Ba Lan triển khai quân đến biên giới với Đức ngăn dòng người di cư bất hợp pháp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ba Lan đã triển khai 700 quân đến biên giới phía Tây và chuẩn bị điều thêm 5.000 binh sĩ để ngăn dòng người di cư bất hợp pháp từ Đức và Litva vào nước này.

“Chúng tôi đang tăng cường an ninh - ứng phó quyết liệt với các mối đe dọa di cư”, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz đăng trên mạng xã hội X ngày 7-7, nhấn mạnh vai trò của quân đội trong nỗ lực đảm bảo an ninh. Tuần trước, Chính phủ Ba Lan đã thông báo về việc tái lập các cuộc kiểm tra biên giới để duy trì kiểm soát cho đến ít nhất là ngày 5-8.

Ba Lan cáo buộc Đức, quốc gia đã áp dụng các biện pháp kiểm soát tương tự vào cuối năm 2023, đưa những người xin tị nạn trở lại khu vực biên giới. Các nhóm cộng đồng địa phương ở Ba Lan đã phản ứng bằng cách tiến hành “các cuộc tuần tra của công dân” để ngăn dòng người di cư về phía Đông, qua đó gây thêm áp lực chính trị buộc chính phủ nước này phải hành động.

Với 65 chốt kiểm soát hiện có - một số chốt hoạt động suốt ngày đêm - các quan chức cho biết nhiệm vụ này đòi hỏi nhiều nhân lực và cần thêm nhân sự thông qua động thái mà quân đội Ba Lan gọi là Chiến dịch An ninh phía Tây.

Lực lượng an ninh Ba Lan tiến hành hoạt động kiểm tra an ninh biên giới ngày 7-7-2025

Lực lượng an ninh Ba Lan tiến hành hoạt động kiểm tra an ninh biên giới ngày 7-7-2025

Theo tạp chí Polska Zbrojna trực thuộc Bộ Quốc phòng Ba Lan, đợt triển khai này bao gồm 500 quân từ Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ và 200 quân cảnh, hỗ trợ khoảng 800 lính biên phòng. Bên cạnh đó, còn có thêm 300 cảnh sát dân sự cũng được phân công để hỗ trợ nỗ lực này.

Di cư vẫn là chủ đề gây tranh cãi ở Đức, nơi đảng cánh hữu AfD đã giành được sự ủng hộ thông qua việc chỉ trích cách chính phủ xử lý vấn đề này. Ba Lan và các quốc gia Đông Âu khác đã cáo buộc Berlin sử dụng ảnh hưởng của mình trong Liên minh châu Âu để thúc đẩy các chính sách ủng hộ người di cư.

Ba Lan, Đức và Litva đều là thành viên của khối Schengen. Đây là khu vực bao gồm 27 quốc gia châu Âu, nơi công dân và du khách có thể tự do đi lại mà không cần kiểm soát biên giới nội bộ. Tuy nhiên, khu vực này đã chịu nhiều căng thẳng kể từ khi làn sóng di cư tăng đột biến vào năm 2015. Theo các quy tắc của Schengen, các cuộc kiểm tra biên giới tạm thời có thể được khôi phục trong trường hợp khẩn cấp.