Bác kháng cáo kêu oan của cựu Trưởng phòng Khảo thí Sở Giáo dục Hòa Bình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cho rằng cấp tòa sơ thẩm quy kết thiếu căn cứ, cựu Trưởng phòng Khảo thí (Sở Giáo dục tỉnh Hòa Bình) kháng cáo kêu oan, song tòa cấp phúc thẩm đã bác kháng cáo…

Theo đó, sau hơn nửa ngày xét xử phúc thẩm vụ án gian lận thi cử kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định bác kháng cáo, đồng thời giữ nguyên mức án 8 năm tù đối với Nguyễn Quang Vinh - cựu Trưởng phòng Khảo thí (Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Hòa Bình) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.

Liên quan, Tòa án cấp phúc thẩm đã quyết định tuyên phạt Khương Ngọc Chất - cựu cán bộ Công an tỉnh Hòa Bình 5 năm tù (giảm 1 năm tù, so với cấp sơ thẩm) cũng về tội nêu trên. Tương tự, Đỗ Mạnh Tuấn - cựu Phó hiệu trường Trường Dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) cũng bị tuyên phạt 9 năm tù (giảm 1 năm tù) về cả hai 2 tội “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.

Nhận định về hành vi của từng bị cáo, HĐXX phúc thẩm (TAND Cấp cao tại Hà Nội) cho rằng, Nguyễn Quang Vinh không thừa nhận phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”. Bị cáo chỉ nhận lỗi nhưng lại cho rằng chỉ là thiếu trách nhiệm.

Các bị cáo trong vụ án có kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm

Các bị cáo trong vụ án có kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm

Tuy nhiên, lời khai của một số bị cáo trong cùng vụ án, nhất là lời khai của Đỗ Mạnh Tuấn tại các phiên tòa đều khẳng định Vinh là người chủ động trao đổi về việc nâng điểm cho một số thí sinh là con em một số lãnh đạo, đồng nghiệp.

HĐXX phúc thẩm đồng tình với nhận định của tòa sơ thẩm khi cho rằng Vinh đã bàn bạc, chỉ đạo Tuấn về việc nâng điểm cho các thí sinh. Việc quy kết bị cáo phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ là hoàn toàn có căn cứ.

Đối với Khương Ngọc Chất, tại giai đoạn sơ thẩm bị cáo luôn kêu oan, không nhận tội nhưng đến phiên tòa phúc thẩm đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Tòa phúc thẩm ghi nhận sự thay đổi về nhận thức của bị cáo. Cũng theo tòa phúc thẩm, cựu cán bộ Công an tỉnh Hòa Bình đã cùng các bị cáo bàn bạc, can thiệp, nâng điểm cho các thí sinh.

Trong đó, riêng bị cáo Chất còn móc nối, nhờ Đỗ Mạnh Tuấn nâng điểm cho 10 thí sinh. Đối với Đỗ Mạnh Tuấn, HĐXX phúc thẩm nhiều lần nhấn mạnh về sự thành khẩn, ăn năn hối lỗi, lời khai thống nhất của bị cáo này qua các phiên tòa.

Trước đó, hồi tháng 5-2020 xét xử sơ thẩm vụ án, TAND tỉnh Hòa Bình đã tuyên phạt Nguyễn Quang Vinh 8 năm tù, Khương Ngọc Chất 6 năm tù cùng về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tiếp đến, Đỗ Mạnh Tuấn bị tuyên phạt 7 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, 3 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, tổng hợp hình phạt là 10 năm tù.

Bản án sơ thẩm xác định, ba bị cáo trên cùng 12 bị cáo khác trong vụ án nhưng không kháng cáo vì vụ lợi và lợi dụng chức vụ đã can thiệp, nâng điểm cho 65 thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở Hoà Bình.

Hệ quả từ việc can thiệp này dẫn tới 145 bài thi trắc nghiệm được nâng từ 0,2 điểm lên 9,25 điểm mỗi môn; 20 bài thi Ngữ Văn được nâng từ 1,25 điểm lên thành 4,5 điểm. Trong đó, bị cáo Vinh có vai trò cầm đầu, chuẩn bị chìa khóa phòng chứa bài thi, bố trí niêm phong cửa phòng dễ bóc. Bị cáo Tuấn là một trong những người trực tiếp nâng điểm, bị cáo Chất có vai trò đồng phạm.

Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Quang Vinh kháng cáo toàn bộ bản án, bị cáo Khương Ngọc Chất và bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn cùng kháng cáo với mong muốn được giảm nhẹ hình phạt về những hành vi gian lận thi cử trong kỳ thi THTP quốc gia năm 2018 đã gây ra.