Bà Trần Uyên Phương: Sáng tạo trong kinh doanh, sống chung với dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Đại dịch Covid-19 được ví như chú “thiên nga đen” chưa từng xuất hiện trong lịch sử cho đến thời điểm hiện tại, càn quét hàng tỷ đô la của nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Muốn “chung sống” với đại dịch, duy trì hay phát triển kinh doanh, không còn cách nào khác, doanh nghiệp phải sáng tạo.

Cải tiến liên tục trong muôn vàn khó khăn

Chia sẻ tại hội thảo trực tuyến “Sáng tạo kinh doanh trong môi trường biến đổi” diễn ra chiều nay (8-9), bà Trần Uyên Phương- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, dù được tiếp tục sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” nhưng giống như tất cả các doanh nghiệp khác, Tân Hiệp Phát hiện gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, doanh nghiệp phải cải tiến liên tục để vừa duy trì sản xuất, vừa đảm bảo an toàn cho người lao động.

Tập đoàn Tân Hiệp Phát hoạt động kinh doanh theo mô hình “3 tại chỗ”, cải tiến liên tục để vừa duy trì sản xuất, vừa đảm bảo an toàn cho người lao động
Tập đoàn Tân Hiệp Phát hoạt động kinh doanh theo mô hình “3 tại chỗ”, cải tiến liên tục để vừa duy trì sản xuất, vừa đảm bảo an toàn cho người lao động

Nói cụ thể về những cải tiến này, bà Trần Uyên Phương cho hay: “An toàn là yếu tố quan trọng nhất hiện nay, chúng tôi đã tìm hiểu và thử nhiều giải pháp. Chẳng hạn như hiện nay có nhân viên đi ra ngoài làm việc phải tiếp xúc với những điểm có nguy cơ cao thì có thể dùng nón (mũ- PV) Vihelm để đảm bảo người dùng không đưa tay lên mắt, mũi, miệng, làm hạn chế khả năng lây bệnh.

Hoặc để giúp phát hiện F0, truy vết nhanh, chúng tôi đang thử nghiệm vòng đeo tay. Vòng này có khả năng theo dõi thân nhiệt và giúp truy vết nhanh, khắc phục được hạn chế nhiều doanh nghiệp đang gặp phải là truy vết chậm khiến dịch bệnh lây lan với tốc độ chóng mặt”.

Một sự thay đổi để thích ứng khác trong bối cảnh dịch bệnh lây lan rất nhanh hiện nay là buộc lãnh đạo doanh nghiệp phải phản ứng nhanh. Muốn vậy, phương thức lãnh đạo tập quyền sẽ thay thế tản quyền, để mọi quyết định được đưa ra nhanh chóng.

Tương tự, đối với hệ thống phân phối bán lẻ, tập đoàn phải thay đổi phương thức kinh doanh trước đây và duy trì khuyến mại, giảm giá lâu dài, đảm bảo hệ thống bán lẻ vẫn có lợi nhuận, giá bán hàng đến tay người tiêu dùng giữ ổn định.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Tân Hiệp Phát, tất cả những cải tiến này đều cần đến nguồn lực tài chính của doanh nghiệp. Giữa muôn vàn khó khăn về chi phí 3 tại chỗ, chi phí vận chuyển, kho bãi gia tăng, doanh nghiệp vẫn phải nỗ lực để cải tiến, vì không có lựa chọn khác.

Nói cách khác, cùng với việc quan tâm chăm sóc sức khỏe, an toàn của người lao động, Tân Hiệp Phát còn kết hợp ứng dụng công nghệ vào hoạt động của nhà máy nhằm nâng cao tính an toàn. Nhờ vậy mà hơn 3 tháng qua, tập đoàn này vẫn duy trì sản xuất 3 tại chỗ với hơn 1.000 lao động.

Quan điểm của bà Trần Uyên Phương cũng tương tự như phân tích của GS Nguyễn Đức Khương- chuyên gia của Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội – thành viên của Hội đồng khoa học của OFE (Observatoire de la Francophonie économique) – tổ chức kinh tế Pháp ngữ. Ông Nguyễn Đức Khương cho rằng: “Cần phải đặt sức khỏe, an toàn và hạnh phúc của nhân lực vào trọng tâm chiến lược của doanh nghiệp và thúc đẩy chuyển đổi số, thích ứng với môi trường làm việc hỗn hợp”.

