Ba thế hệ mù xua bóng tối

ANTĐ - Căn nhà tồi tàn nằm cuối thôn ấy chìm trong nỗi buồn lặng từ ba đời nay vì căn bệnh mù di truyền. Bà mù bẩm sinh. Con gái mù bẩm sinh. Đến đứa cháu thế hệ thứ ba cũng mù từ khi lọt lòng. Cả đại gia đình ấy tưởng chừng vĩnh viễn cô độc trong bóng đêm...

Ba thế hệ, một nỗi đau

Nằm tít cuối con đường đất đỏ ở thôn Mỹ Duyệt, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), căn nhà tuềnh toàng của gia đình ba thế hệ mù ấy chìm trong im ắng vì chẳng mấy lúc có người ghé thăm. Bà Lê Thị Ngạch cố với tay lên song cửa sổ ngóng đôi mắt kèm nhèm hắng giọng “Ai đấy!” khi nghe tiếng xe máy chúng tôi đỗ trước sân. “Người lạ đấy bà à. Chứ nếu người quen thì cháu đã biết”, Trần Tuấn Anh (26 tuổi) bật dậy trên chiếc võng sờn móc ngoài sân nói lớn. Bà Ngạch là bà ngoại của Tuấn Anh năm nay đã 85 tuổi. Trong căn nhà trống trước hở sau, bà Nguyễn Thị Vân- mẹ Tuấn Anh nhấp nhem đôi mắt chỉ còn nhìn thấy 1% kể gia đình của bà bị mù từ đời bà ngoại. “Nghe ba tui kể lại thì hồi tui sinh ra đã bị mù. Chiến tranh giặc dạ nên còn sống là may rồi chứ tui mong chi chuyện chữa bệnh”, bà Ngạch vừa đưa khuôn mặt nhăn nheo để con gái lau mặt nhớ lại.

Bốn thế hệ gia đình Tuấn Anh

Bà Ngạch cứ thế lớn lên như cây cỏ cho đến tuổi thiếu nữ. Cũng may bà đẹp người tốt nết nên đã được một người thanh niên trong thôn cưới về làm vợ. Bà mỉm cười hạnh phúc cho đời mình. Mọi chuyện gia đình đều một tay chồng bà chèo chống. Bà mù chẳng giúp được chuyện gì to tát, mỗi lúc nghe hàng xóm í ới ra đồng bà cũng chỉ biết mang giỏ xách lẽo đẽo theo ra đồng bắt mớ tép con tôm cải thiện bữa ăn. Rồi ngày biết mình có bầu bà mừng đến trào nước mắt. Chồng bà càng yêu thương bà hơn, hễ có miếng thịt, con cá tươi nào ông đều dành cho bà tẩm bổ đợi ngày sinh nở. Rồi một chiều cuối đông năm 1959, dưới làn đạn bom đì đùng của chiến tranh bà Ngạch sinh ra đứa con gái đầu lòng trong niềm hạnh phúc vô bờ bến. Thế nhưng đau đớn thay đôi mắt của đứa con gái bà lúc sinh ra cũng chỉ có tròng trắng đục. “Rứa là hắn bị di truyền từ tui. Tui chỉ biết ôm hắn khóc hết nước mắt. Tui thương chồng thương mình và tủi hổ cho đứa con bất hạnh vô hạn. Có lẽ ông trời không thương gia đình tui mới giáng nỗi đau như thế”, bà Ngạch rủ rỉ kể chuyện buồn.

Ngồi kế bên chị bà Vân bất giác chảy nước mắt ướt đẫm cổ áo. Chị Vân lớn lên trong bóng tối và khát chữ. Dù rất muốn đi học nhưng thời đó chẳng có lớp chữ nổi (Braille) nào cho chị theo học như bây giờ. Mù mắt, mù chữ- hai mẹ con bà Ngạch sống lay lắt bữa đói bữa no.

Ba thế hệ mù với niềm hi vọng không bao giờ tắt

Thời gian thấm thoắt trôi đi trong khó nhọc, bà Vân cũng đến tuổi cập kê. Nhưng nhà nghèo, lại bị mù nên dù cũng đã có vài đám đến xem mặt nhưng rồi họ lại ra về trong im lặng. Tuổi thanh xuân chị “Vân mù” tàn phai theo tháng năm. Nghĩ đến gia cảnh của mình, chị Vân cũng muốn kiếm lấy đứa con nuôi những mong đỡ đàn lúc tuổi già xế bóng. “Rồi tui có bầu thằng Tuấn Anh nhờ một người đàn ông thương tình”, chị Vân cười cười nói nhỏ.

