Bắc Bộ phủ trong ánh sáng mùa thu Cách mạng

ANTĐ - Sau khi đánh chiếm Bắc kỳ lần thứ hai (1882) và đặt ách cai trị ở Hà Nội, năm 1887, thực dân Pháp cho đặt phủ Tổng đốc Toàn quyền, cai trị toàn cõi Đông Dương. Từ đó, Nam kỳ có Thống đốc, Trung kỳ và 
Campuchia có Khâm sứ, Bắc kỳ có Thống sứ đứng đầu việc cai trị mỗi xứ.

Phủ Thống sứ Bắc kỳ

Nhân dân Hà Nội chiếm Bắc Bộ phủ 19-8-1945. Ảnh: Tư liệu

Sau khi đánh chiếm Bắc kỳ lần thứ hai (1882) và đặt ách cai trị ở Hà Nội, năm 1887, thực dân Pháp cho đặt phủ Tổng đốc Toàn quyền, cai trị toàn cõi Đông Dương. Từ đó, Nam kỳ có Thống đốc, Trung kỳ và 

Campuchia có Khâm sứ, Bắc kỳ có Thống sứ đứng đầu việc cai trị mỗi xứ.  

Như vậy, phải đến  năm  1887, mới có chức  danh Thống sứ  và có viên Thống sứ người Pháp cai trị Bắc kỳ, nhưng trong chủ trương của chính quốc Pháp, Hà Nội sẽ trở thành Thủ đô của Liên bang Đông Dương nên ngay từ tháng 10-1875 trên khu đất nhượng địa rộng 18,5ha (nay là khu Quân y viện 108, bệnh viện Hữu nghị và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), thực dân Pháp đã xây dựng một số công trình công cộng.

Ngày 5-3-1886, Paul Bert đến Hà Nội làm Toàn quyền Đông Dương, và việc xây dựng cơ sở hạ tầng càng được đẩy mạnh để phục vụ cho bộ máy cai trị của chính quyền Pháp đặt các cơ quan đầu não chính trị - kinh tế - văn hoá của toàn Liên bang Đông Dương ở Hà Nội. Nhà cửa, dinh thự, các  trụ sở công cộng, hạ tầng đô thị... đều được xây dựng ngay từ những năm cuối thế kỷ XIX- đầu thế kỷ XX. Trên bờ phía đông của hồ Gươm, các toà nhà hành chính của chính quyền Pháp chuyển từ khu nhượng địa ra và được xây với  quy mô mới, to đẹp, bề thế hơn ở vị trí trung tâm của Hà Nội.

Từ khi Paul Bert tới Bắc kỳ, theo tài liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn thì “ Năm ngôi nhà - Toà Đốc lý, Sở Kho bạc, nhà Xéc Tây (nay là 38 Lê Thái Tổ - một phần trong Cung Thiếu nhi Hà Nội), nhà Bưu Điện, Dinh Thống sứ - sẽ làm ở dọc hai mặt đường hai phố Dominé (nay là phố Lê Lai) và Chavassieux (nay là phố Lê Thạch), trông sang vừơn hoa ở giữa, theo cùng một kiểu kiến trúc thuộc địa: nhà hai tầng, lợp ngói đá đen, gác có hành lang chạy vòng quanh bốn phía. Việc chuẩn bị mặt bằng phải san lấp nhiều hồ ao ruộng lúa, xe 2 vạn mét khối cát từ bờ sông vào. Chi phí xây mấy ngôi nhà đó tốn 420.000 phờ- răng. Công việc xây dựng giao cho nhà thầu Veu-Huardu, người đứng trông nom chính là Chánh lục lộ Geeten (...). Cuối năm 1887, các toà nhà trên được hoàn thành. Khu Thống sứ có một toà nhà lớn là dinh của viên quan cai trị cao cấp ở với gia đình, các phòng làm việc ở một ngôi nhà khác hai tầng to lớn xây hình chữ U, công chức tây và ta đông kể hàng trăm người. Đến năm 1916 khu Thống sứ và Bưu Điện được xây lại, mở rộng thêm nên không còn giống như bên khu Đốc lý và Kho bạc nữa”.

