Bạc mặt đi tìm vàng

ANTĐ - Gần một thập kỷ qua, hàng nghìn người từ vùng nông thôn ở Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc đã gom góp vay mượn tiền để tới Ghana, nước sản xuất vàng lớn thứ hai ở châu Phi với tham vọng đổi đời. Tuy nhiên, giờ đây, đối với người dân ở huyện Thượng Lâm này, vàng như một lời nguyền, và họ cả đời cũng không trả hết nợ.

Ông Lan Hùng Vấn không có liên lạc gì với con trai hiện đang được cho là mất tích ở Ghana  

“Canh bạc kinh tế”

Cũng có nhiều người ở Thượng Lâm phất lên nhờ vàng, mặc dù gặp phải không ít đe dọa rình rập nguy hiểm đến tính mạng. Sau đó, khi cơn sốt vàng ở Ghana lan rộng, hàng nghìn người dân ở đây ồ ạt đổ tới để tìm vận may. Tuy nhiên, hồi đầu tháng trước, nhà chức trách sở tại mở chiến dịch truy quét hoạt động khai thác bất hợp pháp tại các mỏ vàng và bắt giữ hơn 200 thợ mỏ người Trung Quốc với cáo buộc gây ô nhiễm môi trường và lạm dụng lao động địa phương. 

Các cuộc truy quét và bắt giữ lao động người Trung Quốc bị nghi ngờ khai thác vàng bất hợp pháp ở Ghana đã được các phương tiện truyền thông nước này đưa tin. Nhưng ở Thượng Lâm, một huyện miền núi với 470.000 dân, một trong những vùng nghèo nhất ở Trung Quốc này, sự tuyệt vọng về giấc mộng đổi đời nhờ vàng hiện lên rõ rệt nhất. “Con trai tôi có thể bị giết ở Ghana, nhưng nếu nó quay về, thì đằng nào cũng chết” - bà Thẩm Ái Quyên, 65 tuổi nói. Gia đình bà đã vay mượn 3 triệu nhân dân tệ (489.000 USD) để đầu tư khai thác mỏ từ nhiều nguồn khác nhau, thậm chí vay của cả những người không quen biết. Tất cả những gì bà có thể làm là chờ đợi con trai mình và những người đi đòi nợ cũng vậy.

Cuộc truy quét những thợ mỏ khai thác trái phép ở Ghana đã cho thấy những rủi ro mà người dân lao động Trung Quốc phải đối mặt trong “canh bạc kinh tế”. Nhiều người đã tham gia vào dự án đầu tư ở nước ngoài theo những hợp đồng lớn được xác nhận bởi chính phủ Trung Quốc, tuy nhiên, theo lời họ, họ lại bị bỏ mặc tự xoay sở khi xảy ra sự cố.

Cho vay bằng “niềm tin”

Vấn đề người dân ở Thượng Lâm phải đối mặt bắt nguồn từ hoạt động cho vay “tín dụng đen” phổ biến ở các vùng nông thôn nghèo. Các ngân hàng cho vay thường yêu cầu thế chấp tài sản, nên nhiều người đã tận dụng “mối quan hệ” để đảm bảo các khoản vay từ người thân và bạn bè. Chỉ dựa vào “sự tin tưởng”, hình thức vay mượn này đã “càn quét” khắp các ngõ ngách ở Shanglin, nơi mà giờ đây, người dân không chỉ bị ràng buộc bằng mối quan hệ họ hàng, làng mạc mà còn có điểm chung đó là cùng bị “phá sản“.