Một sự thay đổi để thích ứng khác trong bối cảnh dịch bệnh lây lan rất nhanh hiện nay là buộc lãnh đạo doanh nghiệp phải phản ứng nhanh. Muốn vậy, phương thức lãnh đạo tập quyền sẽ thay thế tản quyền, để mọi quyết định được đưa ra nhanh chóng.

Tương tự, đối với hệ thống phân phối bán lẻ, tập đoàn phải thay đổi phương thức kinh doanh trước đây và duy trì khuyến mại, giảm giá lâu dài, đảm bảo hệ thống bán lẻ vẫn có lợi nhuận, giá bán hàng đến tay người tiêu dùng giữ ổn định.

Bà TRẦN UYÊN PHƯƠNG

Phó Tổng Giám đốc Tập đoản Tân Hiệp Phát

Theo ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, doanh nghiệp có thể “lùi 1 bước để tiến 2 bước, đề cao phát triển bền vững”- ông Phạm Đình Đoàn nhấn mạnh.

Chú “thiên nga đen” quật ngã nhiều doanh nghiệp

Bà Hà Thị Thu Thanh- Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam ví đại dịch Covid-19 như “chú thiên nga” bất ngờ xuất hiện khiến doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Trong suốt 20 tháng qua từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng; đứt gãy cung- cầu; đứt gãy hoạt động kinh doanh đã xảy ra. Thực tế này đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi là thúc đẩy chuyển đổi số và đưa ra những phương thức kinh doanh sáng tạo hơn.

Theo bà Hà Thị Thu Thanh, nếu doanh nghiệp kiên cường và lãnh đạo kiên tâm thì khả năng ứng phó với rủi ro và phục hồi cao gấp 3 lần so với bình thường.

Ông Phạm Ngọc Thạch- Phó trưởng ban Pháp chế Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra một kết quả khảo sát “sức khỏe” của doanh nghiệp Việt Nam không mấy lạc quan. Đó là có khoảng 35% doanh nghiệp mất khả năng thanh toán trong năm 2021.

Vào tháng 3-2021, VCCI cũng công bố báo cáo khảo sát tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam dựa trên phản hồi của 10.000 doanh nghiệp. Theo đó, có 87,2% doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh. Ngay cả các doanh nghiệp lớn trong các ngành: may mặc, thông tin- truyền thông, sản xuất thiết bị điện, bất động sản… cũng bị ảnh hưởng.

“Con số trên là khảo sát của VCCI thực hiện trước tháng 3-2021 khi làn sóng Covid-19 thứ tư chưa xuất hiện, Việt Nam còn dưới 1.000 ca nhiễm bệnh. Hiện tại thì đã khác khi số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam là trên 550.000 người”- ông Phạm Ngọc Thạch nói.

Theo đại diện VCCI, một doanh nghiệp thủy sản quy mô trung bình ở miền Nam thiệt hại 10 tỷ đồng mỗi tháng vì dịch bệnh. Một doanh nghiệp dệt may có 4.000 lao động cũng mất khoảng 10 tỷ đồng để chi trả các khoản cho doanh nghiệp, người lao động trong một ngày.

Cũng đưa ra một kết quả khảo sát trực tuyến 21.000 doanh nghiệp vừa mới được FPT phối hợp thực hiện từ ngày 12-22/8/2021, ông Hoàng Nam Tiến- Chủ tịch CTCP Viễn thông FPT cho hay “tình hình hiện tại còn xấu hơn nhiều. Theo khảo sát của chúng tôi có 69% doanh nghiệp đã tạm ngừng sản xuất kinh doanh; chỉ có 15% doanh nghiệp còn duy trì hoạt động, chủ yếu ở các địa phương chưa thực hiện Chỉ 16; 31% doanh nghiệp phải cắt lương, giảm lao động, giờ làm...”.

Dù vậy, ông Hoàng Nam Tiến cho rằng, vẫn có vaccine cho doanh nghiệp bằng cách lựa chọn “thuận theo tự nhiên, ngủ đông tích cực như loài gấu để khi mùa xuân đến, loài gấu gầy yếu nhưng không chết và trở lại hoạt động bình thường” hoặc tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.

GS Nguyễn Đức Khương cũng chỉ ra những cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam để phục hồi là: Việt Nam còn nhiều dư địa để khai thác các hiệp định FTA như: EVFTA, CPTPP, RCEP…; Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển đầu tư đến Việt Nam vẫn mạnh mẽ. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam rất năng động và bối cảnh hiện tại là thời điểm để doanh nghiệp thể hiện tiềm năng.