Bà Sông Thao – thứ nữ của nhà văn Tô Hoài: "Bố tôi nếu còn sống, chắc chắn rất thích hình hài mới của dế mèn"

ANTD.VN -Tại triển lãm “Chạm tới những thế giới”, bà Nguyễn Sông Thao – thứ nữ của nhà văn Tô Hoài đã không khỏi xúc động với các tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ tập truyện “Dế mèn phiêu lưu ký”. Dế mèn đã bước ra từ những trang sách để đến thật gần với khán giả trong những hình hài mới.  

PV: Bà thấy thế nào khi bắt gặp hình ảnh của “chàng võ sĩ” dế mèn được khoác những “chiếc áo” mang hơi thở đương đại tại triển lãm lần này, thưa bà? 

Triển lãm “Chạm tới những thế giới” không thể nhìn nhận theo cách cũ, tức là không khí làng quê Việt qua hình ảnh của dế mèn. Nếu thế, trong không gian này, cần có thêm cỏ cây, ao hồ. Với các tác phẩm được trưng bày gồm sắp đặt, minh họa truyện tranh, dế mèn tại “Chạm tới những thế giới” đã làm gia đình tôi xúc động. Bố tôi nếu còn sống chắc ông cũng rất thích với hình hài đa dạng của dế mèn, dế trũi. Thời của bố tôi, của tôi dù rất muốn, cũng không thể thực hiện một cuộc triển lãm có quy mô lớn như “Chạm tới những thế giới”.

Bà Nguyễn Sông Thao, con gái nhà văn Tô Hoài

PV: Nhìn ngắm những hình ảnh này, bà có thấy “chạm tới những thế giới” thời bé của mình không?

Tôi và lũ bạn ngày còn bé chỉ được tiếp cận với cái mới qua việc đọc sách và đọc truyện. Vì thế, câu chuyện “Dế mèn phiêu  lưu ký”, tôi và các bạn đều thuộc lòng. Nhưng thời của chúng tôi có một thiệt thòi là điều kiện vật chất thiếu thốn nên chỉ biết đến dế mèn với những trang sách mà bố tôi đã viết nên. Còn để dế mèn bước ra từ những trang sách bằng các tác phẩm nghệ thuật thì chưa ai nghĩ tới. Chính vì thế, tôi xúc động khi đến với triển lãm, ngoài lý do truyện của bố tôi được chuyển thể sang nghệ thuật thì còn có một lý do khác, đó là triển lãm đã biến ước mơ của lũ trẻ bọn tôi ngày đó thành hiện thực.

Mô hình dế mèn khổng lồ tại triển lãm

PV: Nhắc đến dế mèn, chắc bà sẽ có nhiều kỷ niệm để chia sẻ với mọi người?

Tôi vẫn nhớ, truyện “Dế mèn phiêu lưu ký” của bố tôi đã được xuất bản tới nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, các bạn nhỏ Liên Xô vì yêu thích nhân vật chính này, đã nặn tượng dế mèn bằng đất dẻo, rồi làm cả mô hình cỏ cây gửi về Việt Nam, tặng nhà văn Tô Hoài. Trong thời gian đất nước mình còn nghèo khó, nhà tôi đã từng nhận được những món quà rất đặc biệt về dế mèn. Một tổ chức tại Thái Lan đã gửi tặng bố tôi mô hình dế mèn chỉ cao 20cm nhưng chuyển động được. Với tôi ngày đó, món quà là điều vô cùng lý thú, bởi chúng tôi không có nhiều đồ chơi và nhiều hình thức giải trí như hiện nay. Nhưng tiếc là, sau này, lúc bố tôi mất đi, gia đình đã không còn giữ được đầy đủ những món quà quốc tế do người hâm mộ mến tặng nhà văn Tô Hoài.

Video trình chiếu hoạt cảnh Dế Mèn và những người bạn

PV: Bà có nghĩ kinh phí là một trong những cái khó để có thể đưa chú dế mèn từ truyện vào trong nghệ thuật đương đại không, thưa bà?

Trong suy nghĩ, tôi không nghĩ lại có một triển lãm chuyên về dế mèn trở thành hiện thực, bởi kinh phí thực hiện rất đắt đỏ. Bên cạnh đó, còn cần tới những họa sỹ tâm huyết, dành nhiều thời gian để sáng tạo, nếu không triển lãm sẽ khô cứng, không thu hút người xem. Ông Giám đốc của Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom là người Nhật. Khi làm triển lãm lần này, ông rất tỉ mỉ, đọc kỹ “Dế mèn phiêu lưu ký” và tìm ra cách hình thức khác nhau để khai thác như sắp đặt, làm mô hình rồi minh họa truyện tranh… Gia đình tôi rất hài lòng với những tác phẩm giàu sáng tạo của các nghệ sỹ. Để các em nhỏ yêu thích đọc sách thì không chỉ có tuyên truyền, mà cần tới những hình thức như thế này, vừa dễ hiểu lại sinh động.

Cảnh hỗn chiến đánh nhau với nhà kiến, tác phẩm của họa sỹ Đậu Thị Ngọc Vinh

PV: Bà và các thành viên trong gia đình nhà văn Tô Hoài kỳ vọng gì khi nhìn ngắm hình dáng mới của chú dế mèn trong triển lãm “Chạm tới những thế giới”, thưa bà?

“Dế mèn phiêu lưu ký” đã được một số đơn vị nghệ thuật trong nước lấy cảm hứng để sáng tác. Trong đó, Nhà hát Tuổi trẻ đã dựng thành rối nhưng chỉ là một tiết mục trong chương trình ca múa nhạc dành cho thiếu nhi. Gần đây, tôi được biết còn có Hãng phim Hoạt hình Việt Nam và một anh Việt kiều cũng muốn được chuyển thể truyện “Dế mèn phiêu lưu ký”. Tất nhiên, càng nhiều hình thức thì gia đình càng vui. Bố tôi ngày còn sống cũng nói vậy. Nhà văn lúc nào cũng mong có độc giả, viết ra không ai đọc thì buồn lắm. Mong rằng “Dế mèn phiêu lưu ký” sẽ sống mãi với thời gian.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Triển lãm “Chạm tới những thế giới” do Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom - VCCA - phối hợp cùng nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức, đã đưa các nhân vật trong Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài bước ra ngoài đời với nhiều cách thức thể hiện mới lạ qua các tác phẩm tranh, sắp đặt, điêu khắc… Triển lãm giới thiệu đến công chúng những tác phẩm của 6 hoạ sĩ nổi tiếng Việt Nam là Trương Qua, Ngô Mạnh Lân, Thành Chương, Tạ Huy Long, Đậu thị Ngọc Vinh (Đậu Đũa), do hoạ sĩ Vũ Xuân Hoàn làm giám tuyển. Triển lãm diễn ra từ nay đến hết ngày 25-3 tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom, tầng B1, R3, Vincom Megamall Royal City, số 72 Nguyễn Trãi.