Azerbaijan tuyên bố tình trạng chiến tranh ở một số thành phố, khu vực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Quốc hội Azerbaijan ngày 27-9 đã tuyên bố tình trạng chiến tranh ở một số thành phố và khu vực của nước này sau khi Armenia vi phạm biên giới và tiến hành các cuộc tấn công ở vùng Nagorno-Karabakh bị chiếm đóng.
Quốc hội Azerbaijan họp ngày 27-9-2020 sau khi Armenia tấn công một số khu dân cư ở khu vực biên giới hai nước

Quốc hội Azerbaijan họp ngày 27-9-2020 sau khi Armenia tấn công một số khu dân cư ở khu vực biên giới hai nước

Trong một cuộc họp bất thường, Quốc hội Azerbaijan đã thông qua một biện pháp một phần và tạm thời hạn chế các quyền tự do của công dân Azerbaijan và người nước ngoài đang sinh sống tại quốc gia này khi tình hình chiến tranh vẫn tiếp diễn.

Các nhà chức trách Azerbaijan cũng thông báo áp dụng lệnh giới nghiêm trên toàn quốc từ 20 giờ đến 5 giờ. Quyết định được đưa ra bởi Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev vì tình hình ở Nagorno-Karabakh.

Trước đó cùng ngày đã xảy ra các cuộc đụng độ ở biên giới hai nước. Armenia cho rằng, các lực lượng Azerbaijan đã nã pháo về phía khu vực Nagorno-Karabakh, trong đó có thành phố Stepanakert.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo triển khai một chiến dịch phản công và bảo vệ người dân sau khi lực lượng Armenia nã pháo vào quân đội nước này và tấn công các địa điểm dân sự. Hiện chưa rõ con số thương vong.

Theo Bộ Quốc phòng Azerbaijan, Armenia là trở ngại lớn nhất đối với hòa bình và ổn định trong khu vực. Bộ này đồng thời nói thêm rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sát cánh với Azerbaijan bằng mọi cách.

“Baku có quyền tự vệ để bảo vệ người dân và lãnh thổ của mình”, Bộ Quốc phòng Azerbaijan nói thêm.

Mối quan hệ giữa hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ trở nên căng thẳng kể từ năm 1991, khi quân đội Armenia chiếm đóng Upper Karabakh, hay vùng Nagorno-Karabakh, một lãnh thổ được quốc tế công nhận của Azerbaijan.

Bốn nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và hai nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng như nhiều tổ chức quốc tế yêu cầu lực lượng chiếm đóng phải rút quân.

Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) - do Pháp, Nga và Mỹ đồng chủ trì - được thành lập vào năm 1992 để tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột, nhưng vô ích.