Bác sĩ Trần Quốc Khánh: "Khi mọi người chia sẻ cùng nhau, cuộc đời này sẽ thực sự ấm áp!"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - "Nơi ánh sáng không bao giờ tắt" cuốn sách được viết bởi tác giả- bác sĩ Trần Quốc Khánh vừa được giới thiệu tới đông đảo độc giả. Đó là những câu chuyện nghề Y xúc động và truyền cảm hứng.

Hơn 250 trang sách, đặc biệt là những chương đầu tiên bác sĩ Trần Quốc Khánh kể về tuổi thơ hoang dã của mình, sinh ra và lớn lên nơi rừng núi, bố mẹ thì nghèo, nghèo đến mức đôi dép cũng không có mà đi, công việc lại vất vả, chẳng có thời gian mà để ý đến con, chính vì thế, những đứa con ra đời cứ "tự lớn". Những tưởng, Khánh- đứa bé từng học 2 năm không qua nổi lớp 1 rồi cũng như bao đứa trẻ nơi bìa rừng ấy sẽ đầu hàng số phận. Nhưng rồi một bước ngoặt lớn lao khi cậu bé từ rừng về ở với ông bà nội và được đi học...

Với nỗ lực không ngừng, sau 12 năm đèn sách, Trần Quốc Khánh được tuyển thẳng vào Đại học Y, trở thành bác sĩ nội trú và bây giờ là một bác sĩ ngoại khoa phẫu thuật cột sống (Bệnh viện Việt Đức). Trên mạng xã hội, bác sĩ Khánh là một hot facebooker khi trang cá nhân của anh có tới cả trăm nghìn lượt người theo dõi. Ở đó, anh thường xuyên chia sẻ về những câu chuyện cảm động mình đã gặp trong quá trình làm nghề, cùng với đó là lời khuyên hữu ích cho sức khỏe cộng đồng.

Nhân dịp cuốn sách "Nơi ánh sáng không bao giờ tắt" ra mắt, PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng bác sĩ Trần Quốc Khánh.

Bác sĩ Trần Quốc Khánh

Bác sĩ Trần Quốc Khánh

Phóng viên: Sinh ra và lớn lên ở miền rừng núi, cuộc sống nghèo khó và thiếu thốn, và học có phải là con đường duy nhất đối với anh (hoặc bất cứ đứa trẻ nào ở nông thôn) để có thể tự quyết định và thay đổi cuộc sống của mình hay không?

+Bác sĩ Trần Quốc Khánh: Không chỉ là ở nông thôn, vùng rừng núi nghèo khó hay đảo xa mà bất cứ nơi đâu, với con trẻ thì quyết tâm học hành để thành công là con đường đúng đắn và tốt nhất giúp chúng ta tự định đoạt cuộc đời chính mình. Tuy nhiên với miền Trung quê tôi, nơi đất căn sỏi đá, nắng lửa gió Lào, người dân quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời thì con đường học tập để thoát nghèo càng mang tính quyết định hơn. Nhà nhà người người suốt ngày đêm nhắc con “Học, học và chỉ có học” mà thôi. Chính những đứa trẻ chúng tôi cũng ngấm tư tưởng này từ truyền thống quê hương làng xóm, mọi người nhìn nhau phấn đấu với mong muốn xa quê hương ra đô thành học tập, lập nghiệp và thoát nghèo.

+Thử hình dung nếu như không có cuộc gặp “định mệnh” với bà cụ già đi bệnh viện chăm con ngày đó, bây giờ sẽ là một thầy giáo Khánh, dạy Sinh học nhỉ? Cuộc sống và công việc của một bác sĩ nơi bệnh viện lớn nhất nhì cả nước có khác gì so với công việc bình thường khác không?

Đúng vậy, ngày đó tôi cũng chưa ý thức được gì nhiều và cũng chưa có tầm nhìn “xa” lắm. Nhưng nghề giáo muôn đời vẫn là nghề cao quý và được xã hội tôn trọng. May mắn là bước rẽ cuộc đời đưa tôi qua làm thầy thuốc, thầy giáo hay thầy thuốc vẫn là thầy đấy thôi.

Tôi cũng không biết những công việc bình thường khác ở đây là gồm những gì, tuy vậy làm phẫu thuật viên ở bệnh viện lớn nhất nhì cả nước thì thực sự là áp lực và bận rộn. Số lượng bệnh nhân khám nhiều, ca bệnh khó, tai nạn phức tạp, yêu cầu kết quả điều trị cao…chính là những yếu tố tạo nên cường độ làm việc cao của những người thầy thuốc nơi bệnh viện tuyến đầu cả nước.

"Nơi ánh sáng không bao giờ tắt" bản đặc biệt vừa được đấu giá với số tiền thu về 160 triệu đồng, toàn bộ số tiền đã được ủng hộ vào Quỹ vaccine phòng chống Covid-19

"Nơi ánh sáng không bao giờ tắt" bản đặc biệt vừa được đấu giá với số tiền thu về 160 triệu đồng, toàn bộ số tiền đã được ủng hộ vào Quỹ vaccine phòng chống Covid-19

+Theo dõi Facebook của bác sĩ, tôi thấy bác sĩ hay chia sẻ những câu chuyện đặc biệt xúc động mà bác sĩ đã gặp trong quá trình thăm khám và chữa bệnh. Những cảnh đời éo le và vô cùng xót xa. Những câu chuyện đau lòng thế, gặp ngoài đời cũng nhiều, trong viện thì thường xuyên hơn, nhưng không phải ai cũng có thể đủ tâm trạng, đủ thời gian và đủ cảm xúc viết và chia sẻ cùng cộng đồng. Có vẻ như 2 năm “bỗng dưng” phải học chuyên văn của anh chính xác là chuyện của số phận sắp đặt và nó phải diễn ra như thế?

