- Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị những người đứng đầu Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự các nước ASEAN lần thứ 27
- Việt Nam đóng góp tích cực vào sự phát triển và thành công của ASEAN
Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vì một ASEAN gắn kết và tự cường |
Nền tảng vững bền xây đắp Cộng đồng ASEAN
Thay mặt Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, chủ trì và phát biểu tại Lễ Thượng cờ ASEAN nhân dịp kỷ niệm 57 năm ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN, ngày 8-8-1967/8-8-2024) diễn ra ngày 8-8 tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định vai trò và vị thế ngày càng lớn mạnh của ASEAN. Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh tình hình thế giới đầy biến động, bất ổn khó lường với những xung đột và chia rẽ, ASEAN tiếp tục là điển hình về thành công trong liên kết và hợp tác khu vực.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ, những thành quả quan trọng nhất của ASEAN qua hành trình 57 năm vừa qua chính là môi trường chính trị hòa bình, ổn định và hợp tác được duy trì và củng cố; liên kết kinh tế khu vực chặt chẽ, tăng trường bền vững, bao trùm và thích ứng kịp thời trước các xu thế mới; xã hội hài hòa, sẻ chia nơi người dân luôn được đặt ở vị trí trung tâm và tinh thần Cộng đồng ASEAN luôn được đề cao.
Có thể thấy, kể từ khi thành lập đến nay, dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng ASEAN luôn đoàn kết để có được thành công ngày hôm nay. Sự ra đời của ASEAN cách đây tròn 57 năm đã phản ánh nguyện vọng chung của nhiều quốc gia trong khu vực về hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác cùng phát triển. Dù còn có sự khác biệt về tôn giáo, về trình độ phát triển, về cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin... song các nước đã luôn hỗ trợ, giúp đỡ và cùng nhau phát triển về mọi mặt.
ASEAN suốt 57 năm qua đã chứng minh được vai trò quan trọng trong việc đưa Đông Nam Á thành một khu vực hòa bình, thịnh vượng và ổn định; từ một khu vực kinh tế lạc hậu trở thành một đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập toàn cầu. Từ 5 quốc gia ban đầu với dân số khoảng 260 triệu người khi mới thành lập, ASEAN hiện là ngôi nhà chung của 10 quốc gia Đông Nam Á với hơn 650 triệu người dân và là một thị trường nhiều tiềm năng. Trong bức tranh kinh tế thế giới còn nhiều gam màu xám, ASEAN tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng. Với GDP 3.800 tỷ USD năm 2023, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và dự báo vươn lên thứ 4 vào năm 2030 với đà tăng trưởng như hiện nay.
Thành công quan trọng nhất của ASEAN trong tiến trình 57 năm qua là đảm bảo duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á, các quốc gia thành viên xây dựng được mối quan hệ hợp tác ngày càng tốt đẹp. Những khác biệt giữa các thành viên, những bất đồng hay tranh chấp nhất định đều được ngăn chặn và hóa giải trên cơ sở lợi ích chung. Đây là nền tảng vững bền để xây đắp Cộng đồng ASEAN ngày càng vững mạnh.
Nền tảng cho những thành công trong gần 6 thập kỷ qua chính là những cơ chế hợp tác nội khối của ASEAN được triển khai thông qua các hiệp ước, diễn đàn, hội nghị, dự án, chương trình phát triển, việc xây dựng Khu vực tự do thương mại ASEAN và các hoạt động văn hóa-thể thao khu vực. Cùng với đó, là “kiến trúc sư” của cấu trúc khu vực, ASEAN đã khẳng định vai trò trung tâm, đặc biệt trong phát huy các chuẩn mực ứng xử như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)... cũng như nâng cao hiệu quả và sức hấp dẫn của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).
Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột về Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội nay đã bước vào năm thứ 9 hình thành và phát triển, kể từ cột mốc 31-12-2015 và đang trên hành trình hiện thực hóa Tầm nhìn đến 2025, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Hiện ASEAN đang nỗ lực hoàn tất Kế hoạch tổng thể 2025 trên cả ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN và xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 nhằm chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo trong bối cảnh thế giới và khu vực đang biến chuyển nhanh chóng.
