ASEAN cứng rắn với hành động chiếm Biển Đông của Trung Quốc

ANTĐ - Tại Hội nghị Ngoại trưởng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 48 (AMM 48) đang diễn ra ở Malaysia, những hoạt động xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc đã trở thành một chủ đề chính chi phối các cuộc họp. Bầu không khí hội nghị đã nhanh chóng nóng lên ngay từ đầu khi các nhà ngoại giao Đông Nam Á cho rằng động cơ xây dựng đảo nhân tạo gây tranh cãi của Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Thậm chí, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario còn tuyên bố thẳng rằng đây là “những hành động đơn phương và hung hăng”. 
ASEAN cứng rắn với hành động chiếm Biển Đông của Trung Quốc ảnh 1

Hoạt động xâm chiếm và xây dựng trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông

Trung Quốc vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ

Hoạt động xâm chiếm trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông đang là tâm điểm AMM 48 và tại đây, nước này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ. Trước khi khai mạc hội nghị hôm 4-8, Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng họ sẽ không thảo luận về những tranh cãi này trong các hội nghị của ASEAN.

Một ngày trước khi khai mạc AMM 48, hôm 3-8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vẫn khăng khăng cho rằng không nên “nói về các tranh cãi song phương” tại các cuộc gặp như trong khuôn khổ AMM 48, và việc đem những vấn đề này ra trước hội nghị sẽ chỉ “khiến mâu thuẫn leo thang”. Ông này cũng nhấn mạnh Trung Quốc sẽ không vì các áp lực mà nhượng bộ trong hoạt động cải tạo đất và xây dựng đảo của mình.

Ngoại trưởng Vương Nghị trắng trợn khẳng định các hoạt động của Trung Quốc đều được tiến hành trong cái gọi là phạm vi chủ quyền của nước này và không nên có cái nhìn thiên vị về vấn đề này, nhất là khi so sánh với các hoạt động xây dựng và cải tạo đất của nhiều quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền khác. 

Tuy nhiên, quan điểm của phía Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của Philippines - quốc gia cùng với Việt Nam và một số nước khác đang bị Trung Quốc “bắt nạt” trong những cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông. Phát biểu trước những người đồng cấp ASEAN trong một cuộc họp vào buổi chiều 4-8, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tuyên bố: “Như chúng tôi từng khẳng định, Philippines sẽ không bỏ qua bất kỳ hành động đơn phương và hung hăng nào của người láng giềng phương Bắc trên Biển Đông”.

Ông Rosario cũng mạnh mẽ chỉ trích “Các hoạt động cải tạo đất và xây dựng quy mô lớn” của Bắc Kinh tại vùng biển tranh chấp, đồng thời cho rằng những hành động này đang làm “xói mòn hòa bình, an ninh và ổn định” trong khu vực. Ngoại trưởng Albert Del Rosario tuyên bố sẽ cùng Mỹ đưa ra vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và ARF.

Điều này trái ngược với mong muốn của Trung Quốc. Ngoại trưởng Del Rosario tuyên bố Philippines sẵn sàng góp phần làm giảm căng thẳng trong các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông nếu Trung Quốc và các nước khác cùng có thiện chí. Thông cáo của Ngoại trưởng Del Rosario nêu rõ: “Philippines hoàn toàn ủng hộ đề nghị “3 ngừng” của Mỹ: ngừng đòi hỏi, ngừng xây dựng và ngừng các hoạt động gây hấn làm gia tăng căng thẳng”. Thông cáo cũng cho biết thêm là Philippines sẽ chỉ chấp nhận đề nghị đó nếu như Trung Quốc và các nước có tranh chấp khác cũng làm tương tự.

Bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh, các nước ASEAN vẫn đưa vấn đề Trung Quốc gây căng thẳng Biển Đông ra thảo luận tại các cuộc họp. Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman cho biết vấn đề Biển Đông đã được “thảo luận một cách rộng rãi” trong suốt các cuộc họp ngày 4-8. Trao đổi với báo giới sau khi kết thúc Phiên họp toàn thể và Phiên họp hẹp của AMM 48, ông Aman cho biết: “Chúng tôi cũng đã thảo luận những hướng giải quyết vấn đề lòng tin đang bị xói mòn trong khu vực, sau hàng loạt diễn biến vừa qua tại Biển Đông, như các hoạt động xây dựng và cải tạo trái phép của Trung Quốc”.

Theo ông Aman, các Ngoại trưởng ASEAN đang kêu gọi sự kiềm chế trong việc giải quyết tranh chấp. ASEAN đang tìm cách “triển khai những biện pháp phòng ngừa” để đảm bảo bất đồng giữa những quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn không bùng phát thành xung đột khu vực. Tuy nhiên, ông từ chối cho biết chi tiết.

