Gia tăng “côn đồ bệnh viện” ở Trung Quốc:

Bác sỹ cũng bị cứa cổ

ANTĐ - Người đàn ông đang nằm trên bàn chờ phẫu thuật đột nhiên nhổm dậy, vác ghế đuổi đánh kíp bác sỹ. Đoạn băng được trích từ camera giám sát phòng mổ bệnh viện số 1 Kinh Châu, Hồ Bắc, Trung Quốc hôm 5-5 đã khiến dư luận nước này xôn xao, đồng thời tăng thêm áp lực cho đội ngũ nhân viên y tế vốn đã luôn căng thẳng vì tình trạng “côn đồ bệnh viện” nghiêm trọng xảy ra suốt thời gian qua.  

Hình ảnh camera cho thấy bệnh nhân (cởi trần)  đột nhiên từ bàn mổ xuống,

cầm ghế tấn công bác sỹ trong phòng mổ ở bệnh viện số 1 Kinh Châu, Hồ Bắc hôm 5-5

Nghề nguy hiểm

Ngày 13-4 đã trở thành ngày kinh hoàng đối với ngành y tế ở Bắc Kinh khi xảy ra 2 vụ tấn công bác sỹ. Khoảng 10h25, một người đàn ông đeo khẩu trang mang theo dao găm bất ngờ xông vào phòng khám khoa tai mũi họng bệnh viện Y đại học Bắc Kinh, đâm vào cổ bác sỹ trực tại đây làm đứt tĩnh mạch, mất gần 1 lít máu. 19h cùng ngày, khi bác sỹ Triệu Lập Chúng đang khám cho bệnh nhân tại khoa Nội, bệnh viện Hàng không Bắc Kinh, một người đàn ông bịt kín khẩu trang cũng đã lao vào, rút con dao dài 40cm đâm vào cổ ông rồi bỏ trốn. Do được cấp cứu kịp thời nên hiện cả 2 bác sỹ đều đã qua tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, song nỗi ám ảnh thì vẫn thường trực đối với mỗi bác sỹ nơi đây.

Trước đó, ngày 23-3, một thanh niên xông vào khoa Miễn dịch bệnh viện số 1 trường Đại học Y Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, dùng dao gọt quả đâm chết một bác sỹ thực tập rồi bỏ trốn. Kết quả điều tra cho thấy, hung thủ Lý Trường Thanh vốn là bệnh nhân viêm cột sống, nhập viện từ tháng     4-2011. Bác sỹ chẩn đoán Lý Trường Thanh mắc viêm phổi và đề nghị chuyển bệnh nhân sang khoa lồng ngực điều trị. Sau khi khám tại đây, Trường Thanh quay lại cùng kết quả xét nghiệm, tuy nhiên các bác sỹ vẫn yêu cầu anh ta điều trị viêm phổi trước. Trường Thanh cho rằng bác sỹ ở đây không chịu chữa cho mình nên bất mãn. Ngày 23-3, anh ta mua một con dao, xông vào khoa Miễn dịch tấn công 4 nhân viên y tế tại đây, sau đó đâm vào cổ mình tự sát không thành. 

Đó chỉ là những trường hợp rất điển hình phản ánh tình trạng bạo lực trong bệnh viện ở Trung Quốc thời gian qua. Vì những mâu thuẫn trong quá trình khám chữa bệnh, người nhà bệnh nhân đã chọn hình thức bạo lực thay vì một con đường giải quyết ổn thỏa hơn. Ông Lưu Sinh Quân, Công an thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông phân tích, các vụ gây rối trong bệnh viện thông thường ở 3 cấp độ: to tiếng với lãnh đạo bệnh viện, tiếp đó là đặt vòng hoa, xe tang gây rối trong bệnh viện, và cuối cùng khủng bố, đe dọa bác sỹ điều trị. “Cá biệt còn có trường hợp người nhà bệnh nhân bắt cóc con bác sỹ để uy hiếp”, ông Quân cho biết. 

Thiệt cả đôi bên 

Dù rằng vẫn có những cách giải quyết hiệu quả hơn, song dường như gây rối lại chính là sự lựa chọn của nhiều gia đình bệnh nhân hiện nay mỗi khi tranh chấp hay mâu thuẫn xảy ra. Theo ông Trương Hoàng, một chuyên gia xã hội học ở Thượng Hải, tình trạng đó xuất phát từ tâm lý “không làm lớn chuyện không giải quyết được vấn đề” của người nhà bệnh nhân. “Song các vụ gây rối trong bệnh viện xảy ra liên tiếp không chỉ ảnh hưởng đến tính tích cực của nhân viên y tế, mà còn gây bất lợi cho người bệnh”, ông Trương Hoàng nhận xét.