Phủ Thống sứ đã có từ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, xây trên nền chùa Báo Ân trở thành trụ sở của chế độ thuộc địa ở Bắc Kỳ. Sau tháng 3-1945, phủ Thống sứ đổi tên thành phủ Khâm sai của Chính phủ Trần Trọng Kim. 

Cờ đỏ sao vàng tung bay dưới trời tự do

Tháng 7-1945, tình hình thế giới và trong nước đã có những biến chuyển lớn, tác động mạnh mẽ đến tư tưởng và hành động của một số nhân sĩ yêu nước đang làm việc trong Chính phủ Trần Trọng Kim. Vì vậy, theo chủ trương của Xứ ủy, những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa cán bộ của Xứ ủy. Cuộc gặp giữa đồng chí Lê Trọng Nghĩa với ông Trần Trọng Kim và Phan Kế Toại đã diễn ra ngay tại Phủ Khâm sai để ta nắm thêm quan điểm, tư tưởng của các vị chóp bu trong Chính phủ Trần Trọng Kim. Tiếp đó, ngày 13 rồi ngày 16-8-1945, đại diện của Việt Minh, các đồng chí Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Khang, Thường vụ Xứ ủy, đồng chí Trần Đình Long đã đến phủ Khâm sai gặp ông Phan Kế Toại  đề nghị “ông Khâm sai  nên trao chính quyền cho Việt Minh”. Cũng trong thời gian này, cơ sở của Việt Minh trong nhóm số 8 phố Balny (nay là Trần Nguyên Hãn) và trong nhóm của đồng chí Phan Tử Nghĩa - cán bộ Dân chủ Đảng - được gây dựng trong Phủ Khâm sai đã tích cực cung cấp tin tức cho ta.

Tối 17-8-1945, trước khí thế cách mạng dâng lên như lũ cuốn, ông Phan Kế Toại bỏ Phủ Khâm sai, giao quyền cho Ủy ban chỉ đạo chính trị do bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ cầm đầu, về tư gia của gia đình ở phố Hàng Bột. Đêm 17-8-1945, Thành ủy, Ủy ban Quân sự cách mạng họp Hội nghị mở rộng tại nhà bà Hai Nhã, thôn Dịch Vọng Tiền, quyết định những vấn đề quan trọng về phương thức, ngày giờ, kế hoạch khởi nghĩa. Phủ Khâm sai là một trong những vị trí trọng yếu hàng đầu mà ta phải chiếm ngay sáng 19-8-1945 cùng với Toà Thị Chính, Trại Bảo an binh, Ty Liêm phóng.

10 giờ sáng 19-8, tại cuộc mít tinh trên quảng trường Nhà hát lớn, hàng vạn quần chúng lắng nghe lời Hiệu triệu của ủy ban khởi nghĩa. Trong khí khí như triều dâng, quần chúng cách mạng có lực lượng vũ trang làm nòng cốt đã chia thành hai mũi lớn đi chiếm Phủ Khâm sai và Trại bảo an binh.

 Tại Phủ Khâm sai, ta tước vũ khí lính bảo an và phân phát cho tự vệ. Cờ đỏ sao vàng tung bay giữa trung tâm đầu não của chế độ thuộc địa trong tiếng hoan hô vang dậy của nhân dân. Giờ phút cáo chung của chế độ thực dân - phong kiến đã được bắt đầu từ chính Phủ Khâm sai. Một đại đội của tự vệ công nhân do đồng chí Trần Ngọc Minh chỉ đạo, đã tổ chức gác bảo vệ  cả khu  nhà rộng lớn. Sáng 20-8-1945, trại Vườn hoa Con cóc (còn gọi là Vườn hoa Diên Hồng), ủy ban nhân dân cách mạng Bắc bộ ra mắt nhân dân trong niềm hân hoan vui sướng trào nước mắt của muôn vạn con tim lâng lâng trong ánh sáng chói loà của tự do, độc lập.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nơi đây được gọi là Bắc Bộ phủ. Từ sau lễ độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 48 Hàng Ngang chuyển về Bắc Bộ phủ ở và làm việc. Chỉ sau một thời gian rất ngắn, nhận thấy bọn Tàu Tưởng thường xuyên tổ chức các vụ ám sát bắt cóc các đồng chí lãnh đạo, Trung ương Đảng bố trí thêm địa điểm bí mật ở số 8 Vua Lê (nay là phố Lê Thái Tổ) để bảo vệ Bác. Hàng ngày, Người sang Bắc Bộ phủ làm việc, tối về số 8 Vua Lê và họp với các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng.

