Australia, châu Âu quan ngại về hành động đơn phương gây bất ổn ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Ngày 26-11, Văn phòng Thủ tướng Australia Scott Morrison đã ra thông cáo báo chí về cuộc họp trực tuyến với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen diễn ra cùng ngày, trong đó đề cập đến vấn đề Biển Đông.

Tàu của hải quân Australia và hải quân Mỹ trong một cuộc tập trận trên Biển Đông

Tàu của hải quân Australia và hải quân Mỹ trong một cuộc tập trận trên Biển Đông

Một trong những vấn đề quan trọng được các nhà lãnh đạo Australia và châu Âu đề cập tới là những quan ngại về tình hình phức tạp ở Biển Đông. “Các nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy lợi ích chung về an ninh và thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hành động đơn phương gây bất ổn ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc vể Luật Biển (UNCLOS) - thông cáo nêu rõ.

Tình hình ở Biển Đông được tờ Asia Times gọi là “tồi tệ và nguy hiểm” trong thời gian qua. Trung Quốc tuyên bố quyền sở hữu phi lý gần như toàn bộ Biển Đông. Mặc dù Bắc Kinh là một bên ký kết UNCLOS, nhưng lại ngang ngược tuyên bố các phán quyết chống lại lợi ích của mình ở Biển Đông là không liên quan hay không hợp lệ. Tòa Trọng tài quốc tế hồi năm 2016 cũng đã ra phán quyết bác bỏ “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo đó, Tuyên bố chủ quyền “đường chín đoạn” - cái mà Trung Quốc gọi là “quyền lịch sử” là trái ngược với UNCLOS, Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để tuyên bố quyền lịch sử đối với những tài nguyên biển trong đường chín đoạn. Tuy nhiên, thời gian qua, các bức ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh không ngừng tiếp tục xây dựng các căn cứ không quân và hải quân một cách phi pháp, làm gia tăng bất ổn ở vùng biển này.

Hồi tháng 7 vừa qua, Australia cũng đã tuyên bố yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông là bất hợp pháp. Trong công hàm đệ trình lên Liên hợp quốc, Chính phủ Australia đã chính thức bác bỏ các yêu sách hàng hải phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Phản ứng, Trung Quốc đã cáo buộc Canberra đã “liều lĩnh đưa ra các hành động khiêu khích” đồng thời Bắc Kinh đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nhiều sản phẩm của Australia bao gồm thịt bò và rượu vang.

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, ngày 26-11, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin thúc giục ASEAN nên hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vốn rất được chờ đợi, nhằm thiết lập quy tắc để xác định trách nhiệm hoặc hành vi phù hợp của các nước liên quan tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Trên tài khoản Twitter chính thức, Ngoại trưởng Locsin cho biết: “Sẽ hữu ích nếu ASEAN thiết lập một cách nghiêm túc COC, trong đó không loại bỏ các cường quốc ngoài khu vực, mà chỉ ra cách thức tránh và giải quyết các những vụ đụng độ và xung đột”.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, ông Lorenzana cũng khẳng định, căng thẳng ở Biển Đông có thể được kiềm chế, nếu các nước ASEAN có lập trường thống nhất về vấn đề này. Theo ông Lorenzana, ASEAN sẽ có tầm ảnh hưởng đáng kể đến các vấn đề và sự kiện ở Biển Đông chỉ khi hiệp hội hành động như một thể thống nhất. Bên cạnh đó, ông Lorenzana lưu ý rằng: “Biển Đông rất quan trọng với nhiều quốc gia. Căng thẳng ở Biển Đông sẽ tiếp tục leo thang khi Trung Quốc tiếp tục cáo buộc Mỹ và các quốc gia khác có hành động khiêu khích và gây bất ổn... trong khi phương Tây đang cố gắng để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc”.

Nhật Bản chỉ trích tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo Senkaku

Ngày 27-11, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã chỉ trích tuyên bố công khai gần đây của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Senkaku do Tokyo quản lý mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Tại một Ủy ban quốc hội, sau khi nhiều nghị sỹ đảng cầm quyền chỉ trích ông Motegi không có hành động gì khi ông Vương Nghị đưa ra tuyên bố về lãnh thổ tại cuộc họp báo chung hôm 24-11 trong chuyến thăm tới Tokyo, ông Motegi khẳng định: “Quần đảo Senkaku chắc chắn là lãnh thổ của đất nước chúng ta về mặt lịch sử và theo luật pháp quốc tế”. Ông Motegi cho biết, trong cuộc hội đàm với ông Vương Nghị, ông đã kiên quyết kêu gọi Trung Quốc không thực hiện các hành động như đưa tàu vào lãnh hải Nhật Bản hoặc để các tàu đó tiếp cận các tàu Nhật Bản trong khu vực.