Ngoài hậu quả trực tiếp, những vụ gây rối về lâu dài còn ảnh hưởng tới cả ngành y tế. Theo một báo cáo điều tra mới công bố của trường Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, những vụ rắc rối trong bệnh viện khiến cho rất nhiều học sinh và phụ huynh tránh né, thậm chí sợ việc thi tuyển vào các trường y. Nếu như năm 2005, trường Y thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải tuyển được 900 sinh viên, thì năm 2011 chỉ còn 600. “Chỉ trong vài tháng mà tôi đã chứng kiến gần chục vụ gây rối, phần lớn đều là những tình huống phức tạp và nghiêm trọng. Vì ảnh hưởng của những chuyện đó mà khi tiếp xúc với bệnh nhân tôi cũng luôn căng thẳng hơn, tâm lý rất không thoải mái”, Lý Hồng, một sinh viên năm thứ 4 Đại học Phúc Đán đang thực tập ở bệnh viện cho hay. Kết quả điều tra cho thấy, nếu như trước đây sinh viên y ra trường chỉ muốn vào những bệnh viện lớn, thì giờ đây họ lại hướng đến những bệnh viện chuyên khoa ít “nguy cơ” như viện mắt, viện thần kinh mà tránh những nơi như viện nhi, viện phụ sản, khoa ngoại hay phòng cấp cứu... 

Trong khi đó, ngay cả các bác sỹ  có thâm niên cũng muốn bỏ nghề. Tháng 4 vừa qua, anh Trang Quốc Hoan, bác sỹ bệnh viện 1:3 Tế Nam đã phải xin thôi việc. Theo lời vị bác sỹ này kể lại, chỉ vì không chấp nhận kết quả xét nghiệm, mà một người nhà bệnh nhân đã khủng bố tinh thần anh ròng rã một thời gian dài. “Ngày nào tôi đến bệnh viện cũng gặp anh ta chờ sẵn, khi tôi về nhà anh ta cũng đi theo, thậm chí thường xuyên gọi điện đến đe dọa lúc nửa đêm”, anh Hoan cho biết, kiểu “khủng bố” này khiến anh không thể không bỏ việc ra đi.  

Những lo ngại mới

Điều đáng nói là thời gian gần đây, còn có những tổ chức tội phạm thuộc dạng “xã hội đen” lấn sang  “lĩnh vực” gây rối bệnh viện. Khi “đánh hơi” thấy có một trường hợp rắc rối, mâu thuẫn giữa người nhà bệnh nhân với bệnh viện, lập tức các đối tượng này sẽ tìm đến, gợi ý để mình đứng ra “giải quyết thay” với một mức phí nhất định. Sau khi đạt được thỏa thuận với người nhà bệnh nhân, những nhóm đối tượng này sẽ làm thành một cuộc “đại náo” thực sự trong bệnh viện với những thủ đoạn không tưởng tượng nổi. Điều tra sơ bộ của Hiệp hội Bệnh viện Trung Quốc cho thấy, có 17.243 vụ gây rối bệnh viện trên toàn quốc năm 2010, và con số này còn cao hơn trong năm 2011. Trong số trên 200 vụ tấn công y bác sỹ, có tới 21 vụ liên quan đến “xã hội đen”. 

Chính vì vậy, ngày 4-5, liên Bộ Công an và Bộ Y tế Trung Quốc đã phải bắt tay “chẩn trị” bằng thông báo “Về đảm bảo trật tự an ninh trong các cơ sở y tế”. Bên cạnh việc tăng cường lực lượng an ninh chuyên nghiệp, lực lượng bảo vệ bệnh viện cũng được trang bị công cụ hỗ trợ cần thiết, giám sát an toàn 24/24h ở các phòng cấp cứu, phòng bệnh nặng; trực ban an ninh 24/24h, tuần tra đêm nhất là ở những khu vực trọng điểm. Những quy định đó ra đời có thể giúp tình trạng gây rối trong bệnh viện được kiểm soát tốt hơn, nhưng điều người dân quan tâm không kém là tình trạng suy thoái về y đức - “nhận phong bao mới làm phẫu thuật” thì đến bao giờ mới được ngăn chặn và đẩy lùi. “Giải quyết triệt để những tiêu cực trong bệnh viện, đó mới là cách xóa bỏ tận gốc những nguy cơ”, ông Trương Hoàng đánh giá.

Theo “Thông báo về việc đảm bảo trật tự an ninh trong các cơ sở y tế”, có 7 hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự, gồm: Đốt tiền giấy, đặt xe tang, vòng hoa, quan tài gây rối trong bệnh viện; Có hành vi bạo lực trong bệnh viện; Mang theo các vật dễ cháy nổ hoặc vật phẩm nguy hiểm vào bệnh viện; Làm nhục, uy hiếp, đe dọa, cố ý làm tổn thương nhân viên y tế hoặc hạn chế quyền tự do thân thể của các nhân viên y tế một cách trái phép; Cố ý hủy hoại hoặc trộm, cướp tài sản bệnh viện; Mua bán trái phép giấy tờ của bệnh viện; Những hành vi khác gây rối loạn trật tự bình thường trong bệnh viện.