ASEAN đoàn kết, đề cao thượng tôn pháp luật trong giải quyết căng thẳng ở Biển Đông

ANTD.VN - Những tuyên bố mạnh mẽ, thẳng thắn và đích danh vang lên từ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các Hội nghị Bộ trưởng ASEAN với các nước đối tác đang diễn ra ở Thái Lan thể hiện một sự đoàn kết, lập trường vững vàng trước những hành động hung hăng, gây hấn nhằm hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

ASEAN đoàn kết, đề cao thượng tôn pháp luật trong giải quyết căng thẳng ở Biển Đông ảnh 1Các Ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc, ngày 31-7-2019, tại Bangkok, Thái Lan

Trong Tuyên bố chung được cho là sự “tỏ thái độ mạnh mẽ” với Trung Quốc, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đang nhóm họp tại Thủ đô Bangkok của Thái Lan đã bày tỏ lo ngại về việc cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực; cho rằng những hoạt động này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. ASEAN đồng thời kêu gọi các bên tăng cường niềm tin lẫn nhau, tự kiềm chế, tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, theo đuổi giải quyết tranh chấp hòa bình theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tránh làm phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng ở Biển Đông.

Dù Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không nêu rõ ai đã có “các hoạt động cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực Biển Đông”, song nhìn vào những diễn biến căng thẳng thời gian qua đều thấy rõ đó là Trung Quốc. Điều này đã được các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đề cập thẳng thắn trong trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc cũng như các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các nước đối thoại như Nga, New Zealand, Nhật Bản…

Đặc biệt, khi phát biểu tại các Hội nghị trên, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao nước ta Phạm Bình Minh đã nêu đích danh những hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông của phía Trung Quốc. Phó Thủ tướng nhấn mạnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hóa, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Luật biển 1982. Nghiêm trọng hơn, Phó Thủ tướng chỉ rõ, đây là diễn biến tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hóa các cấu trúc tranh chấp trên biển. Các diễn biến này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hài và hàng không ở Biển Đông, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Những tuyên bố mạnh mẽ và thẳng thắn tại các hội nghị lớn nhất thường niên của Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và ASEAN với các nước đối tác, đối thoại cho thấy hiệp hội khu vực và cộng đồng quốc tế đang lo ngại sâu sắc trước các hành vi gây căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông. Càng đáng lo ngại hơn khi những hành vi này nhằm thực hiện bằng được tham vọng độc chiếm Biển Đông theo yêu sách “đường 9 đoạn”.

Trung Quốc tới năm 2009 mới chính thức công bố yêu sách “đường 9 đoạn” để đòi chủ quyền một cách phi lý với 80% diện tích Biển Động rộng hơn 3 triệu km2, song trên thực tế họ đã có những hành động dùng sức mạnh để hiện thực hóa tham vọng này. Trong chiến lược lâu dài hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục sử dụng sức mạnh quân sự áp đảo của mình để cưỡng chiếm các bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988, bãi cạn Scarborough do Philippines quản lý vào năm 2012. Gần đây là việc ráo riết thực hiện quân sự hóa thông qua hoạt động bồi đắp phi pháp các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các hòn đảo nhân tạo, hòng biến nơi đây thành các bàn đạp quân sự thực hiện các bước đi nguy hiểm tiếp theo.

Tham vọng chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông không chỉ đe dọa nghiêm trọng chủ quyền của các quốc gia ASEAN liên quan mà còn đe dọa nghiệm trọng hòa bình, an ninh và ổn định trên vùng biển có vị trí địa - chính trị trọng yếu toàn cầu. ASEAN cũng như các nước đối tác, đối thoại cũng như cộng đồng quốc tế vì thế không thể ngồi yên để Trung Quốc biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ.

Vạch rõ những nguy cơ và đe dọa trên Biển Đông, ASEAN khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, kêu gọi các bên kiềm chế, không quân sự hóa và tránh có các hành động làm phức tạp tình hình; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982. Các nước ASEAN nhấn mạnh tới việc cần thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC và sớm đạt COC để xử lý các vấn đề trên Biển Đông hiệu lực, thực chất.

Trong nỗ lực chung của mỗi thành viên hiệp hội cũng như cả cộng đồng quốc tế, ASEAN cần vững vàng, đoàn kết, tự cường. Một ASEAN ngày càng phát triển lớn mạnh, gắn kết chặt chẽ và giữ vai trò trung tâm tạo sức mạnh cho mỗi thành viên và hiệp hội đề cao thượng tôn pháp luật để tiến bước, ứng phó hiệu quả với biến động, thách thức trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là tham vọng độc chiếm Biển Đông.