Tôi cũng không biết nữa. Thực sự nhiều những hoàn cảnh đi qua trong đời hành nghề làm tôi xúc động thậm chí ám ảnh. Chắc một phần cũng vì tôi đã có một tuổi thơ nghèo khổ và tự lập từ bé nên ít nhiều thấu cảm được những hoàn cảnh đã qua. Hơn nữa khi chứng kiến những mảnh đời như vậy, khi tôi viết ra và chia sẻ tới cộng đồng ít nhiều xoa dịu được phần nào nỗi xót xa trong lòng tôi. Tôi cũng hy vọng ở đâu đó, bệnh nhân vô tình biết được và cảm thấy ấm lòng. Thực sự khi mọi người thấu hiểu và chia sẻ với nhau, cuộc đời này sẽ ấm áp và ý nghĩa hơn.

+Trong một bài viết của cuốn sách, bác sĩ nói khá kỹ và rõ ràng về việc cần thiết phải có mối liên hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân và số điện thoại, zalo, facebook cần công khai để trao đổi kịp thời. Là một bác sĩ nhưng cũng là một "hot facebooker", có bao giờ anh bị quá tải bởi các cuộc gọi không?

Có chứ. Rất nhiều lần thực sự tôi cũng thấy hơi stress, stress không phải vì nhiều cuộc gọi mà vì có khá nhiều người đã lạm dụng việc có số máy của tôi để gọi hỏi những nội dung không cần kíp hoặc những nội dung mà hoàn toàn họ có thể tự xử lý được. Thời gian mỗi người là hữu hạn, tôi muốn giành tối đa thời gian đó cho những việc hữu ích nhất.... Hiện nay đã có ít nhất 2 thư ký hỗ trợ xử lý, phân loại công việc nên tôi cũng thấy thoải mái hơn nhiều. Tuy vậy có một nguyên tắc bất dịch đó là với mọi trường hợp tai nạn cấp cứu, tôi luôn là người trực tiếp nghe máy để giải quyết.

+Cuốn sách ra đời, với những câu chuyện đầy xúc động và truyền cảm hứng, bố mẹ anh đọc và có bình luận gì về “chuyện nhà” đã được con trai mang đi kể cho cả nước biết không?

Tôi thấy cũng không có gì là chuyện nhà khó nói ở đây cả. Tôi chỉ hồi tưởng lại năm tháng tuổi thơ của mình như để hoài niệm về những năm tháng đã qua. Và khi những đứa con của tôi biết đọc, biết suy nghĩ, chúng cũng sẽ phần nào hiểu được cuộc đời và những khó khăn nỗ lực của ông, của cha ngày trước để có ngày hôm nay. Đây sẽ là bài học thay ngàn lời chỉ dạy giáo điều khác với con trẻ.

+Tò mò một chút, một trang mạng xã hội có tên “Trang trại nhà Bác sĩ Khánh” có phải chính là nơi khi xưa gia đình anh chuyển đến, nơi mà hàng xóm gọi là “rừng thiêng nước độc”?

Đúng vậy. “Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, sau hơn 25 năm từ ngày cha tôi vào khai hoang, đốt rẫy nơi rừng xanh nước độc, dưới bàn tay của con người, giờ nơi gia đình tôi ở đã là một trang trại với xanh mướt những đồi chè, trĩu ngọt đồi cam và những ao chuồng đầy sản vật. Thực sự cha mẹ và anh em chúng tôi luôn tự hào về điều đó.

+Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Cùng với "Nơi ánh sáng không bao giờ tắt", một cuốn sách khác của bác sĩ Trần Quốc Khánh có tên gọi "Bác sĩ tốt nhất của nhà mình" cũng đã được Thái Hà books ấn hành vào trung tuần tháng 6 vừa qua. Bộ sách được xuất bản với 3 hình thức: Phiên bản bìa mềm phổ thông; phiên bản bìa cứng có hộp đi kèm và phiên bản đặc biệt.

Bản đặc biệt được làm riêng cho cuốn sách “Nơi ánh sáng không bao giờ tắt”, bản sách có ruột được in giấy mỹ thuật cao cấp, bìa sách làm bằng da, thuộc màu, chạm khắc tên sách và hoa văn trên da, bụng sách và cạnh sách đều được mạ vàng. Phương pháp Thủy ấn họa được chọn để làm tờ gác của sách, thủy ấn họa hay còn được gọi là nghệ thuật áng mây, là phương pháp thiết kế hoa văn trên bề mặt nước từ các loại thuốc nhuộm, dung dịch lỏng hay màu nước, để tạo ra các tác phẩm có họa tiết tương tự như đá hoa cương, vân cát chảy hay các hoa văn sáng tạo khác. Với phương pháp này, mỗi lần thực hiện chỉ có thể cho ra một phiên bản đặc biệt và duy nhất. Vì thế, ấn phẩm “Nơi ánh sáng không bao giờ tắt” sẽ có tờ gác mang những hoa văn, màu sắc đặc thù riêng.

Bản sách đặc biệt này đã được đấu giá ngày 23-6 vừa qua. Toàn bộ số tiền thu về từ phiên đấu giá là 160 triệu đồng. Tất cả số tiền trên đã được Bác sĩ Trần Quốc Khánh và Thái Hà books ủng hộ Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19.