Bác sĩ phát hoảng với diễn biến bất thường của dịch sởi, xót xa nhiều trẻ di chứng viêm não

ANTD.VN - TS.BS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, là bác sĩ nhiều năm nhưng ông cũng rất ngạc nhiên với diễn biến bất thường của dịch sởi năm nay, bởi dù đã vào giữa hè mà số ca mắc vẫn lên tới hàng trăm ca/ tháng…

Dù đã vào hè nhưng bệnh nhân nhập viện vì mắc sởi vẫn rất cao và không hề giảm

Trả lời báo chí sáng nay, 11-6, TS.BS Đỗ Duy Cường cho biết, tuy số mắc sởi năm nay chưa phải cao đột biến như vụ dịch sởi năm 2014 nhưng diễn biến của dịch thì có thể nói là rất bất thường.

Thông thường, dịch sởi bùng phát mạnh vào mùa đông xuân, khi vào hè thì số ca mắc sẽ giảm mạnh và hết. Thế nhưng năm nay, dù hiện đã vào giữa mùa hè, số ca bệnh vẫn tiếp tục gia tăng.

Cụ thể, trong tháng 5-2019, tại khoa Truyền nhiễm tiếp nhận khoảng 70 ca bệnh sởi, và thời điểm này số ca mắc cũng vẫn cao, chưa có xu hướng giảm.

Điểm bất thường nữa là số bệnh nhân người lớn mắc sởi chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với mọi năm, nhất là độ tuổi từ 25-35 tuổi.

Qua khai thác tiền sử, hầu hết người bệnh cho biết chưa tiêm vaccine hoặc mới tiêm mũi 1, chưa tiêm nhắc lại mũi 2 vaccine phòng sởi.

Ngoài sởi, tại khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Bạch Mai thời điểm này cũng tiếp nhận nhiều ca thủy đậu, quai bị. Đây cũng có thể coi là bất thường vì thủy đậu, quan bị được coi là các bệnh mùa đông xuân. Cùng đó, số trẻ mắc bệnh cúm nhập viện cũng rất nhiều, trong tháng 5-2019 ghi nhận hàng trăm ca bệnh…

Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, thời điểm này “nóng” nhất là khu vực tiếp nhận bệnh nhân viêm não, viêm não Nhật Bản bởi hiện chính là mùa của viêm não.

Trả lời báo chí sáng nay, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mùa viêm não ở miền bắc được xác định là từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm do thời tiết thuận lợi cho muỗi gây bệnh phát triển.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, đến thời điểm này đã ghi nhận 7 trường hợp mắc viêm não Nhật bản B, từ đầu năm đến nay cũng có khoảng 20 trường hợp mắc các loại viêm não khác… 100% ca bệnh đều chưa được tiêm chủng vaccine phòng bệnh viêm não.

Tuy số bệnh nhân không đông nếu so sánh với các bệnh khác, song hầu hết bệnh nhân viêm não vào điều trị là những ca bệnh nặng, đã có co giật, kèm các biến chứng nhiễm trùng khác, dù các bác sĩ rất cố gắng nhưng tỷ lệ để lại di chứng rất cao.

Cụ thể, tỷ lệ chữa khỏi khoảng 50%, tỷ lệ bị di chứng nhẹ chiếm khoảng 25%, tỷ lệ di chứng nặng khoảng 20-25%, trong đó nhiều trường hợp phải sống thực vật, tỷ lệ tử vong cũng khoảng 2-3%...

“Tôi rất xót xa khi vừa qua tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng viêm não ở một số nơi giảm xuống. Có vào bệnh viện, chứng kiến cảnh những bệnh nhân bị viêm não di chứng thần kinh, bại não, dù được cứu sống nhưng phải sống thực vật cả đời, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội thì mới thấy sự cần thiết của việc tiêm vaccine” – PGS.TS Trần Minh Điển nói.

Trước tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt, nhiệt độ tăng cao những ngày hè, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị y tế trong ngành triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phòng, chống nắng nóng cho người bệnh, như: Bổ sung điều hòa, quạt, bạt che, bảo đảm đủ nước uống, nước sinh hoạt...

Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, thời tiết mùa hè là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não mô cầu, tiêu chảy cấp… gia tăng.

Do đó, các đơn vị y tế, gồm cả khối dự phòng và điều trị phải sẵn sàng nhân lực, cơ số thuốc, vật tư phòng chống dịch bệnh. Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế cần tuyên truyền cho người dân về các nội dung phòng, chống nắng, nóng, hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, chủ động bảo vệ sức khỏe.

Nhiều người dân chưa hợp tác với chính quyền trong phòng dịch

Sáng nay, 11-6, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2019.  

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thời điểm mùa hè hiện nay, không chỉ có các dịch bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết mà các bệnh viêm não, viêm màng não, tiêu chảy do rota virus cũng tăng rất nhiều.

Bộ trưởng cũng cho biết, ngoài các khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh như khâu quản lý đối tượng tiêm chủng chưa tốt, một số địa phương chưa thật sự vào cuộc quyết liệt, thì còn một bộ phận người dân chưa hợp tác với chính quyền, ngành y tế, chưa có ý thức chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.