Bác sĩ "mách" cách phòng bệnh cho trẻ em mùa nắng nóng

ANTĐ - Thời tiết chuyển mùa, nắng nóng được dự báo sẽ kèo dài và tăng cao, chính vì vậy, trẻ em rất dễ mắc các bệnh liên quan đến thời tiết, hay các bệnh dịch. Để phòng tránh bệnh cho trẻ nhỏ, hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của chuyên gia y tế.

Để tìm hiểu các bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa hè cũng như cách phòng tránh, phóng viên An ninh Thủ đô đã có buổi trò chuyện, trao đổi với PGS.TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.

PV: Thưa bác sĩ, vào mùa hè, trẻ em thường mắc các loại bệnh gì?

PGS.TS Trần Minh Điển: Trong thời điểm hiện nay, chúng ta đang bắt đầu bước vào mùa nắng nóng, kèm theo những kỳ nghỉ kéo dài, do vậy, các em bé thường mắc các bệnh như sau:

Thứ nhất là tình trạng bệnh liên quan đến nắng nóng. Nghĩa là gì? Ví dụ các em bé ra chơi ngoài nắng nóng nhiều và đi tắm biển kéo dài trong khoảng thời gian từ 10h – 16h, các em hoàn toàn có thể bị say nhiệt. Nắng nóng gây ra tình trạng rối loạn trung tâm điều nhiệt và các em bé có thể bị sốt.

PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương 

Vấn đề thứ hai nữa là bệnh liên quan đến các chế độ ăn, thức ăn trong mùa hè nắng nóng này. Các bé dễ bị ngộ độc và triệu chứng là nôn ói, tiêu chảy, sốt kèm theo...

Vấn đề thứ ba là các loại bệnh lây nhiễm hay được nhắc đến vào mùa hè. Ví dụ như các bệnh tay chân miệng, hoặc là những bệnh như cúm, viêm đường hô hấp. Và tình trạng bệnh biểu hiện như: Tay chân miệng là viêm loét ở miệng, ở tay, chân, các triệu chứng sốt và tùy theo mức độ bệnh nặng mà có thể gây ra triệu chứng nặng khác nhau. Hoặc các bệnh khác như cúm, biểu hiện như là hắt hơi, xổ mũi, có thể sốt nhẹ và tùy theo tình trạng bội nhiễm của tình trạng cúm đó như là viêm tai giữa, viêm VA hoặc viêm phổi kèm theo...

PV: Vậy làm thế nào để các gia đình có thể phòng tránh các loại bệnh này cho trẻ nhỏ thưa bác sĩ?

PGS.TS Trần Minh Điển: Bệnh thứ nhất liên quan đến nắng và nóng thì vào mùa hè, chúng ta có thể cho các em bé ở trong nhà thoáng khí, mát, tránh để cho các em bé chạy nhảy, chơi ngoài nắng quá lâu. Nếu đi biển thì không cho các em bé tắm vào thời điểm từ 10h – 16h. Khi mà các em bé bị các tình trạng say nắng thì ngay lập tức đưa vào vùng râm mát, cho uống nước để bé hồi phục nhẹ nhàng và đưa đi khám sớm nhất có thể.

Trẻ mắc bệnh vào mùa hè tăng cao 

Nhóm bệnh thứ hai liên quan đến thức ăn thì các gia đình cần phải kiểm soát thức ăn cho bé vào mùa hè, nhất là các em bé ở nhà một mình trong mùa hè tới đây. Các bà mẹ nên chuẩn bị sẵn thức ăn cho các con, tránh việc các bé tự tìm thức ăn và các bé không biết cách để làm cho thức ăn đó đảm bảo độ an toàn.

Khi đi xa thì cũng cần có kế hoạch cho em bé về thức ăn, đặc biệt các em bé dưới 1 tuổi. Thông thường khi ở nhà thì thức ăn cho bé được chuẩn bị rất cẩn thận, thế nhưng đi xa có thể không được chuẩn bị như vậy, nên phải có kế hoạch đi đâu, ăn uống như thế nào cho các em bé dưới 1 tuổi.

