Bác sỹ nghi đánh nữ điều dưỡng ở Huế có bị xử lý hình sự?

ANTD.VN -Liên quan đến vụ việc một bác sĩ tên P công tác tại Bệnh viện Trung ương Huế nghi đánh nữ điều dưỡng dưới quyền nhập viện sau khi giở trò đồi bại bất thành, dư luận đặt câu hỏi, liệu cá nhân thực hiện hành vi này có bị xử lý hình sự?

Vụ việc trên đang được CATP Huế xác minh làm rõ. Được biết, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế đã có quyết định tạm đình chỉ công tác của bác sĩ P để phục vụ điều tra. Vị bác sỹ này cũng đã viết đơn xin nghỉ việc và hiện không còn công tác tại Bệnh viện Trung ương Huế. Bộ Y tế cũng có văn bản yêu cầu Bệnh viện Trung ương Huế báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý đối với cá nhân liên quan.

Phân tích sự việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, nếu đúng như tố cáo của bên bị hại, cơ quan công an cần phải làm rõ nguyên nhân, động cơ và hậu quả do hành vi này gây ra để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Nạn nhân bị hành hung đang điều trị tại bệnh viện

Trường hợp có căn cứ cho rằng bác sĩ P hành hung nữ điều dưỡng nhằm mục đích để quan hệ tình dục thì đối tượng này có thể bị xử lý về tội Cưỡng dâm hoặc tội Hiếp dâm với hình phạt rất nghiêm khắc.

Điều 143 BLHS 2015 về tội Cưỡng dâm quy định, người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác thì bị phạt tù từ 1 -5 năm.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có thể bị xử lý về tội Hiếp dâm. Theo Điều 141 BLHS 2015, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Còn nếu có đủ bằng chứng chứng minh nguyên nhân của việc hành hung là do mâu thuẫn trong tình cảm hoặc do thù tức cá nhân thì tùy theo mức độ thương tổn về sức khỏe của nạn nhân, người thực hiện hành vi có thể bị phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 134 BLHS 2015 sửa đổi về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác - Luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.

Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11-30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp: Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Tuy vậy, theo Luật sư Lê Hồng Vân, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội danh này phải đảm bảo 2 điều kiện tại Điều 155 - Bộ luật TTHS và khoản 1 Điều 134 BLHS 2015. Đó là, tỉ lệ thương tật của nạn nhân phải từ 11-30% hoặc dưới 11% với nạn nhân là người không có khả năng tự vệ, phụ thuộc và yếu thế; Có yêu cầu đề nghị khởi tố của nạn nhân.

Ngoài việc xem xét trách nhiệm hình sự, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm còn có nghĩa vụ xin lỗi công khai và bồi thường toàn bộ những thiệt hại vật chất cho nạn nhân.

Thiệt hại này bao gồm các chi phí trong quá trình điều trị, cứu chữa, tiền công người chăm sóc và bồi thường tổn hại về tinh thần không quá 50 tháng lương tối thiểu theo quy định của pháp luật. Nếu bên vi phạm cố tình không bồi thường thì người bị hại có quyền yêu cầu tòa án buộc người này phải bồi thường thiệt hại do hành vi xâm hại đến sức khỏe gây ra.

Dưới góc độ tổ chức, quản lý nhân sự, cơ quan nơi đối tượng có hành vi vi phạm sẽ xem xét tư cách, đạo đức của người đàn ông này để có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp. Nếu cá nhân này không đủ đạo đức, phẩm chất để hành nghề thì có thể bị sa thải.