Bác sỹ già 20 năm mở phòng khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo

ANTĐ - Tận dụng hết 2 căn phòng với lỉnh kỉnh máy móc, dụng cụ y tế trong chính ngôi nhà nhỏ của mình ở phố Thụy Khuê, Hà Nội để làm nơi khám, chữa bệnh cho người nghèo. Đã hơn 20 năm nay bất ngày nắng cũng như ngày mưa bão, cánh cửa ngôi nhà của ông vẫn luôn sáng đèn rộng cửa đón tiếp hàng nghìn bệnh nhân nghèo đến đây khám chữa bệnh. Người dân ở đây gọi ông với cái tên thân mật “bác sỹ của người nghèo”. Chủ nhân của phòng khám nằm khiêm tốn này là bác sỹ Nguyễn Văn Chương.
Bác sỹ già 20 năm mở phòng khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo ảnh 1

Tâm sự của vị “bác sỹ già”

Bác sỹ Nguyễn Văn Chương tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội năm 1959, ông từng làm chuyên gia cho Bộ Y tế Lào và bảo vệ luận án Tiến sỹ Y học thành công tại Viện Hàn lâm Y học Bulgaria. Sau khi nghỉ hưu, rất nhiều phòng khám tư nhân đã mời bác sỹ Chương về làm việc với mức lương cao nhưng ông đều từ chối. Trò chuyện với chúng tôi, vị bác sỹ già Nguyễn Văn Chương năm nay đã bước sang tuổi 80 cho biết: “Lúc đó tôi đã có một dự định, đó là ấp ủ mong muốn mở một phòng khám cố định để có thể khám, chữa bệnh cho những bệnh nhân nghèo khó”. Nhưng với đồng lương hưu ít ỏi, kinh tế lại không quá dư dả, việc thuê một địa điểm để mở phòng khám không phải dễ dàng là trở ngại đầu tiên mà bác sỹ Chương gặp phải, thứ nữa là nếu đi thuê thì cũng khó xác định lâu dài, rồi lại nay chuyển mai rời, không chịu bó suy nghĩ, bác sỹ Chương đã tận dụng ngay chính ngôi nhà của mình làm nơi khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo bằng những phương pháp đơn giản, chi phí thấp, hiệu quả cao.

Khi biết chúng tôi muốn viết về những gì ông đã tận tâm vì người nghèo, bác sỹ Chương khiêm tốn chia sẻ: “Tôi đã làm được gì lớn lao, xứng đáng đâu; công việc khám chữa bệnh cho người nghèo cũng chỉ là xuất phát từ mong muốn làm tròn “bổn phận” của một người thầy thuốc. Thứ nữa là sinh ra, lớn lên rồi trưởng thành trong giai đoạn đất nước còn khó khăn, con người còn nghèo khó, vất vả nên tôi càng thấu hiểu nỗi niềm của những bệnh nhân nghèo, phải giúp người đến khi nào có thể thì thôi. Điều đặc biệt ở phòng khám này còn có sự giúp đỡ của nhiều đồng nghiệp khác, họ đều một lòng tận tâm đóng góp công sức vào nơi đây”… Bác sỹ Nguyễn Văn Chương chia sẻ về những người bệnh của mình - “Vì là phòng khám tư nên tôi chỉ cố gắng trong khả năng của mình, trong trường hợp bệnh nặng, cần điều trị trong thời gian dài tôi sẽ có những tư vấn và lời khuyên cụ thể cho bệnh nhân đến khám, chữa tại những bệnh viện, cơ sở có uy tín”. Hơn 20 năm là cả một quãng thời gian dài, trong số những người cùng giúp sức với bác sỹ Chương từ những ngày đầu tiên đến nay không ít những người là các Giáo sư, bác sỹ đầu ngành, có uy tín, kinh nghiệm và tất thảy đều có chung tấm lòng giống như ông tận tâm vì người bệnh, hết lòng vì người nghèo…   

