ASEAN gắn kết sải bước tới tương lai

ANTD.VN - Trải qua hơn nửa thế kỷ với bao thăng trầm, ASEAN ngày nay với vị thế của một trong những tổ chức khu vực thành công nhất thế giới đang nỗ lực gắn kết để vững bước tiến tới tương lai một Cộng đồng vững mạnh.

ASEAN gắn kết sải bước tới tương lai ảnh 1Lễ thượng cờ ASEAN diễn ra tại Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 8-8-2019

Ngày 8-8 hằng năm đã ghi dấu mốc đáng nhớ với tất cả các thành viên của ASEAN. Vào đúng ngày tổ chức lớn nhất của khu vực Đông Nam Á này ra đời (8-8-1967), từ nhiều năm nay, tại các quốc gia thành viên của hiệp hội đều tổ chức trang trọng Lễ thượng cờ ASEAN, đưa lá cờ ASEAN màu xanh nước biển ở giữa có biểu tượng của hiệp hội tung bay trên bầu trời.

Hơn nửa thế kỷ trước, ASEAN được thành lập chỉ với 5 thành viên là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan trong tổng số 10 quốc gia Đông Nam Á với nội dung hợp tác chủ yếu về chính trị và an ninh trong bối cảnh bị chi phối bởi cuộc chiến tranh Việt Nam. Những ý tưởng và mong muốn mở rộng hợp tác sang lĩnh vực kinh tế gặp nhiều khó khăn cho tới khi Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) được thành lập vào năm 1991. ASEAN trở thành một tổ chức lớn nhất với vị thế hoàn toàn khác sau khi Việt Nam, Lào và Campuchia gia nhập để bao gồm toàn bộ 10 quốc gia Đông Nam Á khi đó.

Tròn 52 năm phát triển với kim chỉ nam là hiện thực hóa tinh thần Tuyên bố Bangkok “vì một khu vực Đông Nam Á hòa bình-tự do-thịnh vượng”, ASEAN ngày nay đã trở thành một trong những tổ chức khu vực được đánh giá thành công nhất trên thế giới. Với dân số hơn 642 triệu người và diện tích hơn 1,7 triệu km2, ASEAN là một thị trường đầy tiềm năng, khi hiện đã có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới gần 3.000 tỷ USD. 

Duy trì đà phát triển năng động và tiềm năng lớn, dự báo đến năm 2050, ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới. ASEAN hiện đã được coi là nhân tố quan trọng tạo ra sự thay đổi lớn về sức mạnh kinh tế ở châu Á và quá trình tái tổ chức các cường quốc trong khu vực. 

Sự liên kết tạo sức mạnh cộng hưởng của ASEAN được nhân thêm lên khi hiệp hội này hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN. Hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2020, hiệp hội thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN, song không phải là một tổ chức siêu quốc gia và không khép kín mà vẫn mở rộng hợp tác với bên ngoài.

Nằm ở vị trí địa - chiến lược quan trọng, là trung tâm của khu vực rộng lớn kết nối hai vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, ASEAN thời gian qua đã phát huy được vai trò trung tâm trong kiến tạo một cấu trúc hợp tác khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ, gắn kết và hài hòa quan hệ cùng có lợi với các Đối tác. Các diễn đàn do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt như: ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF)… ngày càng thu hút được sự quan tâm, tham gia tích cực của các nước và trung tâm quyền lực lớn trên thế giới. Cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đều nằm trong các Đối tác đầy đủ của ASEAN và ngày càng có nhiều đối tác bên ngoài mong muốn thiết lập quan hệ đối tác với ASEAN và tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC).

Trong bối cảnh khu vực và toàn cầu đang trải qua sự thay đổi lớn về kinh tế và địa chính trị, các hình thức xung đột về tranh chấp lãnh thổ ngày càng phức tạp, cạnh tranh chiến lược ngày càng quyết liệt… khiến cho những thách thức mới mà ASEAN phải đối mặt trong tương lai sẽ khác nhiều so với hơn 5 thập niên qua. Song thực tế lịch sử cũng đã cho thấy hơn 5 thập kỷ tồn tại chứng kiến không ít lần “bó lúa vàng” - biểu tượng của ASEAN phải gồng mình vượt giông bão. Và mỗi khi vượt qua thử thách đó, ASEAN lại trưởng thành, tự cường và vững vàng hơn. Chìa khóa thành công và sức mạnh của ASEAN chính là sự đoàn kết, gắn kết giữa các thành viên.