Bác sĩ gồng mình trực cấp cứu ngày Tết

ANTD.VN - Phần lớn bệnh nhân bị tai nạn giao thông vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức trong nhưng ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua có liên quan đến rượu bia hoặc không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, vì thế chấn thương rất nặng nề…

Các y, bác sĩ trực cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức trong những ngày Tết vừa qua rất vất vả

Suốt những ngày nghỉ Tết vừa qua, do số ca cấp cứu vì tai nạn giao thông, tai nạn do pháo nổ, đánh nhau… gia tăng nên phòng cấp cứu Bệnh viện Việt Đức luôn chật ních bệnh nhân.

Thống kê từ Bệnh viện Việt Đức cho biết, đợt nghỉ Tết Nguyên đán 2019, mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận khoảng 60 ca cấp cứu vì tai nạn giao thông, con số này giảm hơn nhiều so với đợt nghỉ Tết năm 2018. Tuy nhiên, phần lớn đều là những ca bị thương tích nặng, phải điều trị tích cực.

PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, nguyên nhân vì ngày Tết, tình trạng người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm tăng mạnh hơn so với ngày thường. Khi không đội mũ bảo hiểm mà bị gặp tai nạn thì đương nhiên thương tích sẽ nặng nề hơn.

Đặc biệt, tình trạng tai nạn giao thông do có liên quan đến rượu bia trong ngày Tết cũng tăng cao hơn ngày thường và khi bị tai nạn trong lúc say rượu, nạn nhân sẽ không có các phản xạ chống đỡ nên tổn thương cũng nặng nề hơn.

Bên cạnh đó, số lượng bệnh nhân nặng được chuyển từ các tỉnh thành về cấp cứu tăng cao khiến cho các bác sĩ phải căng mình để chữa trị.

Theo bác sĩ Lê Nguyên Vũ – trực cấp cứu tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt Đức ngày mùng 3 Tết, mặc dù các bác sĩ thường xuyên phải mổ suốt đêm nhưng không thể giải quyết hết được các trường hợp cấp cứu.

Ngoài số lượng bệnh nhân bị tai nạn giao thông thì tai nạn do pháo nổ ở dịp Tết năm nay cũng tăng cao hơn so với mọi năm.

Bác sĩ Vũ cho biết, việc điều trị cho bệnh nhân tai nạn do pháo nổ rất khó khăn. Thường nạn nhân bị tai nạn do pháo nổ sẽ bị tổn thương ở phần đầu cổ, mặt và tay, hơn nữa tai nạn do pháo nổ thường xảy ra vào bàn tay phải - là tay hoạt động chính nên sẽ ảnh hưởng lớn đến lao động và sinh hoạt về sau.

Tại khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân vào khám trong dịp Tết vừa qua tăng 30%

Khác với Bệnh viện Việt Đức luôn quá tải ngoại khoa thì tại Bệnh viện Bạch Mai, lượng bệnh nhân cấp cứu nội khoa tăng 30% trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Tính từ 28 tháng Chạp đến 4 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi (tức 8-2-2019), bình quân mỗi ngày bệnh viện này vẫn duy trì từ 1.200-1.400 bệnh nhân điều trị nội trú.

Riêng tại khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu hơn 200 bệnh nhân nặng/ngày, tăng 30% so với ngày thường, trong đó 50% số ca chuyển tuyến; các ca bệnh chủ yếu do tim mạch, huyết áp, hô hấp, tai biến mạch máu não, sốc nhiễm khuẩn, đột quỵ, xuất huyết tiêu hóa do liên quan đến rượu, suy gan thận cấp.

Đặc biệt, tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, số ca ngộ độc do thực phẩm, ngộ độc rượu, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, sốc do ma túy trong dịp Tết này cũng gia tăng. Trong 7 ngày Tết, hầu như ngày nào Trung tâm cũng tiếp nhận cấp cứu 2 – 3 trường hợp ngộ độc liên quan đến rượu, thực phẩm, ma túy tổng hợp...

Trên phạm vi cả nước, theo số liệu tổng hợp từ Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế, tính đến sáng mùng 4 Tết đã có 35.366 ca khám, cấp cứu tai nạn giao thông, chiếm 19,4% trong tổng số khám, cấp cứu trong dịp Tết.

Trong số này có 12.678 trường hợp phải nằm viện điều trị, theo dõi, và 141 trường hợp tử vong tại các bệnh viện, bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện.

Ngoài ra, trong 6 ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, cả nước đã có 16.885 trường hợp khám, cấp cứu tai nạn do tai nạn sinh hoạt, trong đó có 21 trường hợp tử vong; có 2.517 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hoá, chiếm 1,4% trong tổng số khám, cấp cứu.