Hết lòng vì bệnh nhân nghèo

Là phòng khám với tôn chỉ mục đích rõ ràng nên để duy trì hoạt động chủ yếu trông chờ vào chính sự đóng góp của các thầy thuốc và sự “năng động” của bác sỹ Chương. Ông tự nguyện góp lương hưu, tiền dành dụm, tiền con cháu biếu để mua sắm vật dụng khám, chữa bệnh và tìm kiếm những “kênh” quan hệ có trong thời gian công tác để xin thuốc phát miễn phí cho người nghèo, đặc biệt là người già ở Cụm dân cư số 4, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Bác sỹ Chương cho biết, giúp những người nghèo bằng tiền thì ông không thể mà chỉ có thể giúp bằng chính khả năng chuyên môn của mình.

Thế là bằng cái tâm của người bác sỹ, đồng cảm với những người nghèo, những người kém may mắn trong cuộc sống, 20 năm qua là cả một quãng thời gian cống hiến không biết mệt mỏi của bác sỹ Chương và những đồng nghiệp cùng nghề mỗi khi ông nhờ đến họ. “Nhiều năm trong nghề, tôi là người hiểu hơn ai hết nỗi khổ của người bệnh, bởi họ đâu chỉ đau về thể xác mà còn đó nỗi đau tinh thần giằng xé hàng ngày. Hiểu được tâm lý của những bệnh nhân cao tuổi nên tôi luôn ân cần khám cho mọi người, sẵn sàng trả lời, giải đáp thắc mắc liên quan đến sức khỏe cũng như cuộc sống cho bệnh nhân”, bác sỹ Chương chia sẻ.

Câu chuyện về vị bác sỹ già và phòng khám bệnh cho người nghèo quả đúng như vậy, bởi lẽ nếu ai có dịp đi ngang qua phòng khám của ông, dù ngày nắng hay mưa, mùa đông giá rét hay mùa hè oi bức cũng sẽ dễ dàng nhìn thấy một người đàn ông có mái tóc bạc như cước, gương mặt phúc hậu hay ngồi ở cửa phòng khám hướng mắt ra phía ngoài. Ông bảo: “Mình phải đợi sẵn, nếu có bệnh nhân thì phải ân cần đón tiếp, không để người bệnh phải chờ đợi lâu. Cuộc đời nào dám nhận làm được gì lớn lao, chỉ cần mẫn lo sao để làm tròn bổn phận của người thầy thuốc”… Vậy đó, đến nay vị bác sỹ già cũng chẳng thể nhớ nổi đã có bao nhiêu bệnh nhân “ghé thăm” phòng khám của ông, họ là những người cao tuổi, bệnh nhân nghèo từ nhiều nơi đến. Hình ảnh mái đầu bạc trắng khám bệnh, giải thích tận tình bệnh tình cho từng người bệnh đã trở nên thân thuộc và để lại ấn tượng sâu đậm cho bất kỳ ai có dịp ghé thăm phòng khám. 

Thực tế ở các bệnh viện hiện nay bệnh nhân phải xếp hàng để được bác sỹ khám bệnh, nhưng với những vị “bác sỹ già” này thì nhiều khi ông lại đi tìm bệnh nhân, rồi sau đó lại trở thành người thân của từng gia đình, của nhiều người bệnh. Thế mới có chuyện nhiều bệnh nhân có bảo hiểm y tế hẳn hoi nhưng nhiều năm nay vẫn thường xuyên đến chỗ ông… khám bệnh vì đơn giản ở đây người bệnh được coi như người nhà, mọi thắc mắc của người bệnh sẽ được tư vấn và giải đáp rất tận tình và thậm chí còn được chia sẻ những câu chuyện phòng bệnh, tự cấp cứu cho bản thân. Bác sỹ Chương tâm sự rằng còn gì hạnh phúc hơn khi được bệnh nhân tin tưởng, quý mến. Thế nên có những ngày mưa mà bệnh nhân nghèo vẫn tìm đến ông, còn với vị bác sỹ thì xót xa tâm sự rằng cuộc sống này còn nhiều người nghèo quá, và ở cuộc đời này cần lắm tình yêu thương giữa con người với nhau. Đối với người dân nơi đây thì ai cũng coi bác sỹ Nguyễn Văn Chương như vị “bác sỹ của gia đình” bởi ở khu phố có ai xảy ra bệnh tình nguy cấp gì thì bác sỹ Chương cũng đều có mặt trước… 115. Ông đã hàng chục người bị tai biến, nhồi máu cơ tim, chảy máu dạ dày, đột quỵ, hen ác tính… qua được cơn nguy kịch. Ngoài ra, hàng nghìn người cũng được ông khám chữa bệnh miễn phí tại nhà. 