Thế nhưng đến ngày sinh nở, một lần nữa gia đình ấy đón nhận nỗi đau: đứa bé sinh ra cũng bị mù. Vậy là ước mơ giản dị là có đứa con, đứa cháu có đôi mắt sáng của gia đình ấy bị dập tắt trong xót xa. Nỗi đau ông trời dồn dập giáng xuống gia đình ấy suốt ba thế hệ dường như là sự trừng trị cho một tội lỗi lớn nào đó mà kiếp trước họ gây ra.

Trần Tuấn Anh và con gái của mình

Tìm đường sáng

Sau những tháng ngày tận lực chăm gia đình bé mọn của mình, chồng bà Ngạch lìa đời trong cơn bạo bệnh. Vậy là trụ cột chính, người có đôi mắt lành lặn duy nhất của gia đình vĩnh viễn ra đi để lại ba con người- ba thế hệ vùng vẫy trong bóng tối giữa dòng đời nghiệt ngã. Mọi sinh hoạt của gia đình ấy hầu như chỉ diễn ra... bằng tay và bằng tai.

“Ba bà cháu em chỉ giao tiếp bằng tai, rồi sờ cảm nhận bằng tay. Nhà chẳng bao giờ đóng cửa mô, vả lại nhà có gì đáng giá đâu mà sợ mất trộm hả anh”, Tuấn Anh giải thích.

Ông ngoại Tuấn Anh mất vào năm 2000. Thời điểm ấy Tuấn Anh đang học cấp 1 tại Hội người mù tỉnh Quảng Trị. Ông ngoại mất đồng nghĩa với Tuấn Anh trở thành trụ cột kế tiếp ông ngoại chăm sóc bà và mẹ. Vậy là Tuấn Anh đành dang dở chuyện học. Ước mơ đường học của em dường như đóng sập lại trước mặt. Từ ngày nghỉ học, ngày ngày Tuấn Anh phải mò cua, bắt ốc hay lân la làm thuê cho người dân trong làng để kiếm tiền nuôi bà và mẹ. Ngoài làm thuê em còn trồng thêm mấy chục gốc tiêu và 3 sào sắn.

Chị Vân chăm sóc bà Ngạch

Tuy mù nhưng chàng trai ấy làm chẳng thua kém người thường. “Em phải tự làm cả tất cả mọi việc. Người mắt sáng làm 100% thì em phải nỗ lực 200% anh ạ. Có vậy em mới lo cho bà, mẹ được. Nhờ mãi hàng xóm cũng không được, em lớn rồi nên phải tự làm thôi!”, Tuấn Anh thật thà tâm sự.

Trong khó nhọc gian nan vậy mà ước mơ theo đuổi con chữ của Tuấn Anh chưa bao giờ tắt. Có những lần nghe chúng bạn í ới cắp sách đến trường là cái khát khao đến trường trong em lại trỗi dậy. “Những lúc ấy em lấy cục than trong bếp tập viết lại những chữ mà mình đã học trên nền đất cho nguôi nỗi nhớ. Biết đâu có ngày em lại được đi học”, nhớ lại những ngày ở nhà Tuấn Anh ngậm ngùi. Sau một thời gian ở nhà làm lụng chăm bà, mẹ... tích lũy được ít tiền cũng như sự giúp đỡ thêm của các tổ chức từ thiện Tuấn Anh tiếp tục xin vào học lại tại Hội người mù tỉnh.

Với sự nỗ lực không mệt mỏi, Tuấn Anh đạt kết quả học tập tốt nên được nhận vào học lớp học hòa nhập với các em học sinh bình thường tại trường Hàm tiểu học Nghi ở TP Đông Hà. Lên cấp 2, cấp 3 em cũng đều được đặc cách học “bình đẳng” với học sinh bình khác. Thế rồi Tuấn Anh cũng tốt nghiệp THPT với số điểm khá.

Tuấn Anh đang nghe đọc giáo án từ chiếc máy tính xách tay được tặng

Tưởng chừng an phận với nghề đấm bóp, xoa huyệt hay học nghề làm chổi đót, tăm tre... như bao bạn cùng hoàn cảnh để cải thiện cuộc sống, nhưng khát khao chinh phục giảng đường đã khiến Tuấn Anh quyết tâm thực hiện cho bằng được. “Nhiều người bĩu môi khi biết mình ôn thi đại học. Thầy giáo ở lò luyện thi Gama ở TP Đông Hà cũng cho mình học miễn phí vì nghĩ chắc mình học cho vui thôi chứ chẳng đỗ đạt gì đâu. Cứ nghĩ đến điều đó là mình lại càng quyết tâm hơn...”, Tuấn Anh nắm tay quả quyết.

