Ba giai đoạn của Đề án chuyển đổi số quốc gia

ANTD.VN - Dự thảo Đề án Chuyển đổi số quốc gia có tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia như Hà Lan, Thái Lan… đồng thời có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của Việt Nam.

Chuyển đổi số là lựa chọn tất yếu cho sự phát triển của đất nước

Đề án xác định, chuyển đổi số là con đường ngắn nhất đưa đất nước đi lên hiện đại, thịnh vượng, là động lực cho sự tăng trưởng. Nhà nước cần có thái độ tích cực về công nghệ, về sự sáng tạo, chấp nhận công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong giai đoạn phát triển ban đầu.

Đối với các ngành, các lĩnh vực, nhất thiết phải tối đa hóa lợi ích từ các công nghệ số tiên tiến. Đặc biệt cần bảo đảm chuyển đổi số có tác động bình đẳng và có lợi ích cho tất cả các đối tượng khác nhau.

Dự thảo xác định quá trình chuyển đổi số quốc gia gồm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (2019-2020): là giai đoạn số hóa nền kinh tế. Đẩy nhanh số hóa các lĩnh vực, ngành Công nghiệp, Chính phủ, doanh nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả lao động và năng suất lao động để tạo ra các nguồn tăng trưởng mới;

Giai đoạn 2 (2021-2025): Kinh tế số trở thành lợi thế cạnh tranh của Việt Nam; 

Giai đoạn 3 (2026-2030): Kinh tế và xã hội số toàn diện, từ đó hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Dự thảo Đề án chuyển đổi số quốc gia cũng đưa ra những giải pháp cụ thể, chi tiết nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành chuyển đổi số, quan tâm tới quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp vì đây là những lĩnh vực thiết yếu, rường cột, nền tảng của kinh tế xã hội quốc gia.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện dự thảo đầu tiên của Đề án này. Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Đề án cần có nhiều giải pháp hơn nữa hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số vì những doanh nghiệp này chiếm 90-95% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam, đồng thời tạo ra 60-65% việc làm và có đóng góp đáng kể cho GDP.