ATK: Vui sao một sáng tháng Năm!

ANTĐ - Trở về quê hương Việt Bắc của những ngày đầu kháng chiến, trong lòng chúng tôi thấy thật rộn ràng...

Thật bất ngờ khi về thăm Khu di tích lịch sử ATK ở Định Hoá, Thái Nguyên, chúng tôi mới hay ở đây, ban quản lý đang chuẩn bị lễ kỷ niệm 65 năm, Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về ATK Định Hoá lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (20/5/1947- 20/5/2012) và kỷ niệm 122 năm, Ngày sinh của Người (19/5/1890-19/5/2012). Không khí thật rộn ràng. Nhiều đoàn người đến, hồ hởi như đón trước một ngày hội. Nhất là các em nhỏ, tay cầm cờ, hò reo và chạy nhanh lên khu di tích ATK ở trên cao…

Cho dù Nhà trưng bày Bảo tàng ATK Định Hoá đã được khánh thành cách đây 5 năm, to lớn bề thế trên Đào De, nhưng trong lòng chúng tôi lại về đây với một tình cảm đặc biệt - Trở về quê hương Việt Bắc của những ngày đầu kháng chiến, cùng với những câu thơ thân thương của cố nhà thơ Tố Hữu viết về Bác Hồ:

“Vui sao một sáng tháng Năm

Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ

Suối dài xanh mướt nương ngô

    Bốn phương lồng lộng Thủ đô gió ngàn…”

ATK: Vui sao một sáng tháng Năm! ảnh 1
Bác làm việc ở Việt Bắc (Ảnh tư liệu)

Đúng là chúng tôi đang về với Thủ đô gió ngàn như ngày nào, cách đây hơn nửa thế kỷ, ai ai cũng ngưỡng mộ. Mặt trời vừa nhô lên đỉnh núi Hồng, vạn vật nơi đây bừng sáng. Chim muông ríu rít reo ca. Những luống hoa còn rớt lại ánh xuân thắm đỏ, qua những bông râm bụt, trên hàng cây mà Bác trồng ngày nào bên lán Tỉn Keo. Giờ đây chúng vẫn xanh tốt đâm chồi nảy lộc. Màu sắc ấy lại gợi nhớ cho chúng ta rằng, tại nơi đây, ngày 6-12-1953, Bác đã cùng các nhà lãnh đạo có một quyết định lịch sử mở mặt trận Điện Biên. Lán Tỉn Keo ghi dấu ấn như thế đó. Về đến đây biết bao hình ảnh thân thương của Bác lại hiện lên trong từng mảnh đất, bờ suối, cánh rừng, mái lá.

Khi đẫn chúng tôi đến di tích đồi Khau Tý, nơi ở đầu tiên của Bác khi mới lên Định Hoá, cô gái hướng dẫn viên nói rất chi tiết Bác, ngày ấy làm việc từ ngày 20-5 đến ngày 10-11-1947. Tại nơi đây, Bác đã lãnh đạo quân đội ta đánh tan âm mưu của giặc muốn đánh úp bộ Tổng chỉ huy của ta. Đó là chiến thắng Việt Bắc, tạo nên niềm tin thắng lợi cho một cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc.

Và, tại cái lán trên đồi Khau Tý này, Bác Hồ đã sáng tác nhiều thơ ca, trong đó có bài “Cảnh khuya”. Rồi chúng tôi bất ngờ nghe giọng trong vắt của cô gái, khi đọc lên những câu thơ, tưởng như rất quen thuộc; nhưng lại vang lên đúng nơi đây, tại di tích lịch sử này, nơi mà chúng tôi không thể tưởng tượng nổi khi còn trên ghế nhà trường. Bài thơ nghe thật thiêng liêng, với vẻ đẹp của một thi nhân đang đau đáu nỗi lo cho đất nước:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”

ATK: Vui sao một sáng tháng Năm! ảnh 2
Bữa cơm thân mật của Bác tại chiến khu Việt Bắc (Ảnh tư liệu)

Ai cũng rõ sau này bài thơ còn được nhà thơ Nguyễn Trung Thu cảm tác đưa vào bài thơ “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” và được  nhạc sĩ Trần chung phổ nhạc. Bài hát này là một minh chứng cho sức mạnh tinh thần của Bác theo suốt năm tháng cùng vận mệnh của đất nước cho đến ngày giải phóng hoàn toàn. Những ký ức đầy lãng mạn cách mạng, trên đồi Khau Tý làm rung động tâm hồn chúng tôi, khi nhớ lại những ngày đầu tiên của Bác lên Định Hoá.

