Australia muốn Mỹ duy trì vị thế để xua đi "mối lo ngại an ninh"

ANTD.VN - Sách Trắng về chính sách đối ngoại của Australia vừa được Ngoại trưởng Julie Bishop công bố đã bày tỏ mong muốn Mỹ tiếp tục duy trì vị thế lãnh đạo toàn cầu, đồng thời khẳng định liên minh với Washington vẫn là nguyên tắc căn bản của an ninh Australia, cần mở rộng và làm sâu sắc hơn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull trong cuộc gặp tại New York (Mỹ), ngày 4-5-2017

Ngoại trưởng Bishop cho biết Sách Trắng Đối ngoại đầu tiên trong vòng 14 năm qua đã định hình một bức tranh nghiêm túc về những mối đe dọa trước mắt cũng như lâu dài đối với lợi ích và an ninh quốc gia Australia, trong đó nhấn mạnh sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, những kẻ khủng bố từ Trung Đông trở về và các cuộc tấn công mạng được xác định là những mối đe dọa lớn đối với an ninh và ổn định của Australia trong thập kỷ tới. 

Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mối quan ngại một Bắc Kinh đang nỗ lực thúc đẩy ảnh hưởng đã gây ra tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh đối với Australia bởi tương quan lực lượng tại khu vực đã thay đổi khi Mỹ không còn nắm giữ vị trí thống trị như trước. 

Đối với Australia, sức hấp dẫn từ nền kinh tế Trung Quốc rất lớn. Trung Quốc đã vượt xa các quốc gia khác để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Canberra, đặc biệt từ sau thỏa thuận tự do thương mại 2015. Hơn 1/3 khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Australia là sang Trung Quốc.

Năm 2016, đầu tư của Trung Quốc vào Australia tăng 12%, đặc biệt vào nông nghiệp và hạ tầng cơ sở. Các dữ liệu thực tế về kinh tế cho thấy trong 5 năm qua, giá trị thương mại và đầu tư của Australia với Trung Quốc đã tăng gấp đôi so với Mỹ. Các chuyên gia kinh tế Australia nhận định người dân nước này coi Trung Quốc là mấu chốt thúc đẩy kinh tế phát triển trong tương lai. 

Tuy nhiên, những tác động của Trung Quốc không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế. Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull mới đây thẳng thắn chỉ trích Trung Quốc liên quan đến việc gia tăng các hoạt động trái phép, thậm chí quân sự hóa ở Biển Đông. Australia cũng nhận định rằng, trong trường hợp khủng hoảng, Bắc Kinh có thể cản trở Australia trao đổi thương mại với phần còn lại của châu Á, nhất là hai thị trường lớn Nhật Bản và Hàn Quốc, vì 2/3 lượng hàng hóa xuất khẩu của Australia được chuyên chở qua vùng biển này. 

Australia xác định trong Sách Trắng rằng cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc là thách thức bao quát. Trung Quốc không chỉ là đối tác thương mại lớn nhất mà còn là mối lo ngại an ninh lớn nhất của Australia. Bà Bishop khẳng định trong các khu vực của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả Đông Nam Á, sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc đang phát triển để phù hợp, thậm chí trong một số trường hợp, đã vượt qua ảnh hưởng của Mỹ. Giống như tất cả các cường quốc, Trung Quốc sẽ tìm cách gây ảnh hưởng trong khu vực để theo đuổi lợi ích riêng của mình.    

Để đối trọng với Trung Quốc, Sách Trắng cũng ghi rõ rằng Mỹ cần tiếp tục cam kết của họ ở châu Á vì lợi ích của khu vực cũng như của chính họ. Tài liệu viết rằng Mỹ “vẫn cần thiết với sự ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương…

Tại thời điểm đang diễn ra những thay đổi và rủi ro tăng cao này, Australia nhấn mạnh đến sự ủng hộ liên tục cho vị thế lãnh đạo toàn cầu cũng như khu vực của Mỹ. Những lợi ích dài hạn của Australia đòi hỏi điều này. Trật tự toàn cầu sẽ tiếp tục dựa vào quyền lực, và quyền lực “cứng” của Mỹ vẫn sẽ là một cơ sở cần thiết cho trật tự dựa trên luật lệ”.  

Liên minh lâu đời với Mỹ là nền tảng an ninh của Australia. Tuy nhiên, ông Donald Trump, kể từ khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng, đã tỏ ra không “mặn mà” với Canberra, bắt đầu từ việc rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thực hiện chủ trương “Nước Mỹ trên hết”.

Tuy nhiên, những thách thức khi Trung Quốc đang trỗi dậy ở khu vực buộc Chính phủ Australia phải xem xét và đánh giá kỹ lưỡng hơn về những lợi ích cũng như rủi ro của mối quan hệ đồng minh này. “Lần đầu tiên trong lịch sử Australia, đối tác thương mại lớn nhất của chúng tôi không phải là đối tác an ninh lớn nhất”, Thủ tướng Turnbull thừa nhận khi Sách Trắng về ngoại giao được công bố.