Ba đối thủ của Olympic Việt Nam tại ASIAD mạnh yếu ra sao?

ANTD.VN - Trong một bảng đấu "dễ thở", đối thủ mạnh nhất là Olympic Nhật Bản lại chỉ cử đội U21 thi đấu, cơ hội vào vòng 1/8 ASIAD của Olympic Việt Nam là rất lớn.

Nhìn một cách tổng thể, có thể xếp 3 đối thủ của Olympic Việt Nam từ yếu đến mạnh lần lượt là Nepal, Pakistan và Nhật Bản.

Olympic Nepal bị đánh giá yếu nhất bảng. Trong lần đầu dự ASIAD vào năm 2014, đội bóng này bị loại sau 3 trận toàn thua tại vòng bảng, để lọt lưới 13 bàn và không ghi được bàn thắng nào.

Kinh phí eo hẹp là rào cản lớn bóng với đá Nepal. Trong ảnh: Các thủ môn đội tuyển Pakistan đang ngâm đá hồi phục cùng chuyên gia thể lực

Kinh phí eo hẹp là rào cản và vấn đề lớn nhất kìm hãm sự phát triển của bóng đá Nepal. Mức lương tương đương 3 triệu đồng/tháng, cùng phụ cấp 300 nghìn đồng/ngày của các cầu thủ Nepal thuộc hàng thấp nhất châu Á.

Mới đây, HLV trưởng Koji Gyotoku (53 tuổi, người Nhật Bản) đã lên danh sách triệu tập đội tuyển Olympic Nepal với khá nhiều cầu thủ trẻ và cũng có chuyến tập huấn nước ngoài tại Thái Lan với 2 trận giao hữu.

Tuy nhiên có một thực tế được chính HLV Koji thừa nhận rằng người hâm mộ Nepal không quá coi trọng sân chơi quá tầm như ASIAD. Họ chỉ xem đây là bước đệm cho giải Vô địch Nam Á diễn ra ngay sau giải châu Á.

Bóng đá Pakistan đặt nhiều tham vọng khi trở lại sau 3 năm bị cấm thi đấu quốc tế

Với Olympic Pakistan, đây có thể xem là ẩn số của bảng đấu. Sau 3 năm bị cấm thi đấu quốc tế, bóng đá Pakistan đang quyết tâm lấy lại vị thế vốn có.

Tại Incheon 4 năm trước, dù bị loại sau vòng bảng nhưng Pakistan đã gây ấn tượng khi là một đội bóng có tổ chức lối chơi tốt, thể lực mạnh mẽ, chơi đeo bám. Đây cũng là nhận xét của HLV Park Hang-seo sau khi theo dõi các tư liệu băng hình về đội bóng này.

Chuẩn bị cho lần trở lại ASIAD này, Olympic Pakistan với nửa đội hình thuộc biên chế ĐTQG vừa tập huấn dài hạn ở Bahrain với kết quả 1 thắng, 1 hòa và 1 thua trong 3 trận giao hữu với các CLB của nước này.

Trận ra quân ngày 15-8 tới mang tính chất đặc biệt quan trọng với cả Olympic Việt Nam và Pakistan, trong việc xác định cơ hội đi tiếp của hai đội.

Tại VCK U23 châu Á 2018 vừa qua, U21 Nhật Bản (trái) chỉ chịu thua U23 Uzbekistan - đội sau đó vô địch

Đối thủ cuối cùng của Olympic Việt Nam tại vòng bảng và cũng là mạnh nhất - Nhật Bản, gây chú ý khi chỉ cử đội hình với các cầu thủ dưới 21 tuổi tham dự. Đây là một phần trong kế hoạch mà đội bóng xứ Mặt trời mọc dày công chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020 trên đất nước mình.

Tại VCK U23 châu Á 2018 trên đất Trung Quốc, Nhật Bản cũng chỉ mang đến đội hình U21 và chỉ chịu thua đội sau đó giành chức vô địch là U23 Uzbekistan ở tứ kết.

Theo danh sách rút gọn 20 tuyển thủ chính thức dự ASIAD 2018, Olympic Nhật Bản có tới 12 cầu thủ từng góp mặt cùng đội tuyển U19 Nhật Bản tham dự VCK U19 châu Á 2016. Ở giải đấu đó, U19 Nhật Bản đã thắng 3-0 trước U19 Việt Nam ở vòng bán kết, trước khi giành chức vô địch chung cuộc của giải đấu.

Lịch thi đấu bảng D môn bóng đá nam ASIAD 2018

Hướng tới ASIAD này, thầy trò HLV Moriyasu Hajime vừa cọ xát tại giải Sport For Tomorrow tại Nam Mỹ, với kết quả: thua 0-2 trước U21 Chile, hòa 3-3 U21 Venezuela (penalty: 4-1), thua U21 Paraguay 1-2.

Việc đối thủ mạnh nhất là Nhật Bản chỉ cử đội U21, cùng việc nằm ở một bảng đấu khá dễ chịu so với các bảng khác, Olympic Việt Nam có nhiều cơ hội giành quyền đi tiếp. Tuy nhiên sự thận trọng là không thừa, như HLV Park Hang-seo chia sẻ rằng cả ba đối thủ đều không thể xem thường và mỗi trận đấu vòng bảng đều sẽ là trận chung kết.