Bạch Mã là riêng, là duy nhất

(ANTĐ) - Về hình thế địa mạo, đương nhiên không núi nào giống núi nào. Nhưng về mặt khí hậu, địa lý – sinh vật thì Bạch Mã là riêng, là duy nhất. Nó là dãy cuối cùng của dải Trường Sơn Bắc, là vườn quốc gia duy nhất trong 25 VQG cả nước nằm trong hành lang xanh tự nhiên kéo từ biển Đông đến tận biên giới Việt – Lào. Vì thế, Bạch Mã trở thành hàng rào, là ranh giới khí hậu giữa hai miền Bắc – Nam Việt Nam.

Tiếng ai hót trên đỉnh Bạch Mã (Kỳ 1)

Bạch Mã là riêng, là duy nhất

(ANTĐ) - Về hình thế địa mạo, đương nhiên không núi nào giống núi nào. Nhưng về mặt khí hậu, địa lý – sinh vật thì Bạch Mã là riêng, là duy nhất. Nó là dãy cuối cùng của dải Trường Sơn Bắc, là vườn quốc gia duy nhất trong 25 VQG cả nước nằm trong hành lang xanh tự nhiên kéo từ biển Đông đến tận biên giới Việt – Lào. Vì thế, Bạch Mã trở thành hàng rào, là ranh giới khí hậu giữa hai miền Bắc – Nam Việt Nam.

Cây thông nhiều ngọn trên đường lên đỉnh Bạch Mã
Cây thông nhiều ngọn trên đường lên đỉnh Bạch Mã 

Khí hậu từ Bạch Mã trở ra Bắc thấp hơn mấy độ so với khí hậu từ đó trở vào Nam. Đặc điểm khí hậu ấy tạo nên đặc điểm sinh vật độc đáo. Bạch Mã là giới hạn phía Nam của các loại chim núi Nam Trung Hoa, Himalaya từ Bắc xuống khoảng 150 km về phía Nam (Quảng Nam, Đà Nẵng, Kon Tum), nghĩa là đến hết phần rừng Quảng Nam, phần đất đã có quyết định của Thủ tướng Chính phủ để mở rộng VQGBM lên 37.700 ha, so với 2.200ha trước đó. Do đó cũng là điểm giao thoa giữa hai hệ thực vật nam Trung Hoa và Himalaya, và giao thoa giữa hai hệ thực vật phía Bắc và phía Nam.

Sáng 7-4, dưới chân VQGBM nắng đẹp. Đường lên núi toen hoẻn một dải nhựa hẹp, xe gặp nhau, bên lùi bên tiến, lựa thế mới qua được. Càng lên cao, đường càng hun hút như lên trời. Mây và sương, sương và mây giăng mịt mùng.

 Rừng già ôm kín đường. Trời tối rầm lại như có nguyệt thực. Mưa mà không hẳn ra mưa. Nó là quá mù ra mưa. Ai trong đoàn Diễn đàn nhà báo môi trường (VFEJ) cũng thích thú khi bước qua ranh giới hai vùng khí hậu. Chính ở cua tay áo dưới một thác nước bên đường, những ngày hè, phía trên mát dịu hẳn, phía dưới trái lại nóng như rang. Thế mới được mệnh danh là cua nóng lạnh.

Leo đến cốt 900m ta gặp đai thời tiết, mà cũng là đai phân chia hai hệ sinh thái, hai thảm thực vật. Từ đó trở lên là khí hậu mưa mùa á nhiệt đới, bắt đầu có cây kim giao, tùng, côm, dẻ, thích (còn gọi là sau sau, phong - lá đỏ hai lần vào mùa thu và xuân). Từ 900m trở xuống là khí hậu mưa mùa nhiệt đới, có rừng kín thường xanh như chò, trám, trâm, trường…

Rồi xe cũng vọt lên được cốt 1200m, tiểu khu hành chính du lịch. BM có hai dạng thời tiết, phân biệt bởi sáng và chiều. Các nơi khác nếu nắng mưa đỏng đảnh thường là sáng mưa chiều nắng. BM ngược lại, chiều lại quá mù ra mưa, tiết trời se lạnh. Mấy buổi chiều liền như thế, không tivi, không rađiô, không điện thoại di động, tất nhiên càng không có tờ báo in nào, dù là báo cũ.

Người cứ nẫu ra. Đột nhiên Trương Cảm, kiểm lâm viên chính bảo: “Bác có nghe tiếng cu rốc rúc không?”… Dỏng tai, tôi mơ hồ nghe tiếng chim giòn giã từng hồi từ đâu vẳng tới! Đưa mắt hỏi “Thế thì có chuyện gì?”. Cảm nói như đinh đóng cột: “Mai nắng”.

Trương Cảm đang hót gọi chim
Trương Cảm đang hót gọi chim

Đêm ấy không còn phải nghe tiếng sương đọng từ tán lá gõ xuống mái tôn bồm bộp. Sáng sau, trời trong veo. Mấy hôm sau Cảm còn chỉ một tổ ong vò vẽ giải thích: Nó đóng tổ càng cao thì mưa lũ lụt càng lớn.