Tuấn Anh đăng ký thi 2 trường là Đại học Khoa học Huế và trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị. Rồi Tuấn Anh đỗ thật. Mà em đỗ những hai trường, với ngành công tác xã hội ở bậc đại học (18 điểm) và ngành giáo dục tiểu học (17,5 điểm) ở trường cao đẳng. Số điểm đó với những thí sinh bình thường là thuộc hàng khá nhưng với Tuấn Anh- một thí sinh khiếm thị thì đó thật sự là điều đáng khâm phục. Nhiều người ngỡ ngàng và lo lắng cho Tuấn Anh. Bởi rồi đây Tuấn Anh đào đâu ra tiền để học khi cả gia đình em chỉ dựa vào số tiền trợ cấp hàng tháng cỏn con 480.000 đồng/tháng. Nhưng rồi Tuấn Anh cũng quyết định nhập học. Để nuôi giấc mơ của mình, ngoài giờ học ở giảng đường là em tranh thủ xin làm thêm tăm tre, chổi đót.. tại hội người mù tại Huế hay làm những việc mình có thể làm được để trang trải chi phí.

Dù khó khăn bộn bề nhưng Tuấn Anh vẫn tin tương lai mình sẽ tươi sáng hơn

Đều đặn mỗi cuối tuần là em lại đón tàu ra nhà đỡ đần bà, mẹ và chăm sóc vườn tiêu, mấy sào sắn, nuôi mấy con gà. Sự học của chàng trai khiếm thị nhọc nhằn trôi qua như thế. Đến hiện tại em đã là sinh viên năm 2 và kết quả học tập năm đầu của em là 7,4 khiến nhiều bạn bè, thầy cô kinh ngạc. Để giúp đỡ em có điều kiện học tập tốt hơn, tổ chức Y tế Hà Lan tặng em chiếc máy tính xách tay để làm công cụ hỗ trợ việc học.

“Tất cả giáo trình của em đều nhờ giọng nói... từ chiếc máy tính anh ạ. Nói nôm na là nhờ trình học bằng ngôn ngữ nói dành cho người khiếm thị. Máy tính hướng dẫn mình cách sử dụng phím nóng để thao tác... trước xuất qua văn bản bằng chữ Braille. Nếu không có công cụ này chắc em khó tiếp thu tốt bài giảng”, Tuấn Anh giải thích. Em bảo sau khi tốt nghiệp đại học sẽ xin về làm việc tại Hội người mù tỉnh Quảng Trị.

“Em là người may mắn vì được học, được lựa chọn so với các bạn cùng cảnh ngộ. Nếu sau này được về làm việc tại nơi mình đã từng học em sẽ gắng giúp đỡ lại các em cùng cảnh ngộ, ít nhất là về mặt tinh thần. Nhiều người bảo nếu có ước mơ và quyết tâm thì ai cũng làm được điều mình muốn, anh nhỉ”, Tuấn Anh ngước đôi mắt “nhìn” về tương lai của mình.  

Niềm hy vọng

Có một điều ít người biết là Tuấn Anh đã là bố một đứa trẻ 4 tuổi. Và may mắn thay đôi mắt cháu Thiên Phúc không bị mù. Đó là kết quả của mối tình giữa Tuấn Anh và một cô gái dân tộc Vân Kiều ở huyện miền núi ĐaKrông lúc còn sinh hoạt chung ở Hội người mù tỉnh. Nhưng bất hạnh thay, lúc sinh con xong thì cô gái đó đã bỏ vào Huế mang con theo và có ý định đem đứa bé cho người khác. Gia đình Tuấn Anh biết được đã nhờ người đưa cháu bé về nuôi. Tuấn Anh đặt tên con là Trần Hồ Thiên Phúc. “Mắt con bé sáng lắm lại bi bô suốt ngày. Em nguyện sẽ cố gắng nuôi cháu nên người. Có lẽ đó là điều may mắn và diệu kỳ mà ông trời đã dành cho gia đình em. Cháu là niềm hi vọng mà ba thế hệ gia đình em hằng mơ ước”, Tuấn Anh tâm sự.