Bắc thang lên… thăm vũ trụ

ANTĐ - Trong lịch sử, con người chinh phục vũ trụ bằng những phương tiện đầy rủi ro và vô cùng tốn kém: Phóng tên lửa chở tàu vũ trụ lên quỹ đạo Trái đất và xa hơn. Nhiều phi hành gia đã bỏ mạng trong những chuyến bay mạo hiểm đó. Thế kỷ 21 có thể sẽ chứng kiến một phương tiện khác an toàn và tiết kiệm hơn mà vẫn mang lại hiệu quả như ý: Thang máy vũ trụ.

Con người sẽ chinh phục không gian bằng thang máy

Không chỉ dừng lại ở ý tưởng, giấc mơ xây dựng thang máy vũ trụ đang dần được các nhà khoa học từng bước biến thành hiện thực và được đánh giá sẽ là một trong những công trình lớn nhất từ trước tới nay trong ngành khoa học vũ trụ. Các nhà khoa học Nhật Bản có thể là những người tiên phong trong việc biến ý tưởng này thành một dự án khoa học cụ thể, khi các kỹ sư thuộc Tập đoàn Obayashi (có trụ sở tại Tokyo) dự định, đến năm 2050 sẽ đưa con người lên độ cao 36.000km so với mặt đất để thám hiểm không gian bằng thang máy và nó sử dụng cơ cấu thang máy như thường thấy ở các nhà cao tầng.

Để xây dựng chiếc thang máy không gian này, các nhà khoa học sẽ phải sử dụng một sợi dây cáp cực kỳ bền chắc. Họ có ý định sẽ sử dụng ống nano carbon (carbon nanotube), loại ống nano carbon này phải bền chắc gấp 4 lần so với các loại ống nano bền nhất hiện nay, nghĩa là chắc khoảng 180 lần so với thép. Ngoài ra, cáp nano  carbon phải cực nhẹ và có thể chịu được mọi lực tác động trong và ngoài thang máy. Dây cáp làm từ ống nano carbon này, một đầu được nối chặt vào một trạm neo đặt trên đường xích đạo, ngoài khơi bờ biển Nam Mỹ thuộc Thái Bình Dương (một số ý kiến cho rằng nên đặt ngoài khơi bờ biển Ecuador bởi khu vực này gần với đường xích đạo và quỹ đạo) đầu còn lại được gắn vào một bệ cố định trên quỹ đạo (chẳng hạn như trạm không gian) ở độ cao 96.000km, tức bằng 1/4 khoảng cách từ Trái đất tới Mặt trăng.

Buồng thang máy sẽ sử dụng các tế bào quang điện, có khả năng chuyển ánh sáng thành điện năng. Một hệ thống laser sẽ được gắn vào trạm neo để cung cấp nguồn năng lượng ánh sáng cho buồng thang máy và đẩy thang máy đi lên. Trạm dừng cuối sẽ được xây dựng ở khoảng cách 36.000km so với mặt đất. Trên trạm này cũng sẽ có một nhà máy nhỏ giúp biến đổi năng lượng mặt trời thành điện năng và truyền về mặt đất. Thang máy từ mặt đất đi lên trạm sẽ có khả năng chuyên chở 30 người, với tốc độ 200km/h.

Các chuyên gia hy vọng những chiếc thang máy không gian sẽ trở thành phương tiện giao thông vừa rẻ vừa an toàn. Một trong những lợi ích lớn nhất của việc du hành vũ trụ bằng thang máy thay bằng tàu con thoi là chi phí rất thấp. Vì không cần đến hàng tấn nhiên liệu để vượt qua lực hấp dẫn, thang máy vũ trụ chỉ cần 1% năng lượng đó để bay lên vũ trụ. Khi hoàn thành, thang máy vũ trụ có thể chở người và hàng hóa. Nó cũng có thể dùng trong các dự án mang tính đột phá như chở máy phát điện dùng năng lượng mặt trời để cung cấp điện cho các hoạt động ở mặt đất, thậm chí chở các thùng chứa chất thải phóng xạ đem “chôn” trong vũ trụ khi Trái đất không còn chỗ chứa.

Liệu dự án này có khả thi? Trên lý thuyết là vậy nhưng để thực hiện và hoàn thành vào năm 2050 vẫn rất cần nhiều sự nghiên cứu và đầu tư. Mặc dù vậy, một nhà quản lý cấp cao của Tập đoàn Obayashi cho biết: Vào thời điểm hiện tại chưa thể tính toán được chi phí, nhưng từng bước của dự án sẽ thực hiện vững chắc để đảm bảo ý tưởng sẽ không kết thúc giống một giấc mơ.