Ba kích, khi thuốc bổ thành thuốc độc

ANTD.VN - Trong Dược học cổ truyền, ba kích được xếp trong nhóm thuốc bổ dương, có vị cay, ngọt, tính ấm, vào kinh thận, có công năng chủ trị bổ thận dương, mạnh gân cốt, thận dương suy nhược dẫn đến di tinh, liệt dương, xuất tinh sớm… Tuy vậy, không phải ai dùng cũng bổ, và càng không có chuyện dùng nhiều bổ nhiều.

Với những công dụng như trên, ba kích được rất nhiều quý ông, quý bà săn lùng nhằm cải thiện khả năng tình dục. Ba kích cũng được “chế” nhiều cách khác nhau như làm thuốc ngâm rượu, phơi khô xay thành bột rồi hồ với mật ong để dùng dần, hầm với thịt dê, gà ác ăn… Điều đáng nói, ba kích hiện nay được bán rất phổ biến, từ các cửa hàng thuốc đông y đến hàng rong và tràn lan quảng cáo trên các trang mạng.

Vậy nhưng, vì mục đích bán được nhiều hàng, đa phần những nơi bán ba kích chỉ đưa thông tin về công dụng mà hầu như không đoái hoài đến tác dụng phụ, các đối tượng chống chỉ định… Vì vậy, nhiều người mua với tâm lý nôn nóng “thần dược phòng the” phát huy tác dụng đã nạp thật nhiều vào cơ thể.

Lương y Bùi Hồng Minh - Chủ tịch hội Đông y Ba Đình, Hà Nội cho biết, theo đông y ba kích có vị cay, ngọt, tính ấm. Quy kinh thận. Có tác dụng bổ thận, tráng dương, sử dụng tốt cho những trường hợp bị thận dương suy, dẫn đến các chứng di tinh, tảo tiết (xuất tinh sớm) hoặc phụ nữ đau bụng dưới (đau phần phụ), muộn con hoặc các trường hợp đau lưng đau gối, đau xương khớp… Có thể sử dụng ba kích để ngâm rượu, hay kết hợp với các bài thuốc khác để tăng thêm tác dụng cho củ ba kích.

Tuy nhiên, việc dùng ba kích không thể tùy tiện, người thầy thuốc sẽ phải tùy tình trạng bệnh và sức khỏe của người bệnh mà cho liều dùng ba kích từ 4-12g/người/ngày. Việc dùng quá liều gây ra các biến chứng khôn lường gây tổn hại đến sức khỏe người sử dụng.

Ngoài ra, ba kích còn được coi là vị thuốc có tác dụng hạ huyết áp. Vì vậy, những người bị huyết áp thấp không nên uống, nếu uống quá nhiều thì việc bị tụt huyết áp là điều khó tránh khỏi và điều này cực kỳ nguy hiểm. Và không chỉ người bị chứng huyết áp thấp, rễ cây ba kích còn kiêng kỵ với những ai bị chứng “âm hư hỏa thịnh”, “đại tiện bí táo”.

Bên cạnh đó, hiện nay rất nhiều người mắc phải các sai lầm nghiêm trọng khi dùng ba kích, dẫn đến phải trả giá đắt bằng sức khỏe, thậm chí là tính mạng. Ba kích phải bỏ lõi sau đó ngâm rượu; hoặc phơi khô, tẩm rượu sau đó sao khô trước khi sử dụng làm thuốc. Sở dĩ phải bỏ lõi ba kích, vì lõi ba kích không tốt, nó có thể đi ngược tác dụng của củ ba kích, gây nhức mỏi, ngộ độc, thậm chí liệt dương. 

Muốn dùng ba kích hiệu quả, an toàn nên phối với các vị thuốc khác. Việc phối thuốc ra sao, phối với những vị nào tùy thuộc vào kinh nghiệm của từng thầy thuốc. Còn việc tự ý dùng, lạm dụng… không chỉ  không mang lại hiệu quả, mà còn có nguy cơ dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường.