Bà lão 70 tuổi “sống nhờ” những ổ bánh mỳ

ANTĐ - Bến xe buýt Giáp Bát là nơi có nhiều tuyến xe chạy hàng ngày. Có lẽ chính vì thế mà xe ôm, taxi, quán nước, rồi người bán hàng bánh mỳ rong cũng tập trung nhiều. Nếu ai thường xuyên đi xe buýt, dừng chờ tại các điểm đỗ thì sẽ thấy rất nhiều người bán bánh mỳ, đặc biệt là ở khu vực tuyến 06 (Giáp Bát – Cầu Giẽ), sẽ thấy sự xuất hiện của một bà cụ bán bánh mỳ đặc biệt. 
Cuộc sống thường nhật

Năm nay bà ngoài 70 tuổi, đáng tuổi bà nội bà ngoại, thế nhưng, khi trao đổi, bán bánh mỳ, bà vẫn một tiếng cô, hai tiếng cô với chúng tôi, những người trẻ tầm tuổi con, tuổi cháu bà. 

Hàng ngày, bà bắt đầu đi bán từ khoảng 6h đến 7h sáng và nghỉ vào lúc 19h. Bà gắn bó với nghề bán bánh mỳ dạo trên các con phố ở nội thành Hà Nội từ năm 1992. Khoảng 5 năm gần đây, do tuổi đã cao, không đi lại như trước được nữa, bà vào bán ở bến xe Giáp Bát. Bà nói: “Cô bán ở tuyến 06 được nhiều và bán quen ở đây rồi. Các cháu mua bánh mỳ quý cô như bà nội, bà ngoại. Bình thường chào hàng loại bánh bơ 5000 đồng/chiếc, nhưng đa phần cô đều bán 4000 đồng, có khi người ta trả 11.000 đồng/3 chiếc cô cũng bán”.

Bà lão 70 tuổi “sống nhờ” những ổ bánh mỳ ảnh 1
70 tuổi, bà lão vẫn phải xách từng túi bánh mỳ đi bán để mưu sinh


Đứng bán ở đây nhiều, bà cũng hay giúp đỡ những người cùng tuổi như mình, như lúc lên xe khó khăn hay xách đồ nặng. Dáng người nhỏ bé, gầy guộc, mái tóc bạc phơ càng khắc nên vẻ già nua của người phụ nữ đã đến tuổi xế chiều này. Lúc nào trên đầu bà cũng có chiếc mũ vải đội sụp che kín mái tóc, vầng trán và khuôn mặt nhăn nheo. Nhưng nhìn thoáng qua thì không ai nghĩ bà đã ngoài 70 tuổi, bởi dáng người vẫn đứng thẳng, bước đi nhanh nhẹn. Hai tay là hành trang buôn bán của bà, với hai túi đựng bánh mỳ và túi đựng túi ni nông nhỏ. 

Mỗi ngày bà bán ước chừng khoảng 150 cái bánh, có khi đắt hàng thì bán được tới khoảng 200 chiếc các loại. Cũng may là lò bánh mỳ là của người cháu họ, nên nếu bánh không bán hết thì tối đem về trả lại lò. Nhưng có vẻ như bà cụ bán hàng rất có duyên, nhiều người tự đến hàng của bà mua bánh, nên bà bán rất chạy hàng. 

Trước đây, những người bán bánh mỳ vẫn “được” lên xe bán bánh cho khách trong lúc chờ xe chạy. Nhưng từ đầu năm 2013, do nhiều trường hợp tranh giành khách lẫn nhau, nên những người bán bánh mỳ bị “cấm bến”, không được lên xe bán như trước nữa. Thường thì mỗi điểm sẽ có từ 2 - 3 người bán bánh mỳ, có khu vực 3- 4 người cùng bán. Giờ thì họ đã ngầm phân định ranh giới bán hàng tại các điểm dừng chờ xe buýt, không ai xâm phạm địa phận của ai. 

Một phụ xe 06 cho biết: “Trước đây thì vẫn để hàng bánh mỳ được lên xe bán, nhưng từ khi có lệnh của cấp trên, phải canh không để họ lên nữa. Nếu mỗi lần mà có giám sát biết được họ vẫn lên xe, thì phụ xe bị phạt 200 nghìn đồng. Đây là trách nhiệm của phụ xe, thương họ thì mình bị phạt, trong khi đó họ lại không bị làm sao, nên tốt nhất là không cho lên xe bán”.

