Ba bệnh nhân Covid-19 bất ngờ tiến triển nặng dù trẻ khỏe, không có bệnh nền

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một thanh niên Hà Nội 27 tuổi là BN2765 cùng hai bệnh nhân Covid-19 khác là 2781 và 2815 đang diễn tiến nặng rất nhanh dù cả 3 đều trẻ khỏe, không mắc các bệnh lý nền…
Điều trị một bệnh nhân Covid-19 tiến triển nặng (Ảnh minh họa)

Điều trị một bệnh nhân Covid-19 tiến triển nặng (Ảnh minh họa)

Thông tin từ Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế cho biết, một dấu hiệu khá lo ngại lúc này là có một số bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tiến triển nặng rất nhanh dù không có bệnh lý nền.

Cụ thể, tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng hiện có 3 bệnh nhân diễn biến nặng nhan, gồm: BN 2765, BN 2781 và BN 2815. Đây đều là những người có tiền sử khỏe mạnh, được phát hiện mắc Covid-19 ngay sau khi từ nước ngoài trở về.

BN2765 là nam, 27 tuổi, địa chỉ tại huyện Đan Phượng, Hà Nội. Anh này từ Nhật Bản nhập cảnh sân bay Đà Nẵng ngày 7-4. Ngày 15-4 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt 39°C, đã dùng hạ sốt, nồng độ oxy bão hoà trong máu (Sp02) đạt 94%. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, không sốt, còn ho, tức ngực, khó thở khi gắng sức.

Ca bệnh số 2781 là nam, 38 tuổi, địa chỉ ở thành phố Vinh, Nghệ An. Người bệnh từ Romania nhập cảnh sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VN068 ngày 15-4 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Đà Nẵng.

Ngày 23 và 24-4, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, không sốt, khó thở khi gắng sức, còn ho, tức ngực ít, đỡ đi cầu, SPO2 dao động trong khoảng 95-96%, X-quang phổi tiếp tục tiến triển xấu hơn. Hiện bệnh nhân tiếp tục được theo dõi sát để đề phòng các diễn biến xấu.

Ca bệnh số 2.815 là nam, 37 tuổi, địa chỉ tại huyện Yên Định, Thanh Hóa. Ngày 21-4, bệnh nhân từ Nga về, nhập cảnh tại sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VN5062, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại thành phố Đà Nẵng.

Ngày 22-4, bệnh nhân sốt 39 độ C, khó thở khi gắng sức, ho nhiều, đau rát họng, người mệt, ăn kém, SPO2 dao động trong khoảng 92-94%, X-quang phổi cho thấy bệnh nhân mờ đáy phổi.

Đến ngày 24-4, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, không sốt, còn ho nhiều, tức ngực ít, cảm giác đỡ mệt hơn, SPO2 dao động từ 94-95%, X-quang phổi vẫn còn mờ đáy phổi. Bệnh nhân tiếp tục được bù điện giải, giảm ho, thở ô xy kính.

Trước đó, Hội đồng chuyên môn do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn bệnh nhân Covid-19 nặng đã thống nhất, tất cả các ca có dấu hiệu khó thở, thở gắng sức đều phải coi là bệnh nhân nặng để theo dõi và phòng ngừa kịp thời, hạn chế tình trạng bệnh nhân nặng lên, gây khó khăn cho công tác điều trị.