Azerbaijan vội yêu cầu đàm phán ngay sau cuộc tấn công tên lửa Iskander của Armenia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Quốc phòng Azerbaijan mới đây xác nhận quân đội Armenia đã sử dụng vũ khí tên lửa chiến thuật Iskander OTRK của Nga để tấn công lực lượng Baku. Chỉ vài giờ sau cuộc tấn công của các tổ hợp này, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev thông báo rằng, ông dự định bắt đầu đối thoại với Yerevan về một thỏa thuận ngừng bắn.
Khói lửa bốc lên sau một cuộc tấn công tên lửa của Armenia nhằm vào cơ sở hạ tầng của Azecbaijan, ngày 4-10-2020

Khói lửa bốc lên sau một cuộc tấn công tên lửa của Armenia nhằm vào cơ sở hạ tầng của Azecbaijan, ngày 4-10-2020

Trên trang Twitter của mình, Trợ lý của Tổng thống Azerbaijan Hikmet Hajiyev ngày 4-10 cho biết, Armenia đã tấn công tên lửa nhằm vào dân thường và các cơ sở hạ tầng dân sự của Baku, trong đó có: Ganja - thành phố lớn thứ hai của Azecbaijan đã bị trúng 4 quả tên lửa Smerch; vùng Khizi và Apsheron bị trúng hai tên lửa tầm trung lên đến 300 km; Hồ chứa nước và Nhà máy điện ở Mingachevir bị dính 2 tên lửa.

Tuy nhiên, Armenia và khu vực ly khai Nagorno-Karabakh đã phủ nhận cáo buộc từ phía Azecbaijan.

Theo các chuyên gia phân tích quân sự, xem xét tất cả các loại vũ khí mà Yerevan sở hữu, chỉ có hệ thống tên lửa Iskander của Nga mới có thể thực hiện một cuộc tấn công ở khoảng cách lên tới 300 km, đủ khả năng tấn công hiệu quả các mục tiêu gần như trên toàn lãnh thổ Azerbaijan, và rõ ràng thực tế này đã khiến Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev dự định bắt đầu đàm phán với Armenia về một thỏa thuận ngừng bắn, mặc dù vài ngày trước đây ông đã dứt khoát từ chối điều này.

“Azerbaijan sẽ quay trở lại chế độ ngừng bắn nếu lực lượng Armenia đưa ra lịch trình rút quân hoàn toàn khỏi lãnh thổ bị chiếm đóng cũng như thừa nhận sự toàn vẹn khỏi lãnh thổ của Azecbaijan”, Tổng thống Ilham Aliyev cho biết trong một bài phát biểu được chiếu trên kênh truyền hình nhà nước AzTV hôm 4-10.

Ngay lập tức Yerevan đã bác bỏ yêu cầu của Baku. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Armenia khẳng định, điều kiện trên là không thể chấp nhận được, thay vào đó chính Azerbaijan phải từ bỏ sử dụng vũ lực và can dự mang tính xây dựng trong quá trình đàm phán.

Giao tranh giữa lực lượng ly khai người Armenia ở vùng Nagorno-Karabakh và quân chính phủ Azerbaijan bắt đầu bùng phát hôm 27-9 và đã bước sang ngày thứ 8 với con số thương vong tiếp tục gia tăng cho cả hai bên.