Ở Bắc Bộ phủ, các chiến sĩ của một đơn vị Vệ quốc đoàn và Tự vệ Hoàng Diệu làm nhiệm vụ bảo vệ Bác. Tại đây, Người tiếp khách trong và ngoài nước, các đoàn đại biểu nhân dân, nhân sĩ, trí thức, công thương gia yêu nước... đề ra các chính sách đối nội đối ngoại, chèo lái con thuyền Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh trước thù trong giặc ngoài muốn lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Sainteny, nguyên ủy viên Công hoà Pháp tại Bắc và Trung kỳ, trong cuốn “Lịch sử một nền hoà bình bỏ lỡ” đã viết: “Cũng như Alessandri và Pignon, ngay từ những lần quan hệ đầu tiên với Hồ Chí Minh, bản thân tôi cũng có cảm giác rằng con người khắc khổ này, mà nét mặt đồng thời biểu thị trí thông minh, lòng quả quyết, óc mưu mẹo và tính tế nhị, là một nhân vật hạng nhất, chẳng bao lâu nữa, sẽ tiến lên cận cảnh của sân khấu Á châu”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc ở Bắc Bộ phủ đến khoảng tháng 11 thì rời nơi đây ra ngoại thành, đến địa điểm bí mật tại Đấu Đong ở Bưởi và Biệt thự cây liễu ở gần Cầu Mới rồi ra Vân Canh.

Cũng trong thời gian này, Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội do đồng chí Vương Thừa Vũ đứng đầu, điều động tiểu đoàn Vệ quốc đoàn 101 cho Liên khu I - nội thành Hà Nội, có nhiệm vụ bảo vệ khu vực Bắc Bộ phủ - Toà thị chính - nhà Bưu Điện. Để bảo vệ Bắc bộ phủ, các chiến sĩ đã đào một đường hầm ngầm từ Bắc Bộ phủ sang khách sạn Metropole để đặt quả bom 250kg  dưới nền khách sạn. 

20 giờ 3 phút ngày 19-12-1946, cả Hà Nội vùng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Tại Bắc Bộ phủ, từ  đêm 19-12 đến 15h chiều 20-12-1946, địch  tấn công 5 lần bằng xe tăng và bộ binh. Các chiến sĩ tiểu đoàn 101 anh dũng đánh lui các đợt tấn công của địch, diệt 122 tên địch, 4 xe tăng, thiêu hủy 3 xe quân sự. Chính trị viên Lê Gia Đình đã hi sinh oanh liệt bên quả bom lớn, quyết  không cho địch chiếm nhà Cha Hồ. Anh đã được Đảng, nhà nước truy tặng AHLLVTND.

Trận đánh ở Bắc Bộ phủ là trận đánh lớn nhất, ác liệt và kéo dài nhất trong ngày đầu kháng chiến của quân  dân Thủ đô, tiêu biểu cho tinh thần “Quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh”, góp phần làm rạng ngời trang sử vàng của Thăng Long - Hà Nội văn hiến - anh hùng.

Bắc Bộ phủ từ mùa thu Cách mạng 1945 đã đi vào lịch sử như một biểu trưng cho sự vùng lên quật khởi của dân tộc Việt Nam giành và bảo vệ  quyền sống trong  độc lập, tự do, hoà bình và đã trở thành một trung tâm chính trị - hành chính quốc gia quan trọng nhất của Nhà nước Việt Nam XHCN. Đây cũng là công trình có giá trị đặc biệt về kiến trúc Đông Dương mang phong cách châu Âu, về nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, về cuộc chiến đấu của quân dân Thủ đô Anh hùng, mở đầu cuộc kháng  chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc - xứng đáng là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.