Rồi cũng tại nơi đây, vào ngày xuân năm 1947, Bác còn viết bài thơ “Cảnh rừng Việt Bắc” rất đáng yêu. Đây là bài thơ xuân đầu tiên, trong cuộc kháng chiến trường kỳ này, có những câu ta không thể quên:

“Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay

Chim kêu vượn hót suốt cả ngày

Khách đến thì mời ngô nếp nướng

Săn về thường chén thịt rừng quay.

Non xanh nước biếc tha hồ dạo

Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say

Kháng chiến thành công ta trở lại

Trăng xưa, hạc cũ với xuân này”

Và dường như trong sự tưởng tượng bất ngờ của chúng tôi, những cánh chim bồ câu của bác nuôi ngày nào vẫn đang bay lượn đâu đây, với đôi mắt hiền hậu, trên mỏ chúng còn cặp những lá thư hoà bình gửi cho toàn thế giới rằng, dân tộc ta luôn luôn muốn sống hoà bình và hạnh phúc.

Thế rồi, chúng tôi mang cảm xúc này trên con đường dẫn về lán Khuôn Tát, nơi Bác làm việc 3 lần, mối lần từ một tuần đến ba tháng. Việc phải thay đổi nơi làm việc là một nguyên tắc lúc đó đề ra để giữ bí mật mỗi khi có những quyết định quan trọng và chiến dịch xảy ra. Chính vì thế mà những người dân ở đây đều gọi Bác là Già Ké.

Di tích lán Khuôn Tát

Đến lán Khuôn Tát, chúng tôi phải đi qua một bãi cỏ rộng và cây đa cổ, cỡ khoảng trăm năm tuổi. Trên bãi cỏ này, trước kia là nơi Bác đã cùng các chiến sĩ và cán bộ tập thể thao, chơi bóng chuyền, hay ngồi nghỉ dưới cây đa. Trước kia người ta gọi là cây đa Khuôn Tát, sau này còn đặt tên là “Cây đa Bác Hồ”, để ghi dấu một di tích minh chứng cho hình ảnh của Bác vẫn còn hiển hiện với bà con thôn bản nơi đây, tại xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình hẻo lánh này.

Đáng chú ý trước khi lên lán mọi người đều phải lội qua một con suối cắt ngang. Đó cũng gọi là suối Khuôn Tát, cùng với những bãi đá rất đẹp. Đồng thời cũng là nơi Bác hay tắm giặt, hoặc thường ngồi câu cá mỗi khi nghỉ ngơi hoặc cần phải suy nghĩ điều gì đó trong công việc. Cách đấy không xa còn có thác Khuôn Tát, một thắng cảnh đẹp, với 7 tầng chảy ào ạt quanh năm.

Thế mới hay ông Già Ké có con mắt thật tinh tế, khi chọn những địa điểm làm việc, ngoài những nguyên tắc của mình nhưng vẫn gắn liền với non nước hữu tình đúng như ông đã đề ra: Trên có núi, dưới có sông - Có đất ta trồng có bãi ta vui. Hay kèm theo đó còn phải đạt yêu cầu: Tiện đường sang Bộ Tổng - Thuận lối tới Trung ương. Nhà thoáng ráo kín mát - Gần dân không gần đường. Lấy dân làm gốc, Bác Hồ đã sống ở Việt Bắc trong suốt chín năm trường kỳ kháng chiến với ý tưởng nhất quán phải dựa vào sức dân. Chính vì vậy, nếu hỏi bất kể ai, những người lớn tuổi đều thuộc một bài thơ vô danh vẽ nên chân dung Người, rất giản dị thân thương với những câu:

