Bắc Kinh ở thế thua trong cuộc chiến công luận

ANTĐ - Trong tranh chấp chủ quyền, bên nào có thời gian chiếm giữ càng lâu càng có lợi. Nhưng trái ngược với lý thuyết này, Trung Quốc đang thua trong cuộc chiến công luận. Có lẽ Bắc Kinh cho rằng hình ảnh tiêu cực là “tác dụng phụ” khó tránh của “chiến thuật cắt lát salami”, nhưng tài liệu mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa công bố tự “tố cáo” rằng bản thân Bắc Kinh không hài lòng với tình cảnh hiện nay.

Các cuộc trả lời của quan chức ngoại giao Việt Nam trên kênh CNN 
giúp thế giới hiểu rõ hơn sự nhất quán của Việt Nam trong đối ngoại 
và bảo vệ chủ quyền

Đó là nhận định của Shannon Tiezzi - chuyên gia về Trung Quốc trên tờ The Diplomat, tạp chí chuyên bình luận các vấn đề chính trị - an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản mới đây. Mở đầu bài viết, tác giả đã đề cập đến việc mới đây Trung Quốc gửi tài liệu lên Liên hợp quốc ngang ngược nói Việt Nam xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Theo đó, trong công hàm mà Phó đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc, Vương Dân trình lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngang nhiên cho rằng, hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 (Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam) lần này là “sự nối tiếp quá trình thăm dò bình thường trong vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc”. Trung Quốc cũng vu cáo Việt Nam sử dụng “các biện pháp bất hợp pháp và gây hấn” trong đó có cả việc điều tàu “đâm tàu Trung Quốc tổng cộng… 1.416 lần” nhằm gây cản trở hoạt động tác nghiệp “bình thường”. Cố tình phớt lờ những diễn biến tại thực địa đã được nhiều phóng viên của các hãng tin nổi tiếng trên thế giới phản ánh, khẳng định hành động hung hăng của Trung Quốc, Bắc Kinh rêu rao rằng, Việt Nam đang gây ra “mối đe dọa lớn” cho các nhân viên trên giàn khoan và “vi phạm luật pháp quốc tế” trong khi tự cho rằng Trung Quốc đã “kiềm chế hết sức”.

Bài báo phân tích, tuyên bố lần này phác thảo toàn diện nhất các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa (thực tế do Trung Quốc cưỡng chiếm của Việt Nam từ năm 1974). “Bắc Kinh đã chỉ ra rằng họ không có ý định khuyến khích các trọng tài quốc tế tham gia vào vấn đề này, vì vậy việc Trung Quốc nêu ra chỉ là nhằm làm dao động dư luận toàn cầu. Và nếu đó là mục tiêu chính của báo cáo Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì vấn đề thời gian không thể giải thích nổi. Tại sao phải chờ đến gần một tháng sau khi định vị giàn khoan nước này mới ra tuyên bố? Trong khoảng thời gian đó, Việt Nam đã kịp làm rõ mọi chuyện, vì thế ở giai đoạn này, Trung Quốc khó có thể bắt kịp trong cuộc chiến truyền thông”, chuyên gia nêu vấn đề.

Nhiều hãng tin lớn đã có bài tường thuật và bình luận về động thái 
khiêu khích, hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông

“Tài liệu đó của Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ánh hình ảnh Trung Quốc tại khu vực đang có vấn đề”, Shannon Tiezzi nhận định. Từ việc lập ra nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông tháng 11 năm ngoái đến cuộc khủng hoảng giàn khoan dầu đang diễn ra, lạ lùng là Trung Quốc luôn bắt đầu sự kiện, nhưng ngay lập tức mất kiểm soát, đẩy các quan chức Trung Quốc vào tư thế phòng thủ khi phải đối phó với chỉ trích từ các nước khác.

Có hai cách giải thích cho việc này. Một là Bắc Kinh biết nguyên nhân phản ứng và chỉ đơn giản là không quan tâm. Thực tế, họ đang cố tình khiêu khích để tiếp tục khẳng định yêu sách chủ quyền tại khu vực tranh chấp. Điều này thường được gọi là “chiến lược cắt lát salami”. Lời giải thích thứ hai là Chính phủ Trung Quốc kém hiểu biết. Trung Quốc không thực sự hiểu hình ảnh của mình trong khu vực là như thế nào, do đó không thể tiên liệu được rằng hành động của họ sẽ gây ra sự phản đối kịch liệt. Như đối với trường hợp giàn khoan hạ đặt trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đáng lẽ Trung Quốc phải thừa hiểu phản ứng của Việt Nam. Giả sử Nhật Bản cũng đặt một giàn khoan dầu cách  quần đảo Senkaku/Điếu Ngư 17 dặm, không có gì phải nghi ngờ rằng Trung Quốc sẽ phản ứng mạnh mẽ như Việt Nam hiện nay. Bằng cách từ chối mọi kênh đối thoại, Trung Quốc tiếp tục củng cố tiếng tăm là kẻ bắt nạt trong khu vực.

Tập trung vào đàm phán, thậm chí dừng tạm thời hành động gây tranh cãi tại Biển Đông và Biển Hoa Đông sẽ giúp giảm bớt những bài tường thuật của truyền thông quốc tế về tính hiếu chiến, hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Tác giả bài viết còn dự báo, một năm hòa bình tương đối tại đây đủ cho Trung Quốc chứng minh họ không phải là kẻ gây mất ổn định trong khu vực.