Bà cũng biết là không thể làm liên luỵ đến người khác để mình kiếm cơm được, họ cũng phải sống và nuôi gia đình. Vậy nên, biết luật cấm lên xe bà chỉ đứng ở cửa xe mời khách, ai mua thì bà nhờ họ đứng ra lấy bánh, trả tiền. 

Lời đồn và sự thật

Hỏi về gia cảnh thì bà chỉ ậm ừ cho qua: “Cô là người theo Đạo, hay sinh hoạt ở nhà thờ Làng Tám. Quê gốc ở dưới Hà Nam, nhưng con cái cô đều ở xa lắm…”. 

Bà cụ cho biết, bà ăn nghỉ, sinh hoạt ngay tại lò bánh mỳ, nơi bà lấy hàng đi bán cùng với một số người khác. Hàng ngày bà đi bán bánh từ sáng đến tối để kiếm tiền nuôi thân, nhưng khi trời mát thì còn bán được nhiều, chứ lúc nắng nóng hay nhất là mưa bão thì ế nặng, không bán được. 

Bà lão 70 tuổi “sống nhờ” những ổ bánh mỳ ảnh 2
Lẽ ra ở tuổi 70, bà cụ đã phải được nghỉ ngơi vui cùng con cháu từ rất lâu rồi...


Khi bà đi mời khách, bất chợt một bà bán bánh cùng lò với bà kể: “Bà này cùng quê với tôi, nhưng cách nhà tôi 5 đến 7 cây số. Nhà có 5 đứa con trai nhưng chả ở được với người nào. Có lúc chúng còn đánh bà ấy gãy cả răng. Chúng nó phá lắm, chơi bài bạc nợ như chúa chổm. Bà ấy còn chồng nhưng cũng không ở cùng, ông ý đi lang thang suốt thôi”.

Hỏi một người phụ nữ khác cùng lò bánh và cũng ở gần nhà bà cụ, vì sao bà đã cao tuổi rồi mà không ở cùng con cháu thì được cho biết: “Bà ấy đông con lắm, bà ấy sống với chồng, nhưng chồng bị điên, hay đánh bà ấy. Có một lần bà ấy bị chồng cầm dao định đâm chết. Từ đấy, bà ấy bỏ đi sống một mình ở đây tự kiếm tiền nuôi thân”...

Gợi chuyện mãi, bà lão mới chịu chia sẻ, xác nhận là có bốn người con trai, đều đã xây dựng gia đình. Bà không sống cùng với người nào, mà ở với chồng. Nhưng vì ông lão bị bệnh “ma nhập”, nên rất hay đánh đập bà. “Mỗi lần “cậu” lên cơn thì lại đánh cô, đợt này cô bỏ đi liền mấy tháng chưa về rồi”, bà cụ chia sẻ. 

Rồi bà cụ cho biết: "Cô đã chia cho mỗi người con một mảnh đất để họ yên bề gia thất rồi. Còn sức khoẻ thì cô tự đi kiếm sống nuôi lấy thân thôi. Có hai em nó cũng làm lò bánh, một đứa làm nghề hàn xì, còn một thằng chuyên trị đánh bạc, không thể nào bảo được”.

Ngừng một lát, bà cụ tiết lộ: “May là cô còn giữ được mảnh đất hương hoả để khi về có nơi ra vào. Mà mảnh đất ấy, chồng cô và chú em đã ba bốn lần đem bán đi rồi, may mà chuộc lại được”.

Dứt lời, bà cụ lại tất tả xách túi bánh mỳ đến chiếc xe buýt vừa đỗ lại để mời chào. Trời sắp tối, có lẽ đây là những vị khách cuối cùng trong ngày của bà cụ, bất giác, tôi nhói lòng không hiểu bà cụ còn có thể gồng gánh tự nuôi mình đến khi nào nữa. Ở tuổi ngoài 70 ấy, lẽ ra bà cụ đã phải được nghỉ ngơi vui cùng con cháu từ lâu lắm rồi… 

Ngày đại lễ Vu lan – báo hiếu cha mẹ đang đến rất gần… Vậy mà biết bao bà mẹ vẫn phải oằn mình kiếm kế mưu sinh...