ATM không còn là “két sắt” của người dùng thẻ ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Người dùng thẻ ngân hàng đã biết chi và tiêu qua app ứng dụng, thậm chí tiêu trước trả sau, máy ATM không còn là “két sắt” để chủ thẻ rút tiền.

Tăng trưởng mạnh mẽ

Theo báo cáo của Chi hội Thẻ (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), thị trường thẻ giai đoạn 2018-2021 có sự tăng trưởng tích cực, trên cả 4 mặt hoạt động là: phát hành thẻ, sử dụng thẻ, thanh toán thẻ và phát triển mạng lưới.

Tổng số lượng thẻ phát hành, đang lưu thông đến 30/6/2021 đạt 110 triệu thẻ các loại, tăng 28% so với cuối năm 2018; trong đó thẻ nội địa đạt 90,4 triệu thẻ chiếm tỷ trọng 82%. Bốn ngân hàng dẫn đầu về số lượng thẻ đang lưu hành là: Vietinbank với 16,9 triệu thẻ (chiếm 15%); BIDV với 15,3 triệu thẻ (chiếm 14%); Vietcombank với 15,1 triệu thẻ (chiếm 14%); MB với 7,6 triệu thẻ (chiếm 7%).

Riêng về thẻ ghi nợ nội địa, đến nay sau gần 4 năm đã tăng thêm 18%, đạt số lượng thẻ lưu hành là 85,7 triệu thẻ. Đối với thẻ trả trước nội địa, đến 30/6/2021 có 11/41 ngân hàng phát hành, với tổng số thẻ đang lưu hành đạt hơn 4,3 triệu thẻ, tăng 69% so với năm 2018. Thẻ tín dụng nội địa có 9/41 ngân hàng phát hành với 248.011 thẻ, tăng 19% so với năm 2019.

Về doanh số sử dụng thẻ đã tăng 24%/năm. Trong đó, doanh số sử dụng thẻ ghi nợ nội địa tăng trung bình 8%/năm; tính đến 30/6/2021 đạt 1.184.683 tỷ đồng.

Trong khi tỷ trọng doanh số chi tiêu qua thẻ tăng từ 15% (năm 2018) lên 22% (năm 2021) thì, tỷ trọng doanh số rút tiền mặt qua thẻ đã giảm dần từ 85% năm 2018 xuống 82% năm 2020 và 78% tại thời điểm 30/6/2021.

Đối với hoạt động thanh toán thẻ (cả sử dụng thẻ và rút tiền mặt), ghi nhận tốc độ tăng bình quân 5%/năm.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh số thanh toán thẻ vẫn đạt 1.781.251 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ 2020 (trong đó, doanh số thanh toán chiếm 34% và doanh số rút tiền mặt chiếm 64%).

Tỷ lệ thanh toán thẻ ngày càng tăng, trong khi tỷ lệ rút tiền tại ATM giảm dần

Tỷ lệ thanh toán thẻ ngày càng tăng, trong khi tỷ lệ rút tiền tại ATM giảm dần

Về phát triển mạng lưới, trong giai đoạn 2018 đến hết tháng 6/2021, số lượng máy ATM của các tổ chức thành viên chỉ tăng 5%, từ 18.434 máy lên 19.398 máy.

Trong khi đó, mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ lại tăng mạnh với tổng số máy POS 188.395. Số lượng mPOS (máy quẹt thẻ) tăng gấp 4 lần trong giai đoạn từ 2018 đến nay, từ đến 27.565 máy lên 117.298 máy. Số lượng đơn vị chấp nhận thẻ QR cũng tăng gấp 2 lần, từ 57.969 đơn vị lên 115.739 đơn vị...

Tương tự, doanh số sử dụng thẻ ghi nợ quốc tế cũng tăng 27%/năm giai đoạn 2018-2020; tính đến 30/6/2021, đạt 245.662 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ; doanh số sử dụng thẻ tín dụng quốc tế cũng tăng 32% so cùng kỳ.

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, doanh số thanh toán thẻ quốc tế tăng mạnh tới 55% so với cùng kỳ, đạt 474.969 tỷ đồng (trong khi tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2018-2021 chỉ đạt 19%/năm).

Ngân hàng muốn chỉnh sửa lộ trình chuyển thẻ từ sang thẻ chip

Theo các ngân hàng, dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng công nghệ vào trong các giao dịch thương mại, thanh toán. Trong đó, những số liệu nêu trên phần nào cho thấy chuyển dịch xu hướng sử dụng thẻ ngân hàng, máy ATM không còn là “két sắt” để chủ thẻ rút tiền.

Người dùng thẻ ngân hàng đã biết chi và tiêu qua app ứng dụng, thậm chí tiêu trước trả sau nhờ phát huy tối đa công năng dịch vụ tiện ích do tổ chức phát hành liên kết với các trung gian thanh toán mang lại.

Tuy nhiên, theo ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Chi hội Thẻ, hoạt động thẻ ngân hàng trong thời gian qua còn gặp một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cần được các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ. Trong đó, lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chíp cần có thời gian phù hợp nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 mới bước đầu thuyên giảm.

Việc sử dụng chữ ký điện tử trong phát hành thẻ online; cơ chế bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt trong kinh doanh đối một số loại hình kinh doanh; cơ chế trích lập quỹ dự phòng rủi ro trong hoạt động thẻ; cơ chế miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần doanh số thanh toán bằng thẻ… vẫn còn những bất cập, cần bổ sung, sửa đổi.

Đến nay vẫn chưa có hướng dẫn việc doanh nghiệp có thể sử dụng các biên lai thanh toán hàng hóa dịch vụ in từ thiết bị thanh toán thẻ (ATM/POS) và/hoặc các bảng kê giao dịch bằng thẻ ngân hàng để làm chứng từ chứng minh việc sử dụng vốn.

Tình trạng đơn vị chấp nhận thẻ không tuân thủ quy trình đã được hướng dẫn, thực hiện giao dịch giả mạo, thanh toán khống mà không có giao dịch mua bán sản phẩm/dịch vụ nhằm rút tiền từ thẻ tín dụng hoặc rửa tiền; cung cấp thông tin về thẻ cho bên thứ ba để thực hiện hành vi giả mạo, rủi ro trong việc thông tin của chủ thẻ bị đánh cắp, thẻ giả sử dụng bất hợp pháp, đang diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp mà các ngân hàng đang khó kiểm soát và chưa có chế tài xử lý, gây tổn hại khôn lường về tài chính cũng như uy tín cho ngân hàng, chủ thẻ…