ASEAN "mở cửa bầu trời": Cạnh tranh gay gắt

ANTĐ - Cộng đồng kinh tế chung ASEAN đã chính thức được ký kết và sẽ đi vào hoạt động trong 1 tháng tới. Khi đó, các nước trong Cộng đồng ASEAN sẽ hướng tới một thị trường hàng không chung hay còn gọi là “Bầu trời mở ASEAN”. Việc mở cửa bầu trời (Open sky) là khó tránh khỏi, trong khi khu vực ASEAN hiện đang có các đối thủ như Thai Airways, Singapore Airlines, AirAsia…

ASEAN "mở cửa bầu trời": Cạnh tranh gay gắt ảnh 1“Bầu trời mở ASEAN” mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức

Không hạn chế, rào cản bay trong ASEAN

Việc mở cửa bầu trời theo Hiệp định Tự do hóa vận tải hành khách giữa các nước ASEAN ký ngày 12-11-2010 đã có hiệu lực giữa 10 nước phê chuẩn. Việt Nam phê chuẩn từ cuối năm 2011. Theo đó, nhiều kế hoạch triển khai đã được đề xuất, trong đó có cả việc dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế trong việc kinh doanh vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa 10 nước trong khu vực. Các nước ASEAN thống nhất mở hoàn toàn vận tải hàng hóa hàng không và tiếp tục đàm phán đi tới mức độ mở cửa thị trường vận tải hành khách. 

Theo ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), “Open sky” nghĩa là cho phép hãng hàng không của quốc gia đối tác có quyền lên kế hoạch (không giới hạn) vận chuyển hành khách đường hàng không đến/đi từ Việt Nam. Cụ thể như, khi Việt Nam ký kết “Open sky” với Hoa Kỳ, các hãng hàng không của quốc gia này có quyền đăng ký không giới hạn các chuyến bay đến Việt Nam, vận chuyển hành khách từ Việt Nam đi các nước. Tương tự, với “Bầu trời mở ASEAN”, tất cả 10 nước tham gia Hiệp định sẽ được vận chuyển khách trên những chặng bay nội địa của Việt Nam.

Hoặc ngược lại, hãng hàng không Vietnam Airlines được phép chở khách từ Singapore đi Thái Lan… Tuy nhiên, về lộ trình xóa bỏ hoàn toàn các hạn chế trong vận tải hàng không nội địa, đại diện Cục Hàng không cho rằng, quan điểm của Việt Nam là chưa thể mở hoàn toàn thị trường nội địa giữa các nước ASEAN, bởi còn vướng rất nhiều rào cản và quyền lợi của mỗi nước.

Áp lực không nhỏ

Trước sự kiện này, đại diện các hãng hàng không trong nước đều nhìn nhận, việc mở cửa bầu trời ASEAN là một bước ngoặt đối với ngành hàng không. Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines đã chuẩn bị cho sự kiện này bằng việc nâng cấp tổng thể chất lượng dịch vụ mặt đất và trên không theo tiêu chuẩn quốc tế từ mức 3 sao lên 4 sao. Đầu tư đội máy bay hiện đại với 33 chiếc, gồm 19 chiếc Boeing 787 Dreamliner và 14 chiếc Airbus A350-900XWB (gồm cả mua và thuê), được chuyển giao dần trong 3 năm, từ giữa năm 2015 đến đầu 2019. Đại diện Vietnam Airlines nhìn nhận, hãng sẵn sàng chào đón một bầu trời ASEAN tự do.

Tuy nhiên phải có kế hoạch, lộ trình rõ ràng hướng tới mục tiêu trên vì mỗi quốc gia ASEAN đang có mức độ phát triển khác nhau, do đó các hãng hàng không quốc gia cũng chưa phát triển đồng đều. Tương tự, hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air cũng cho biết, đã có những bước chuẩn bị về nhân sự, bổ sung đội tàu bay và tăng cường năng lực quản trị vận hành bên cạnh khả năng tài chính. Bên cạnh hợp đồng thuê mua 100 tàu bay với Airbus, Vietjet Air ký tiếp hợp đồng bổ sung đặt mua thêm 6 tàu A321, nâng tổng số tàu đặt mua lên 107 chiếc và triển khai hàng loạt hoạt động hợp tác, ký kết với các nhà sản xuất và cung ứng vật tư, dịch vụ kỹ thuật hàng đầu thế giới.

Cục trưởng Cục Hàng không cho rằng, cùng với cơ hội, các hãng sẽ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. “Chúng ta phải đặt ra lộ trình vì thực tế các hãng hàng không Việt Nam năng lực cạnh tranh không cao so với khu vực. Nhưng cũng không thể vì năng lực chưa cao mà chúng ta không hội nhập. Cục Hàng không sẽ đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng để doanh nghiệp có động lực “vươn ra biển lớn”, ông Lại Xuân Thanh cho hay. Ngoài cạnh tranh gay gắt thì áp lực lên hạ tầng sân bay cũng đang là thách thức lớn.

Hàng không giá rẻ tự tin 

“Vietjet Air đang từng bước mở rộng vững chắc ra thị trường quốc tế. Ngay từ những ngày đầu thành lập, bên cạnh việc tập trung cho thị trường trong nước, chúng tôi đã chuẩn bị lộ trình cho thị trường quốc tế. Sau 1 năm đi vào hoạt động, Vietjet Air đã chính thức thâm nhập thị trường quốc tế với việc khai trương đường bay TP.HCM đi Bangkok (Thái Lan). Từ đó đến nay, Vietjet Air đã mở 10 đường bay quốc tế đến Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Nhật Bản và Trung Quốc.

Cùng với việc mở rộng mạng lưới đường bay, chất lượng dịch vụ trên các chuyến bay của Vietjet Air cũng đang được cải thiện. Điều này cho thấy những bước đi của Vietjet Air thời gian qua là đúng hướng, khẳng định được năng lực cạnh tranh của hãng trong thị trường hàng không khu vực. Với những hợp đồng hợp tác cùng các đối tác lớn trên thế giới thời gian qua và việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, chúng tôi tin rằng, Vietjet Air đủ khả năng cạnh tranh với các hãng hàng không quốc tế và khu vực khi tham gia vào sân chơi  “Bầu trời mở ASEAN”, đại diện Vietjet Air chia sẻ.