- Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 42: Việt Nam cùng xây dựng bản sắc, giá trị, sức sống và uy tín của ASEAN
- Xây dựng ASEAN đoàn kết, thống nhất, vững mạnh và tự cường
Sự đóng góp chủ động, tích cực của Việt Nam
Diễn đàn Tương lai ASEAN là sáng kiến do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công bố tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 tại Jakarta, Indonesia, tháng 9-2023. Đây là sáng kiến đa phương kênh 1.5 quy mô lớn đầu tiên của Việt Nam nhằm tạo diễn đàn cho các nhà lãnh đạo, chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và các đối tác khác cùng trao đổi, thảo luận, đề xuất các ý tưởng, sáng kiến mới góp phần định hình tương lai phát triển của ASEAN và thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các đối tác.
![]() |
ASEAN nỗ lực tăng cường trao đổi thương mại nội khối |
Năm ngoái, Diễn đàn với chủ đề “Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm” đã được tổ chức thành công tại Việt Nam. Năm nay, Diễn đàn được tổ chức vào thời điểm đặc biệt: Kỷ niệm 80 năm thành lập nước Việt Nam hiện đại, 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, kỷ niệm 10 năm hình thành Cộng đồng ASEAN và cũng là năm ASEAN sẽ thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045. Diễn đàn một lần nữa thể hiện sự đóng góp chủ động, tích cực cũng như mong muốn phát huy vai trò dẫn dắt, nòng cốt của Việt Nam trong hợp tác khu vực và toàn cầu.
Với chủ đề “Xây dựng ASEAN đoàn kết, bao trùm và tự cường trong một thế giới biến động”, Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 sẽ có 5 phiên toàn thể chính thức cùng nhiều hoạt động trước Diễn đàn và các hoạt động bên lề quan trọng. Buổi sáng ngày đầu tiên (25-2), tại Học viện Ngoại giao sẽ diễn ra các hoạt động khởi động Diễn đàn, bao gồm Triển lãm ảnh “Hành trình 30 năm Việt Nam tham gia ASEAN” và các tọa đàm chuyên đề song song về “Phụ nữ, Hòa bình và An ninh: Chuyển đổi số vì hòa bình bền vững”, “Thúc đẩy nông nghiệp thông minh vì an ninh lương thực khu vực”...
Chiều 25-2, tại Khách sạn Melia Hà Nội, Diễn đàn chính thức bắt đầu với Phiên khai mạc có sự tham dự và phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; tiếp nối là hai phiên toàn thể thảo luận về “Các xu hướng lớn tác động tới ASEAN và thế giới tới năm 2035” và “Củng cố các nguyên tắc nền tảng của ASEAN nhằm ứng phó với các thách thức trong tương lai”. Ngày làm việc đầu tiên kết thúc bằng Tiệc chiêu đãi cấp cao (Gala Dinner).
Ngày thứ hai (26-2) sẽ diễn ra 4 phiên toàn thể bao gồm: Phiên toàn thể cấp cao với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Lãnh đạo cấp cao một số nước ASEAN và đối tác, tiếp theo là các phiên toàn thể về “Hợp tác tiểu vùng hướng tới thúc đẩy tính tự cường và phát triển bền vững”, “Quản trị các công nghệ mới nổi nhằm đảm bảo an ninh toàn diện” và “Vai trò gắn kết và thúc đẩy hòa bình của ASEAN trong một thế giới phân mảnh”, xen giữa là phiên ăn trưa làm việc chuyên đề “ASEAN đón đầu tương lai: Làm chủ công nghệ mới nổi” và kết thúc là Phiên bế mạc.
Đến nay, Ban tổ chức đã nhận được khẳng định tham dự của nhiều đại biểu là Lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN và đối tác, trong đó có Thủ tướng Malaysia, Tổng thống Timor Leste, Thủ tướng New Zealand, Phó Thủ tướng Lào, Phó Thủ tướng Campuchia…). Nhiều chuyên gia, học giả uy tín của khu vực và quốc tế; đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam và quốc tế cũng tham dự Diễn đàn.
“Vườn ươm ý tưởng” với ASEAN
Theo Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam Marcus Winsley, Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 là “sân chơi” đặc biệt, đồng thời là cơ hội để các nước trong khu vực, bạn bè năm châu chia sẻ ý tưởng và hiểu biết về một thế giới đang biến chuyển nhanh chóng. Đây sẽ là một “vườn ươm ý tưởng”, nơi các quốc gia ngồi lại và thảo luận nhiều chủ đề quan trọng như sự phát triển, tính bền vững và ứng dụng công nghệ trong sản xuất lương thực, quản lý.
