Bác bỏ đề xuất cống hóa sông Kim Ngưu

ANTĐ - Một số hộ dân trú tại  quận Hai Bà Trưng đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp “đậy nắp” (cống hóa) sông Kim Ngưu, đoạn từ phố Lò Đúc đến Đền Lừ, để mở đường giao thông, không phải di dân, GPMB. Tuy nhiên, Sở Quy hoạch- Kiến trúc (QH-KT) Hà Nội cho rằng, không có cơ sở để thực hiện việc này.

Việc nạo vét lòng sông Kim Ngưu được tiến hành thường xuyên

Căn cứ các bản quy hoạch hiện có, Sở QH-KT cho biết, sông Kim Ngưu được xác định là một trong 4 tuyến sông chính (sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu) thuộc lưu vực thoát nước sông Tô Lịch với tổng diện tích khoảng 7.700ha. Trong đó, lưu vực sông Kim Ngưu chiếm diện tích khoảng 1.700ha. Sông Kim Ngưu có tổng chiều dài 19km, điểm đầu từ cống Lò Đúc, điểm cuối tại ngã ba Dải Đò. Quy mô mặt cắt sông rộng từ 30m đến 40m, lưu lượng thoát nước sông đảm nhiệm rất lớn, khoảng 50m3/s.

Với vai trò thoát nước kết hợp điều hòa và để gìn giữ một cảnh quan chung cho thành phố, tại các quy hoạch từ năm 1995 đến nay, tuyến sông này vẫn luôn được xác định là sông hở (không xác định bê tông hóa sông). Từ năm 2001, để chống lấn chiếm sông, tăng cường khả năng thoát nước sông Kim Ngưu cùng 3 tuyến sông còn lại (sông Tô Lịch, sông Lừ và sông Sét), UBND TP Hà Nội đã cho kè cứng hai bên bờ sông trong khuôn khổ dự án thoát nước giai đoạn I.

Theo Sở QH-KT Hà Nội, để phát huy hiệu quả thoát nước kết hợp điều hòa, tạo cảnh quan chung cho thành phố, bên cạnh việc giữ gìn hệ thống sông hở thoát nước nêu trên, UBND TP Hà Nội cũng đã xem xét đến yếu tố môi trường bằng cách xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng tách khỏi hệ thống thoát nước mưa dẫn về Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở với quy mô công suất theo quy hoạch là 200.000m3/ngày đêm. Hiện nay, nhà máy đang trong giai đoạn hoàn thiện đưa vào sử dụng.

Đại diện lãnh đạo Sở QH-KT Hà Nội cho rằng, xét các yếu tố nêu trên, có thể thấy, về cơ sở pháp lý, theo các quy hoạch đã được các cấp cao nhất từ Thủ tướng Chính phủ đến UBND TP phê duyệt, yêu cầu thoát nước chung Thủ đô và điều kiện thực tế sông Kim Ngưu cũng như các tuyến sông thoát nước khác (sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét) đã và luôn được xác định là tuyến sông hở thoát nước cho Thủ đô. Như vậy, việc cống hóa sông đoạn từ Lò Đúc đến Đền Lừ như đề xuất của các hộ dân đường Đông Kim Ngưu là không có đủ cơ sở để xem xét.

Liên quan tới yêu cầu tổ chức giao thông trên tuyến, đại diện Sở QH-KT cho biết, tại các quy hoạch đã được duyệt, để giải quyết vấn đề giao thông chung của Hà Nội, trên cơ sở đường hiện có, TP sẽ tổ chức xây dựng hai tuyến đường dọc hai bên bờ sông Kim Ngưu với tính chất đường chính đô thị (đường liên khu vực), với quy mô mặt cắt ngang đường phía Tây sông Kim Ngưu từ 19,5m đến 23,25m. Đường phía Đông sông Kim Ngưu được chia thành hai đoạn. Đoạn từ đường Trần Khát Chân đến phố Minh Khai có quy mô mặt cắt ngang từ 20,5m đến 22,5m. Đoạn từ phố Minh Khai đến đường vành đai 3 có quy mô mặt cắt ngang từ 38m đến 40m. Chỉ giới đường đỏ 2 tuyến đường nêu trên đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 4607/QĐ-UBND cuối quý III năm 2009. Hiện nay, UBND quận Hoàng Mai đang triển khai dự án xây dựng đường Nguyễn Tam Trinh (một phần của tuyến đường hai bên sông Kim Ngưu) theo quy hoạch đã được duyệt.