Bắc Kinh quản lý Internet và đội quân bình luận “50 xu”

ANTĐ - Tuyên bố trên các phương tiện truyền thông, chính quyền Bắc Kinh khẳng định Internet đã trở thành “chiến trường chính của ý thức hệ”. Duy trì thế thượng phong trong cuộc chiến ý thức luôn là ưu tiên hàng đầu của chế độ cầm quyền Trung Quốc. Chính chế độ này đã áp dụng các biện pháp hệ thống để kiểm soát thông tin và dư luận xã hội ​​trên Internet.

Trong bài bình luận cho kênh Truyền hình New Tang Dynasty Television - Đài Truyền hình tiếng Trung, nhà phân tích Hong Yuning nói: “Bạn có thể không bao giờ thấy được sự thật của mọi việc trên Internet ở Trung Quốc”. Bài phân tích của ông thảo luận về “thủ thuật ngầm” mà chính quyền Bắc Kinh sử dụng để quản lý Internet.

Xóa thông tin

Cách thứ nhất là để duy trì kiểm soát các cơ quan quản lý Internet và các tổ chức trực tuyến. Họ được giao nhiệm vụ phải giám sát các bình luận, tin tức và blog trên trang của họ gắt gao, thông suốt 24h/7 ngày, để ngăn chặn việc công bố các “thông tin có hại”. Những thông tin được xem “có hại” (tức là, không có lợi cho chính quyền) đều bị kiểm duyệt và loại bỏ một cách nhanh chóng.

Để tăng cường kiểm soát, năm ngoái, chính quyền Trung Quốc đã ban hanh đạo luật quản lý phát ngôn trên Internet. Theo đó, bất kể là ai, nếu công bố “tin đồn” mà được chia sẻ (sao chuyển) trên 500 lần, hoặc được xem trên 5.000 lần, có thể bị kết tội “nói xấu”, “vu khống” và đối mặt với án tù.

Chính quyền Trung Quốc đã dùng luật này để trừng phạt một số nhà bình luận trên Internet, trường hợp nổi tiếng nhất là Qin Huohuo (không phải tên thật). Ông đã bị kết án 3 năm vì “cả gan” viết những thông tin về nạn tham nhũng trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Các bình luận viên “50 xu”

Trong khi những người kiểm duyệt Internet ở Trung Quốc xóa các bình luận thì cũng có một đội quân bình luận viên gọi là “50 xu”, hoặc “wumao”, những người này đảm trách viết các bình luận tích cực về chính quyền. Thuật ngữ “wumao” có nghĩa là 50 xu trong tiếng Trung, vì có tin nói họ được trả 50 xu (tiền Mỹ) cho mỗi bài đăng. “Đội ngũ 50 xu” thường xuyên tham gia vào tin tức gây tranh cãi, để cố gắng “nhấn chìm”, “phủ lấp” những quan điểm phê phán, chỉ trích hoặc làm lung lay tâm lý của họ. Các nhà chức trách Trung Quốc trao cho họ chức vụ chính thức: “Nhà quản lý dư luận trên Internet”. Có hẳn các khóa đào tạo và chương trình cao cấp cho nhóm này. Tại các khóa và chương trình đào tạo này họ được học cách dùng mánh lới đánh lạc hướng dư luận tốt nhất và tạo ra môi trường thuận lợi cho chính quyền Trung ương. Theo tờ Beijing News, một đợt tập huấn như thế này sẽ gồm các nội dung như: Phương pháp nghiên cứu và phân tích dư luận; Ứng phó và xử lý các nguy cơ dư luận… tổng cộng 8 nội dung. Kết thúc khóa tập huấn, những người vượt qua kỳ thi kiểm tra cuối cùng sẽ được giấy chứng nhận chuyên viên cùng với giấy phép hành nghề.

Tờ Beijing News cho hay, Trung Quốc hiện có khoảng 2 triệu nhân viên được trả lương để làm công việc giám sát các hoạt động của người dùng trên Internet. Hiện tại, hơn 2 triệu nhân viên này làm việc chủ yếu tại các cơ quan tuyên truyền của đảng và chính quyền, các cổng thông tin điện tử cùng một số công ty kinh doanh thương mại. 

Nếu tin tức nóng làm vừa lòng chính quyền thì nó sẽ được phổ biến rộng rãi trên mạng. Nhưng nếu các bài viết/tin tức phản ánh tiêu cực chế độ thì sẽ bị hạn chế, thậm chí bị dừng lại ngay trong quá trình xuất bản. Mục đích chính là để duy trì một môi trường trên Internet phù hợp với chính quyền và tạo ra ấn tượng cho nhiều người sử dụng Internet nói chung rằng “chế độ đang có được sự ủng hộ rộng lớn”. Song nhà phân tích Hun nghi ngờ tính hiệu quả của dự án này: “Họ chỉ lừa dối được bản thân mình, chứ không phải ai khác”.

Theo lý thuyết cai trị của chế độ, chính quyền Trung ương phải thâm nhập được vào mọi ngõ ngách của xã hội để tăng cường sự kiểm soát, củng cố quyền lực của mình. Thay vì mạng xã hội Twitter hay Facebook như nhiều nước khác, Trung Quốc phát triển một mạng tiểu blog có tên Weibo do chính các hãng công nghệ nội địa phát triển. Sina Weibo là một trong những tiểu blog phát triển nhất tại Trung Quốc với 500 triệu người đăng ký sử dụng và hơn 100 triệu chia sẻ mỗi ngày.

Trong khi đó, Trung Quốc lại tìm cách bưng bít thông tin ngăn chặn các trang mạng nước ngoài. Một số lượng lớn các trang web nước ngoài (có thể hàng nghìn, hoặc nhiều hơn) bị chặn bởi “Bức tường lửa vĩ đại của Trung Quốc” (dự án “Lá chắn vàng”). 

Trong bài “Tencent, kiểm duyệt thường nhật”, nhật báo Le Monde đã trích dẫn những lời kể từ một kỹ sư trẻ Trung Quốc làm việc cho nhà mạng khổng lồ Tencent. Sau một thời gian làm việc, chàng kỹ sư trẻ này vô cùng thất vọng về giấc mơ được làm trong một công ty công nghệ cao nay trở thành một “công việc bẩn thỉu”. Anh tiết lộ một sự thật “đáng kinh tởm” rằng, các nhóm của Tencent phải gắn những phương tiện kiểm duyệt vào các ứng dụng hay diễn đàn bình luận mà họ phát triển. Đây là điều kiện để công ty có thể khai thác được thị trường 591 triệu khách hàng Internet. Ngược lại, các nhà mạng khổng lồ Trung Quốc phải kiểm duyệt gắt gao những ý kiến của người sử dụng dịch vụ. Họ phải tránh mọi scandal có thể xảy ra bằng việc loại bỏ các bài đăng trên blog “không có lợi” cho chính quyền, cho những nhà lãnh đạo.

“Những biện pháp trên như đang chứng minh nguy cơ thất bại ngay trên trận chiến kiểm soát ý kiến trên mạng của chính phủ Trung Quốc” - bài xã luận nhận định.