Hồi đầu tháng 6 vừa qua, một người đàn ông Trung Quốc ở Ghana đã biến mất với hàng triệu USD mà các thợ mỏ đã đưa cho anh ta để gửi về nhà. Con trai của bà Thẩm là một trong số các nạn nhân. Một nạn nhân khác là hàng xóm của bà, Dương Bảo Phát, 52 tuổi, người vừa từ Ghana trở về cách đây 2 tuần với số tiền ít ỏi không đủ để về nhà. “Chúng tôi tin tưởng anh ta vì cùng là đồng hương” - người đàn ông này nói. Một số người về cùng ông Dương đã bị mắc kẹt tại thành phố Quảng Châu và phải làm phụ hồ để kiếm đủ 40 USD mua vé xe về nhà. Nhưng dù sao, về đến nhà cũng là một điều may mắn đối với những người này.

Trong khi những thợ mỏ trở về Thượng Lâm sau cuộc truy quét của cảnh sát Ghana khẳng định rằng họ không vi phạm luật pháp sở tại, thì họ cũng không có cách nào để thu hồi được số vốn đã bỏ ra. Anh Vũ Kiến, 34 tuổi, từng là chủ mỏ nói rằng anh đã có đầy đủ các giấy tờ cần thiết ở Ghana, bao gồm cả giấy tờ về đất đai và giấy phép khai thác mỏ. Tháng trước, anh đã phải bỏ của chạy lấy người mà theo anh, số vốn anh bỏ ra trị giá khoảng 326.000 USD. Số tiền này, được vay mượn từ bạn bè, người thân và cả từ những đối tượng cho vay nặng lãi. Mặc dù đang phải chịu những khoản nợ, nhưng anh Vũ nói rằng không hối tiếc vì rời khỏi Ghana. Quay về không phải là quyết định đúng đắn, nhưng nó là sự lựa chọn duy nhất.

Một trong những khu khai thác vàng của người Trung Quốc ở Ghana

Quay về chăn lợn

Ở huyện Thượng Lâm này, hầu hết mọi người đều có mối liên hệ với hoạt động khai thác vàng ở châu Phi. “Ai cũng có người thân hay bạn bè ở Ghana”- Lan Hùng Vấn, 45 tuổi nói. Khi con trai ông theo những người họ hàng tới các khu mỏ ở Ghana cách đây 2 năm, gia đình ông đã đầu tư  489.000 USD để mua máy móc từ các nguồn đi vay. Với 24 tấn vàng được mang từ Ghara về Thượng Lâm hàng năm, ông Lan nói, người dân thấy sẽ chỉ là vấn đề thời gian để đạt được “giấc mơ vàng” của mình. Sau khi trả hết các khoản nợ, họ sẽ mua nhà, ô tô…

Nhưng tất cả vốn liếng mà gia đình ông Lan dồn vào mua máy móc giờ đang nằm đắp chiếu ở Ghana. “Chúng tôi giờ không làm ra một xu, và có làm cả đời cũng không trả hết nợ” - ông Lan nói và không khỏi lo lắng về sự an toàn của con trai mình hiện vẫn chưa trở về. Mặc dù nhà chức trách Trung Quốc đã có những can thiệp để những thợ mỏ bị bắt giữ ở Ghana được phóng thích, nhưng những người dân như ông Lan nói rằng, họ cảm thấy bị chính phủ “bỏ rơi”, trốn trách trách nhiệm sau nhiều năm khuyến khích các cơn sốt vàng ở Ghana. 

Dọc theo con đường chính bụi bặm ở làng Dân Lương, các xưởng máy móc đều im ắng, những cánh cửa sắt khóa im ỉm. Trong một nhà máy gần đó, gà đang kiếm ăn trong những ống thép từng được sử dụng để làm máy bơm nước cho khu mỏ. “Bây giờ tất cả chỉ là phế liệu” -  ông chủ nhà máy (giấu tên) nói. Ông lấy chiếc điện thoại, lướt tay mở những bức ảnh chụp từ Ghana cảnh những người thợ mỏ Trung Quốc trốn chạy trong các cuộc truy quét của cảnh sát. “Chẳng có hy vọng gì về việc quay trở lại đó, có lẽ tôi sẽ lại quay về chăn lợn như những người khác thôi, không thì cũng chẳng có việc gì làm” - người đàn ông này buồn bã.