Diễn đàn còn là không gian kết nối quan trọng, không chỉ dành cho các quốc gia Đông Nam Á mà còn mở rộng ra toàn cầu, tạo điều kiện để các bên thảo luận cởi mở và thân thiện. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới đầy biến động, Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 hứa hẹn là “ngọn hải đăng” dẫn đường, kết nối tầm nhìn chung vì một khu vực Đông Nam Á đoàn kết, sáng tạo và bền vững. Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên mà Diễn đàn năm nay đưa ra chủ đề “Xây dựng ASEAN đoàn kết, bao trùm và tự cường trong một thế giới biến động”. “Bao trùm và bền vững” chính là định hướng và trọng tâm của năm 2025 mà Malaysia, nước đóng vai trò Chủ tịch ASEAN 2025, đã lựa chọn. Nó khẳng định quyết tâm chung của các nước ASEAN trong phát triển bền vững, không bỏ ai lại phía sau, phát huy vai trò trung tâm, đóng góp vào củng cố hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực thông qua các khuôn khổ hợp tác do ASEAN chủ trì.
Sau gần 60 năm tồn tại và phát triển, ASEAN hiện là khối kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Khu vực tiếp tục là điểm sáng về kinh tế với tăng trưởng năm 2024 là 4,6% và năm 2025 dự báo là 4,8%, vượt xa mức trung bình của thế giới. Tuy nhiên, chênh lệch trình độ phát triển còn đáng kể, mức độ hợp tác, liên kết nội khối còn chưa thật sự bền chặt. Thực tế đó đòi hỏi ASEAN càng cần phải có tầm nhìn chiến lược, toàn diện, nâng cao sự chủ động và khả năng thích ứng để nắm bắt cơ hội, hóa giải thách thức, phát triển ổn định, bền vững.
Theo hướng đó, trong năm 2025, các ưu tiên chính của ASEAN bao gồm chung tay xử lý các thách thức, thúc đẩy thịnh vượng chung, không bỏ lại ai phía sau; củng cố, liên kết nội khối, thúc đẩy hội nhập và kết nối các nền kinh tế ASEAN; tăng cường thương mại và đầu tư, mở rộng hợp tác kinh tế với các đối tác vì tăng trưởng bao trùm và bền vững; bảo đảm các nhóm yếu thế trong xã hội được hưởng lợi từ các mục tiêu bao trùm, thụ hưởng các thành quả của quá trình phát triển.
Một yêu cầu khác mà ASEAN tăng cường thúc đẩy trong năm nay là tự cường. Hiện nay, mặc dù vị thế cũng như ảnh hưởng quốc tế của ASEAN tiếp tục gia tăng và vai trò của ASEAN trong các cơ chế hợp tác đa phương ngày càng nổi bật, nhưng tầm ảnh hưởng của ASEAN đối với các nước lớn trong khu vực và toàn cầu vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, tình hình thế giới diễn biến phức tạp tại nhiều nơi, nhiều vấn đề toàn cầu đang nổi lên, như gia tăng cạnh tranh chiến lược nước lớn, sự xuất hiện của nhiều công nghệ mới, tác động đa chiều đến khu vực, quốc gia và cuộc sống của người dân...
Câu trả lời cho tất cả các vấn đề đang đặt ra nằm ở hai chữ “tự cường”, cũng chính là khả năng và năng lực của ASEAN vượt qua mọi biến động của thời cuộc. Tự cường để chủ động ứng phó với các thách thức, tự cường để sẵn sàng đón nhận các cơ hội, và tự cường để luôn bản lĩnh trước mọi khó khăn. Khả năng tự cường và vai trò quan trọng của ASEAN trong thế giới đa cực này sẽ phụ thuộc vào khả năng thích ứng với thực tế mới, đồng thời vẫn trung thành với các nguyên tắc cơ bản về hợp tác, cởi mở, bao trùm, chung sống hòa bình, không can thiệp và tôn trọng luật pháp quốc tế. Với ý nghĩa quan trọng đó, “tự cường” được thể hiện xuyên suốt qua việc triển khai trên thực tế các hoạt động vì mục tiêu của ASEAN, trong đó có Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025.