Vì một ASEAN gắn kết và tự cường
Năm 1995, Việt Nam chính thức bắt đầu tiến trình hợp tác và hội nhập ASEAN. Khởi đầu muộn, xuất phát điểm lại không cao, chúng ta phải nỗ lực không ngừng để bắt kịp nhịp độ và tham gia đầy đủ tất cả các lĩnh vực hợp tác ASEAN, và cao hơn là tích cực và chủ động đóng góp vào tiến trình đó. Nỗ lực 29 năm qua đã mang lại cho chúng ta những thành quả đáng tự hào, từ hoàn thành tốt trách nhiệm thành viên trong những ngày đầu, đến tự tin tham gia, đóng góp định hình các chiến lược của ASEAN, và hiện nay đảm trách và dẫn dắt nhiều tiến trình quan trọng, ghi đậm dấu ấn đóng góp trong sự phát triển của Hiệp hội.
Với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam luôn sát cánh cùng các nước thành viên đóng góp thiết thực vào nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, duy trì sự đoàn kết, thống nhất và phát huy vai trò trung tâm của Hiệp hội, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực. Chính sách, đường hướng tham gia hợp tác ASEAN đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam thời kỳ mới, một trọng tâm chiến lược của ngoại giao đa phương của Việt Nam, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Việt Nam luôn coi ASEAN là ngôi nhà chung, đặt ưu tiên cao quan hệ với các nước thành viên, gắn bó hài hòa lợi ích quốc gia của Việt Nam với lợi ích của cả khu vực”.
Phát huy vai trò là hạt nhân thúc đẩy đoàn kết, thống nhất, ngay sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy kết nạp các nước Lào, Myanmar (năm 1997) và Campuchia (năm 1999) vào Hiệp hội. Nỗ lực này đã góp phần hiện thực hóa ý tưởng về một ASEAN bao gồm toàn bộ 10 nước Đông Nam Á, tạo ra sự chuyển biến mới về chất đối với ASEAN và tình hình khu vực vào thời điểm đó.
Những đóng góp nổi bật của Việt Nam có thể kể đến là 3 lần đảm trách vai trò Chủ tịch ASEAN (năm 1998, 2010 và 2020). Trong đó, tháng 12-1998, chỉ ba năm sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6, thông qua Chương trình Hành động Hà Nội, góp phần quan trọng tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác, định hướng cho sự phát triển và hợp tác của Hiệp hội nhằm thực hiện Tầm nhìn ASEAN năm 2020.
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2010, với mục tiêu đẩy mạnh hiện thực hoá Tầm nhìn của ASEAN thành hành động, nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam đã ghi dấu những quyết định quan trọng như thông qua Kế hoạch Tổng thể đầu tiên về Kết nối ASEAN (MPAC 2015); mở rộng cơ chế Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) để Nga và Mỹ tham gia cũng như hình thành khuôn khổ hợp tác quốc phòng giữa ASEAN với các Đối tác thông qua cơ chế ADMM+…
Cùng với việc hoàn thành tích cực vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN, Việt Nam còn tham gia đóng góp quan trọng vào các quyết sách nhằm định hướng phát triển của ASEAN như thúc đẩy hoàn tất ý tưởng ASEAN-10, thông qua Chương trình Hành động Hà Nội 1998, Tầm nhìn ASEAN 2020 (1997), Tuyên bố Hoà hợp ASEAN (2003) về xây dựng Cộng đồng ASEAN, Hiến chương ASEAN (2007), Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 (2015), và trong giai đoạn hiện nay là xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến 2045.
Có thể khẳng định, trong suốt hành trình 29 năm qua kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập, tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN và có những đóng góp tích cực trong việc duy trì đoàn kết nội khối, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, góp phần không nhỏ vào sự phát triển và thành công của ASEAN. Với chủ trương “hợp tác, liên kết ASEAN là ưu tiên hàng đầu và là sự lựa chọn chiến lược”, Việt Nam sẽ luôn nỗ lực đóng góp vì một ASEAN gắn kết và tự cường.