ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng để vượt qua thách thức "kép"

ANTD.VN - Dù phải đối mặt với những thách thức lớn từ đại dịch Covid-19 cũng như các vấn đề hòa bình và an ninh do tình hình căng thẳng ở Biển Đông, song ASEAN trong năm mà Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên vẫn chứng tỏ giá trị làm nên sự thành công của hiệp hội, đó là luôn gắn kết và thích ứng nhanh để vượt qua thách thức “kép” này.

ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng để vượt qua thách thức "kép" ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Chủ tịch ASEAN chủ trì cuộc họp ASEAN đặc biệt về ứng phó với đại dịch Covid-19 theo hình thức trực tuyến

Đoàn kết vượt qua đại dịch Covid-19

ASEAN trong suốt gần 50 năm kể từ khi thành lập tới nay đã trải qua không ít sóng gió, thử thách, nhưng có lẽ chưa thử thách nào lại lớn như đại dịch Covid-19. Dù không phải là thách thức an ninh truyền thống như chiến tranh, xung đột, nhưng đại dịch Covid-19 cũng đặt ra những vấn đề nguy cấp không kém với tất cả các quốc gia thành viên ASEAN. Cho dù có mức độ ảnh hưởng khác nhau, song Covid-19 đã làm đảo lộn các hoạt động kinh tế -xã hội của các nước ASEAN, trong đó hoạt động giao lưu, qua lại giữa các quốc gia hầu như tê liệt. Và điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động giao lưu, hợp tác theo kế hoạch, thông lệ giữa các nước thành viên ASEAN.

Vượt lên những thách thức chưa từng thấy đó, ASEAN với tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng” đã đoàn kết, năng động và sáng tạo trong các hoạt động hợp tác, trước kết là nhằm ứng phó với đại dịch. Ngay từ những ngày đầu Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, cơ quan y tế các nước ASEAN đã trao đổi, chia sẻ thông tin về dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.

Trước tình hình dịch ngày càng phức tạp và lây lan nhanh, phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN và trên tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng”, Việt Nam đã chủ động, thúc đẩy các nỗ lực chung, đồng bộ của cộng đồng ASEAN trong ứng phó. Sau khi  tham vấn với các nhà lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN ngày 14-2, khẳng định quyết tâm và cam kết chính trị ở mức cao của ASEAN để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh. 

Phối hợp chính sách luôn được coi là một nhiệm vụ quan trọng trong hợp tác kiểm soát dịch Covid-19. Các nước trong ASEAN đã thường xuyên chia sẻ các quyết định về chính sách; xem xét và điều chỉnh chính sách của mình theo hướng phù hợp với các đặc thù khu vực, đòi hỏi của tình hình thực tiễn của từng nước. Việc làm này đã tạo ra nền tảng chính sách hài hòa và tương đối đồng bộ giữa các nước trong phòng chống Covid-19.

Cùng với đó, ASEAN cũng đã kích hoạt các cơ chế thông tin trong khu vực về y tế, về ứng phó với các trường hợp khẩn cấp. Trong đó có Mạng lưới trung tâm hoạt động khẩn cấp ASEAN về các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Việt Nam với cương vị Chủ tịch đương nhiệm của ASEAN ngay từ khi đại dịch bùng phát đã tích cực, chủ động dẫn dắt, điều phối các nỗ lực chung của ASEAN, hợp tác với các đối tác, nhằm kiểm soát, ngăn chặn lây lan và giảm thiểu tác động kinh tế - xã hội của Covid-19.

Nhìn nhận về vai trò của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN trong việc thúc đẩy các nỗ lực chung chống dịch Covid-19, Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi nêu rõ, Việt Nam đã thể hiện “tầm lãnh đạo mạnh mẽ” trong việc dẫn dắt một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch. Đặc biệt, các biện pháp “chống dịch như chống giặc” quyết liệt và hiệu quả cùng kết quả đầy ấn tượng của Việt Nam là những đóng góp thiết thực với ASEAN trong cuộc chiến chống Covid-19.

Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi khẳng định, Việt Nam đã chỉ ra rằng ASEAN có thể vượt qua các thách thức từ đại dịch Covid-19 nếu các nước trong khu vực hợp tác cùng nhau trong tình đoàn kết và sự kiên cường.

Không thách thức nào ngăn cản được sự đoàn kết, hợp tác ASEAN

Trong khi gồng mình ứng phó với đại dịch Covid-19 bùng phát từ Trung Quốc, các thành viên ASEAN cũng phải đối mặt với các mối đe dọa về tự do hàng hải, hàng không cũng như hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông do những hành vi gây hấn, hung hăng đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc gây ra. Bất chấp đại dịch, Trung Quốc từ đầu năm tới nay vẫn không hề giảm bớt, nếu không muốn nói là còn hung hăng hơn từ pháp lý cho tới thực tế, nhằm hiện thực hóa yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông.

Trung Quốc đã toan tính hoàn tất về pháp lý trong yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông bằng việc thành lập những cái gọi là quận Tây Sa (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và quận Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại thành phố Tam Sa. Đồng thời đặt tên Hán hóa với 25 đảo và rạn san hô cùng 55 thực thể ở Biển Đông mà phần lớn chúng nằm trong 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam. Trong khi trên thực địa, Trung Quốc triển khai nhóm tàu Hải Dương 8 xuống phía Nam Biển Đông, đâm chìm tàu cá của Việt Nam…

Khi Trung Quốc càng leo thang trong toan tính áp đặt đòi hỏi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, các thành viên ASEAN bằng hành động thực tế đã bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý đó. Thời gian qua, các quốc gia thành viên như Malaysia, Philippines, Việt Nam và Indonesia đã liên tiếp gửi  công hàm lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres để phản đối một loạt công hàm của Trung Quốc có liên quan tới yêu sách “đường chín đoạn” để theo đó đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.

Ứng phó với những thách thức an ninh ở Biển Đông, các nước ASEAN nhất trí cho rằng, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trong khu vực cần được coi là ưu tiên cao, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi cộng đồng thế giới đang tập trung các nỗ lực chung tay ứng phó với đại dịch Covid-19. ASEAN đã tiếp nối và phát huy tinh thần trách nhiệm, đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. 

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 khai mạc hôm nay (26-6) dưới sự chủ trì của Việt Nam với hình thực trực tuyến là minh chứng khẳng định tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng” của ASEAN, cho thấy không thách thức nào, dù là đại dịch Covid-19 hay căng thẳng ở Biển Đông, cũng không ngăn cản được tinh thần đoàn kết, hợp tác, năng động và sáng tạo của ASEAN.