Azerbaijan dọa tấn công thủ phủ nước cộng hòa tự xưng Nagorno-Karabakh

ANTĐ - Ngày 4-4, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết, bộ trưởng quốc phòng nước này sẽ ra lệnh tiến hành các cuộc pháo kích nhằm vào thủ phủ Stepanakert của nước Cộng hòa Nagorno-Karabakh (NKR) tự xưng, nếu các lực lượng do Armenia hậu thuẫn tiếp tục bắn pháo vào các khu dân cư bên lãnh thổ Azerbaijan.

Bất chấp cộng đồng quốc tế kêu gọi hai nước láng giềng này chấm dứt xung đột, nhưng các cuộc giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan hiện vẫn tiếp tục diễn ra tại khu vực Nagorny Karabakh và có nguy cơ leo thang.

"Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần cảnh bảo, nhưng phía Armenia vẫn tiếp tục pháo kích vào các khu dân cư của Azerbaijan", phát ngôn viên Vagif Dyargahly cho biết.

"Bộ trưởng Quốc phòng Azerbaijan sẽ ra lệnh tiến hành các vụ pháo kích dồn dập vào các vị trí của Armenia tại Hankendi và các khu vực khác, nếu phía Armenia tiếp tục bắn pháo", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Azerbaijan khẳng định.

Một đơn vị pháo binh của Armenia tại khu vực Nagorno-Karabakh
Cùng ngày, Tổng thống Armenia cũng cảnh báo trong cuộc gặp với các đại sứ nước ngoài ở thủ đô Yerevan rằng, bạo lực tại khu vực ly khai Nagorno-Karabakh có nguy cơ bùng phát thành một cuộc chiến tranh toàn diện, sau ngày thứ 3 xảy ra cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội Azerbaijan và các lực lượng ly khai do Armenia hậu thuẫn.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết, 3 binh lính của họ đã bị thiệt mạng trong ngày 4-4, trong khi đó, một đại diện của nước cộng hòa ly khai Nagorno-Karabakh cũng cho rằng, 4 nhân viên quân sự của họ đã bị thiệt mạng trong cuộc xung đột này.

Trong khi đó, đài truyền hình Armenia dẫn nguồn tin quân sự Nagorny-Karabakh khẳng định rằng, 20 binh lính của lực lượng này đã thiệt mạng và 72 người khác bị thương trong 3 ngày xảy ra xung đột.

Xung đột giữa Armenia và Azerbaijan bắt đầu từ năm 1988 khi vùng tự trị Nagorno-Karabakh chủ yếu là người Armenia sinh sống, đòi li khai khỏi Azerbaijan. Nagorno-Karabakh đã tuyên bố độc lập vào năm 1991 nhưng vẫn nằm dưới sự bảo trợ của quân đội Armenia, và từ đó gây ra một cuộc chiến tranh kéo dài đến khi Nga làm trung gian hoà giải vào năm 1994.