Bác sỹ già 20 năm mở phòng khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo ảnh 2

Tấm lòng đến muôn nơi

Ngoài phòng khám ở Hà Nội, tấm lòng của ông được đưa đến muôn nơi khi ông đã cùng chung tay xây dựng “Phòng điều trị nghĩa tình” tại xã Thụy Hưng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, đều đặn đưa các y, bác sỹ về đây tư vấn, khám chữa bệnh miễn phí cho bà con nghèo. Điển hình như bác sỹ Nguyễn Văn Chương đã mời các Giáo sư, Tiến sỹ đầu ngành như Giáo sư Hoàng Bảo Châu, Giáo sư Hoàng Tích Huyền về nói chuyện phòng chống đột quỵ cho các bác sỹ Trưởng Trạm y tế của 48 xã trong huyện. Đồng thời, ông còn đưa nhiều thiết bị mới về Trạm y tế xã như giường bệnh, tủ thuốc, máy vật lý trị liệu, máy tạo ô-xy… để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân nơi đây bởi trước kia các Trạm y tế thiếu thốn vì xa trung tâm và không có kinh phí. 

Hiện nay, để giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, bác sỹ Nguyễn Văn Chương còn đi vận động các Công ty Dược để tài trợ thuốc bổ tim, gan, thận, hoạt huyết dưỡng não, chống mỡ máu, tiểu đường… Đặc biệt, ông cũng dành toàn bộ số tiền lương hưu của mình cùng tài trợ của các công ty dược phẩm tại Hà Nội để tổ chức các đợt khám, tư vấn và cấp thuốc miễn phí cho người dân ở các tỉnh. Ở độ tuổi 80, không ai có thể hình dung được ông lại có một sức làm việc dẻo dai đến như vậy, khi cứ chủ nhật hàng tuần, ông lại đứng ra quyên góp từ các nhà hảo tâm, cùng các em sinh viên nấu hàng trăm bát cháo từ thiện tại sân chùa Mật Dụng, phố Thụy Khuê, Hà Nội rồi chuyển vào phát miễn phí cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Lao Phổi Trung ương. Rồi ông đi quanh khu dân cư nơi mình đang sinh sống “điểm danh” tất cả già-trẻ-trai-gái-đang công tác-đã nghỉ hưu hoạt động trong ngành Y lại tổng thể được 19 người để tạo thành một mối liên kết để khi cần là có để giúp đỡ chính những người bệnh trên địa bàn.

Cứ nói đến công việc thiện nguyện là giọng ông thêm hứng khởi, tiếp tục chia sẻ với chúng tôi đang ấp ủ dự án nghiên cứu chữa bệnh ung thư vì hiện có nhiều người mắc căn bệnh quái ác này quá. “Điều này khiến tôi cố gắng, kiên trì, mày mò cách chữa bệnh, đặc biệt là cho người nghèo” - bác sỹ Nguyễn Văn Chương tâm sự - “Tôi vẫn đang ngày đêm tìm kiếm những phương pháp điều trị mới; đồng thời theo dõi, điều trị phục hồi cho hàng chục bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi; và tiếp tục theo đuổi nghề y cho đến khi nào không thể, còn khỏe thì phòng phám vẫn còn mở cửa, phòng khám bệnh cho người nghèo, cho bất cứ ai muốn được giúp đỡ vẫn sẽ còn tồn tại theo thời gian”.