Bác sỹ Trung Quốc định cấy ghép đầu người

ANTĐ - 6 năm trước, ông Vương Hoán Minh bị liệt toàn thân do bị thương khi đấu vật với một người bạn. Giờ đây, ông hy vọng có thể đi lại được bằng cách: tìm một cơ thể mới cho đầu của mình. Ông Minh là một trong số vài người ở Trung Quốc tình nguyện tham gia ca cấy ghép đầu tại một bệnh viện ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, phía bắc Trung Quốc.

Thí nghiệm cấy ghép đầu trên chuột do bác sĩ Nhậm tiến hành

Ca phẫu thuật như phim kinh dị

Vị bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình đề xuất tiến hành ca ghép đầu này là Nhậm Hiểu Bình thuộc trường Đại học y Cáp Nhĩ Tân, người đã hỗ trợ ca ghép tay đầu tiên tại Mỹ vào năm 1999, cho biết đang nghiên cứu và ca phẫu thuật sẽ diễn ra “khi sẵn sàng”.

Kế hoạch của ông Nhậm Hiểu Bình là: Cắt 2 chiếc đầu khỏi 2 cơ thể, nối những mạch máu của cơ thể do người chết hiến tặng với đầu của người nhận, chèn một đĩa kim loại để cố định chiếc cổ mới, chấm keo hỗ trợ tái phát triển vào đầu dây thần kinh cột sống và cuối cùng là khâu da lại.

Ý tưởng ghép đầu người sang cơ thể mới gặp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia trên thế giới về vấn đề chuyên môn lẫn đạo đức. Ít nhất cho tới thời điểm này, một ca ghép đầu là không thể thành công, theo ý kiến của nhiều bác sĩ và chuyên gia, trong đó cả nhà khoa học Trung Quốc – người đã chỉ ra khó khăn khi kết nối dây thần kinh trong tủy sống. Nếu ca phẫu thuật thất bại có nghĩa bệnh nhân sẽ tử vong.

“Đối với hầu hết mọi người, đây là một kế hoạch vội vàng và thiếu thận trọng” - Tiến sĩ James L. Bernat, một giáo sư về thần kinh và y khoa tại trường Y Geisel   thuộc Đại học Dartmouth, New Hampshire, Mỹ cho biết. Trong khi đó, khi trả lời phỏng vấn hồi tháng 11 năm ngoái, bác sĩ Hoàng Khiết Phu, nguyên Thứ trưởng Y tế Trung Quốc khẳng định, khi xương sống bị cắt lìa, các tế bào thần kinh “không nối lại được, vì vậy ghép đầu về mặt khoa học là không thể”. Ông Hoàng  Khiết Phu cũng nhấn mạnh, “về mặt đạo đức, việc ghép đầu cũng không thể chấp nhận được”.

Đáng chú ý, bác sĩ Nhậm Hiểu Bình không phải là người duy nhất trên thế giới đang nghiên cứu về cấy ghép đầu người. Bác sĩ Sergio Canavero thuộc Tập đoàn Turin Advanced Neuromodulation ở Italy và một số nhà khoa học khác thuộc Học viện Lý thuyết và thực nghiệm Lý sinh học ở Nga cũng đang nghiên cứu vấn đề này. Tuy nhiên, ông Canavero và viện khoa học của Nga đều chưa có kế hoạch thực hiện.

Bác sĩ Nhậm Hiểu Bình (trái) lên kế hoạch cấy ghép đầu người ở Trung Quốc

Dấy lên tranh luận về y đức 

Theo một số chuyên gia, loại thí nghiệm y khoa như cấy ghép đầu ở Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi tham vọng mang tính quốc gia và thế giới quan thực dụng – những yếu tố chỉ ưu tiên kết quả, thiếu sự minh bạch và trách nhiệm giải trình với thế giới bên ngoài.

Năm ngoái, các nhà nghiên cứu tại Đại học Trung Sơn, ở thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) đã thay đổi một gene gây bệnh thiếu máu trong phôi người bằng cách sử dụng một công nghệ được phát triển ở Mỹ. Thí nghiệm này được cho là vượt quá giới hạn đạo đức, bởi vì sự thay đổi này sẽ được kế thừa nếu tiến hành trên các phôi sống.

Điều này cũng có thể mở ra con đường cho việc sửa đổi gene vĩnh viễn nhằm thay đổi về ngoại hình hoặc trí tuệ của loài người. Trong khi đó, vừa qua, một đội nghiên cứu khác ở Quảng Châu đã biến đổi phôi thai với hy vọng khiến chúng kháng được virus HIV. Nhiều nhà khoa học đã lên án thí nghiệm này với lý do thiếu sự đồng thuận về đạo đức.

Vấn đề đạo đức từ lâu đã trở thành rào cản mà các nhà nghiên cứu Trung Quốc phải đối mặt trong lĩnh vực cấy ghép nội tạng. Đầu năm nay, Hiệp hội Cấy ghép Tim và Phổi Quốc tế bác bỏ nghiên cứu dựa trên nội tạng tù nhân của một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc tại hội nghị thường niên.

Trao đổi về vấn đề đạo đức của việc cấy ghép đầu người, bác sĩ Nhậm Hiểu Bình – người đã thí nghiệm ghép đầu trên chuột nhưng chúng chỉ sống được 1 ngày cho biết, “tôi đã thực hiện những ca phẫu thuật phức tạp nhất, nhưng so với lần này thì không thể so sánh.

Dù phù hợp về đạo đức hay không, cũng là liên quan tới sinh mạng của con người. Không có gì quý hơn sinh mạng, đó là cốt lõi của đạo đức”. Được biết, bác sĩ Nhậm Hiểu Bình đang thực hành dự án này trên tử thi người nhưng ông từ chối cung cấp chi tiết.