên Cảnh sát PCCC đã phải rải hàng trăm mét vòi dẫn nước chữa cháy. Tại hiện trường, hỏa hoạn bùng phát dữ dội, khói độc cuồn cuộn bốc lên các tầng trên.

Trước tình hình đó, chỉ huy Đội Cảnh sát PCCC Từ Liêm một mặt yêu cầu CBCS triển khai thêm “vòi rồng” phun nước dập lửa, mặt khác cử một tổ công tác mang theo mặt nạ phòng độc đi rà soát từng tầng của tòa nhà xem có người dân nào bị mắc kẹt không. Đến tầng 5, khói đen dày đặc, lực lượng công an bỗng nghe thấy tiếng trẻ nhỏ khóc thất thanh. Tại phòng 50…, Cảnh sát PCCC phát hiện một bà mẹ đang bế trên tay đứa con nhỏ mới hơn một tháng tuổi, tinh thần hoảng loạn.

Lực lượng cứu hộ nhường mặt nạ cho người phụ nữ, thấm khăn ướt che mũi cho em nhỏ rồi đỡ 2 mẹ con thoát xuống đất an toàn. Sau khoảng 20 phút tích cực cứu chữa, hỏa hoạn đã được dập tắt. Nguyên nhân vụ cháy được xác định do mất điện, chủ nhà thắp nến bất cẩn, khóa cửa đi vắng khiến hỏa hoạn bùng phát.

Thu Hạnh

(Còn nữa)