Riêng với nhóm bệnh lây nhiễm vào mùa hè thì bệnh nào phòng được bằng vắc xin thì phải đi tiêm phòng cho các em bé. Như bệnh sởi chẳng hạn, cần tiêm phòng đủ liều, đúng thời gian cho trẻ.

Còn các bệnh khác như chân tay miệng chẳng hạn thì hàng đầu bao giờ cũng là vệ sinh thật sạch sẽ môi trường và thân thể cho bé. Về vệ sinh môi trường thì ở nhà hoặc trường học, lớp mẫu giáo, nhà trẻ... cần phải vệ sinh sạch sẽ môi trường xunh quanh, đặc biệt khu nhà vệ sinh.

Các gia đình cũng cần chú ý vệ sinh thân thể cho em bé. Cần phải rửa tay thường xuyên nhiều lần trong ngày, rửa tay dưới vòi nước bằng xà phòng để đảm bảo an toàn cho bé, tránh các tiếp xúc có thể gây ra mầm bệnh cho da.

Còn đối với các bệnh dịch khác như sốt xuất huyết chẳng hạn thì chúng ta cũng lưu ý quanh nhà không có vật dụng ứ đọng nước. Vì mỗi một trận mưa xong, mỗi vật dụng đó có thể chứa con loăng quăng, nguyên nhân gây ra muỗi. Khi muỗi đốt bé có thể gây ra tình trạng sốt xuất huyết.

Bệnh cúm có thể bị lây nếu như đưa các bé 2, 3 tuổi hay dưới 1 tuổi đi đến môi trường đông đúc, nhiều người. Khi tiếp xúc, các em bé có thể lây nhiễm qua đường hô hấp. Như vậy cần hạn chế cho các bé đến nơi đông người.

Tôi thấy một vấn đề hiện nay đó là nhiều bà mẹ thích cho con ra siêu thị chơi. Thậm chí nhiều gia đình còn cho con ăn rong trong siêu thị. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý để giảm bớt các bệnh cho em bé.

PV: Để phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh của các gia đình khi đưa con em đến khám thì bệnh viện đã bố trí các cán bộ, y bác sĩ và phòng bệnh như thế nào?

PGS.TS Trần Minh Điển: Ngay từ cuối tháng 3 đầu tháng 4, bệnh viện xác định cơ số các cháu đến khám đông hơn. Ngoài vấn đề bệnh tật mùa hè, một phần khác là do các cháu được nghỉ hè nên bố mẹ cũng muốn đưa con cái đi khám sức khỏe. Do vậy, con số tăng hơn khoảng 10 – 15% so với các ngày khác ở trong năm.

 Cần cân nhắc việc đưa trẻ đến bệnh viện tuyến Trung ương khám để tránh tình trạng bệnh lây chéo

Chúng tôi đã chuẩn bị về số buồng bệnh khám bệnh, cụ thể là tăng 7 buồng khám bệnh để đáp ứng kịp thời nhu cầu khám chữa của nhân dân. Bệnh viện cũng huy động nhân lực từ trong bệnh viện là các bác sĩ, các điều dưỡng giỏi để có thể ra làm ở ngoài phòng khám.

Những bác sĩ và điều dưỡng giỏi đó sẽ giúp phân loại tốt hơn các bệnh, có thể đưa ra lời khuyên đến các gia đình, rằng tình trạng bệnh nào nên nhập viện, tình trạng nào điều trị tại nhà hoặc điều trị ở các bệnh viện tuyến dưới để các gia đình lựa chọn, điều trị hợp lý, vừa tránh phát sinh chi phí tốn kém không cần thiết, vừa tránh các cháu bị lây bệnh chéo.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng số buồng mổ và số cán bộ nhân viên phục vụ để đáp ứng tốt nhất các ca mổ, đảm bảo các em bé đến điều trị được an toàn và mang lại sự hài lòng cho các gia đình bệnh nhi.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ hữu ích của bác sĩ!