Quần sắn cao, chân đi đôi dép

Chiếc áo chàm vá hai miếng ở vai

Trán cao lắm. mắt sáng, dâu hơi dài

Khi nói chuyện hay ví câu hát lượn…”

Hình ảnh dung dị này đã được nhà thơ Tố Hữu cũng đã mô tả trong bài thơ Việt Bắc:

“Nhớ ông cụ mắt sáng ngời

 Áo nâu túi vải, dẹp tươi lạ thường

  Nhớ Người những sáng tinh sương

       Ung dung yên ngựa trên đường suối reo…”

ATK: Vui sao một sáng tháng Năm! ảnh 4
Cây đa Khuôn Tát , nơi bác và các chiến sĩ tập thể dục và đánh bóng chuyền

Đúng là đến những di tích và khu tưởng niệm này, những câu thơ xưa của Bác luôn vang lên, thể hiện một sự lạc quan và tin tưởng ở con đường mà Bác đã vạch ra để đi tới cùng của công cuộc kháng chiến. Ở nơi đây, Bác còn viết cuốn sách “Sửa đổi lề lối làm việc” nổi tiếng, mà tính thời sự của những vấn đề Người đặt ra vẫn còn có giá trị đến ngày nay. Đó chính là đạo đức của người cộng sản, của những người đã đứng vào hàng ngũ của Đảng phải tuân theo. Nhà thơ Tố Hữu đã khẳng định giá trị của Người trong thời kỳ này thật sự vĩ đại:

    “ Ở đâu u ám quân thù

Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi

      Ở đâu đau đớn giống nòi

Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền”

ATK: Vui sao một sáng tháng Năm! ảnh 5
Di tích hai cây xà tập thể thao của Bác Hồ, tại Khau Tý

Đó cũng là cảm xúc của chúng tôi đang đứng nơi đây- Nhà tưởng niệm Bác Hồ, giữa đồi cao thoáng mát. Chúng tôi bước lên 79 bậc tượng trưng cho 79 mùa xuân của Người. Và nữa đi đưới tán của 79 cây vận tuế, cùng với hàng hoa râm bụt quanh Hòn non bộ Tam Sơn cầu mong sự anh linh của Bác luôn trở về với con cháu, về với đất nước, về với miền Nam thân thương mà Bác vẫn hằng mong ngày đêm khi còn sinh thời. Đôi mắt của Bác trên bức tượng đồng như nhắn nhủ với chúng tôi nhiều điều trong mỗi bước chân. Trên đỉnh Đèo De này, mọi ký ức của chín năm trường kỳ kháng chiến lại hiện về trong tâm trí của mỗi chúng tôi.

Hình ảnh bác thật hiền hậu thân thương. Ông Già Ké năm xưa hằng ngày chắc vẫn sẽ về đây với bà con thôn bản. Họ vẫn nhớ đến người trong những buổi chiều cuốc đất, trồng rau trong vườn và còn nhớ đến hình ảnh Người chân đất, dép lốp lội suối leo đèo trên đường ra trận địa. Và họ biết rằng chính tại quê hương mình có một vị cha già dân tộc đã đem lại chiến thắng Điện Biên lừng lẫy. Một chiến công thế kỷ mở đầu cho công cuộc giải phóng đất nước đến ngày toàn thắng.

Khu di tích lịch sử - Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở ATK Định Hoá - Thái Nguyên

Gặp cảnh nhớ Người, chúng tôi đi thật chậm như không muốn rời xa nơi này. Đôi mắt Bác ấm áp như còn dõi theo. Những sợi dây thần tiên giăng lên từ đỉnh núi Hồng. Đó là ánh nắng chan hoà rực rỡ, báo hiệu một ngày vui đã đến. Chúng tôi vui vì đã được gặp lại Người với bao ký ức diệu kỳ. Và, những ký ức lịch sử thiêng liêng này sẽ theo chúng tôi suốt đời không thể nào quên.