Nó đóng tổ thấp là bão lớn đấy. Gần sáng chợt tiếng con chim kri… kri… kri… như tiếng chuông báo thức. Xem đồng hồ, 5h15! Mấy ngày thế rồi, không sai. Vội vàng làm mấy động tác thể dục rồi xuống Trạm kiểm lâm số 1 nhờ Cái ánh, chàng kiểm lâm chính, trạm trưởng đưa lên đỉnh Bạch Mã.

Lướt qua tất cả nhà cửa BM, từ đây lên đỉnh, chợt nhận ra, khác tất cả các khu nghỉ mát, từ Sa Pa, Tam Đảo, Ba Vì, Đà Lạt, chỉ riêng Bạch Mã cấm khách đi xe máy (chỉ có xe công vụ và xe chở vật liệu xây dựng). Chỉ riêng Bạch Mã có đường điện chạy ngầm.

 Chỉ riêng Bạch Mã không có khách sạn, nhà nghỉ. Tất cả đều là biệt thự, hơn chục chiếc xây trên nền móng và thiết kế cũ của 139 chiếc có từ thời Pháp đã bị chiến tranh hoặc con người phá đổ. Do đó chỉ có nhà hai tầng và đều mang tên các loại cây, hoa, con vật đặc trưng như Đỗ Quyên, Phong Lan, Cẩm Tú Cầu, Sao La, Kim Giao và một vài tên cũ của chủ người Pháp, người Việt (trong đó có biệt thự Phong Lan rất đẹp, có cả bể bơi của Trần Lệ Xuân, vợ Ngô Đình Nhu, cố vấn Tổng thống Ngô Đình Diệm).

 Tò mò, tôi đọc tấm biển gắn dưới một trụ nước bên đường đề: nước uống miễn phí cho khách du lịch, đã lọc chậm qua than hoạt tính, xử lí bằng tia cực tím và nước zaven. Tôi cúi xuống, bấm vào vòi nước. Một dòng nước trong veo, mát lạnh gan ruột. Bỗng nhớ, ngày hoà bình mới lập lại, Hà Nội vẫn còn những trụ nước như thế ở đâu đó góc phố.

Vòi nước chỉ bằng que tăm chảy như cầu vồng cho người đi đường uống cũng được, mà rửa tay, rửa mặt cũng được. Cái quý nhất là môi trường sinh thái BM vẫn giữ được vẻ nguyên sơ, hoang dã. Người nước ngoài mê Bạch Mã vì thế.

Mấy ngày nay, trong bữa ăn, tôi vẫn gặp hai vợ chồng người Pháp với ba đứa con lít nhít trứng gà trứng vịt. Nãy lại gặp một người châu Âu địu con trên lưng, vợ đi sau mấy bước, gập người leo dốc, và họ đã không uổng công khi gặp mấy chú gà lôi lam mào trắng giữa đường mòn.

Hết đường ôtô. Còn 700m mới tới đỉnh BM - 1450m. Chỉ có thể đi bộ. Xe máy, phải vào những tay kiểm lâm hay những tay thợ chở vật liệu xây dựng mới chạy nổi. Con đường lát đá tảng chỉ hơn 60cm bề ngang, phải cúi rạp người mới khỏi va đầu vào cây rừng vắt ngang đường.

Mấy ngày liền không động đến, bỗng chuông điện thoại báo có tin nhắn. Sóng đầy ắp. Mừng quá. Nhưng hãy để đấy đã. Dễ gì có được ban mai kỳ diệu này. Mặt trời đội biển phía vịnh Chân Mây nhô lên. Nắng sóng sánh vàng như cốc bia tươi mời gọi lữ khách trưa nắng hạ. Mây bồng bềnh phủ kín biển Đông, chạy tới chân trời qua 18 km ăn vào tận chân Bạch Mã này. Mây dâng kín các thung lũng sâu.

Đứng trên Vọng Hải Đài (đài ngắm biển) 1370m, nếu cứ nắng thế này, màn mây vén lên, mắt thường có thể nhìn thấy cả dãy Bà Nà (Đà Nẵng), vịnh Chân Mây, đầm Cầu Hải ăn với phá Tam Giang nhìn sang đỉnh BM, 1450m, sang đỉnh núi Mang, 1712m - cao nhất dãy Bạch Mã. Kìa, biển mây trắng xoá cứ dềnh mãi lên ngập ngang lưng núi; có cảm giác cả núi và người cùng mơ màng chốn bồng lai tiên cảnh.

Cái trong trẻo tinh khiết, cái không cùng của trời đất, màu xanh thanh khiết của núi, màu trắng tinh khôi của mây, niềm cực lạc của lòng người trong nhiều ngày, rũ hẳn công việc và mọi quan hệ đời thường, được đứng trên đỉnh núi làm ta phải hét to đến rách phổi, hoặc là lặng im tuyệt đối mới tận hưởng được vẻ đẹp kì vĩ này. Sau phút giây thỏa thuê ngắm Mặt trời đội biển lên, ai cũng áp điện thoại vào tai, ríu rít gọi cho người thân, kể về cảnh thiên nhiên hùng vĩ mình vừa chứng kiến.

Bút ký- Nguyễn Bắc Sơn

Kỳ 2: Trĩ sao – biểu tượng Bạc Mã