Trong khi đó, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cũng bày tỏ quan ngại về việc các hoạt động của Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Trao đổi với báo giới, Tổng Thư ký Lê Lương Minh nói: “Chúng tôi yêu cầu (Trung Quốc) chấm dứt các hoạt động gây quan ngại này. Đây là những hoạt động làm xói mòn lòng tin giữa các bên liên quan và gây phức tạp hóa tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên liên quan trên Biển Đông (COC)”. Theo ông Lê Lương Minh, “trong bối cảnh hiện nay, ASEAN và Trung Quốc càng cần nhanh chóng hoàn tất COC”.

Trước đó,  Bắc Kinh luôn khẳng định các tranh cãi phải được giải quyết theo cơ chế song phương giữa các bên có tuyên bố chủ quyền chồng lấn. Các nhà ngoại giao và giới phân tích cho rằng lập trường này là nhằm ngăn cản ASEAN thành lập một mặt trận thống nhất hơn trong việc chống lại Trung Quốc.  

Malaysia không phải là Campuchia  

Những năm gần đây, mỗi lần Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) họp, Trung Quốc đều lên tiếng đòi các đối tác không được đề cập đến tranh chấp ở Biển Đông. Bắc Kinh đã một lần thành công vào năm 2012, khi Campuchia làm Chủ tịch ASEAN. Năm nay cũng thế, trong những ngày qua, Trung Quốc liên tục cảnh báo là không nên nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Kuala Lumpur (Malaysia). Tuy nhiên, có vẻ như Bắc Kinh lần này sẽ hoài công vì Malaysia không phải là Campuchia. 

Phát biểu ngay trong phiên khai mạc ngày 4-8, dù với lời lẽ rất ngoại giao, nhưng Ngoại trưởng Malaysia - nước hiện là Chủ tịch đương nhiệm của ASEAN - đã bác bỏ đề nghị của Trung Quốc và khẳng định rằng ASEAN cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để cho mọi người thấy rõ những nỗ lực của các bên trong việc tìm ra một giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Tuyên bố này được cho là một lời đả kích nhắm vào Trung Quốc.

Bên cạnh nước chủ nhà Malaysia, người ta cũng chờ đợi một số quốc gia khác như Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ hay Singapore, Indonesia nêu lên vấn đề Biển Đông trong các cuộc họp. Theo ông Mark Toner, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chắc chắn sẽ nêu vấn đề Biển Đông tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF) vì đó là “một diễn đàn để thảo luận về các vấn đề an ninh tối quan trọng”.

Các nhà quan sát cho rằng quan điểm của Mỹ rất hợp lý vì tranh chấp ở Biển Đông là một vấn đề liên quan đến an ninh khu vực. Nếu không đưa vấn đề này ra trước ARF - một diễn đàn an ninh hiếm hoi ở châu Á - thì sẽ thảo luận ở đâu?

Vấn đề đối với Trung Quốc là do các yêu sách chủ quyền và hành động thái quá của nước này tại Biển Đông bị phản đối rộng rãi, nên Bắc Kinh không muốn bị vạch mặt chỉ tên trên các diễn đàn đa phương. Bên cạnh đó, Trung Quốc chỉ muốn giải quyết tranh chấp ở Biển Đông song phương với từng nước - một chủ trương bị cáo buộc là nhằm dễ dàng bắt nạt các nước yếu hơn mình.

Tóm lại, căn cứ vào những phản ứng được đưa ra ngay sau khi giới lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc cho rằng không nên đề cập đến vấn đề Biển Đông tại các Hội nghị ASEAN, có thể nói rằng mưu toan nhấn chìm vấn đề này của Bắc Kinh sẽ thất bại hoàn toàn. Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vào năm 2012 diễn ra ở Phnom Penh, Campuchia - nước vốn đã trở thành đồng minh thân cận của Trung Quốc - đã dùng tư cách Chủ tịch luân phiên ASEAN để từ chối đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận hay đưa vào Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng năm đó.

Phát biểu với hãng tin AFP của Pháp, một nhà ngoại giao tham gia trực tiếp các cuộc họp tại Kuala Lumpur đã có một nhận định thẳng thừng rằng Malaysia “không phải là Lào hay Campuchia”. Theo hãng tin Reuters của Anh, một bản dự thảo Tuyên bố chung sẽ được công bố sau khi Hội nghị kết thúc đã nêu bật thái độ quan ngại của ASEAN trước các diễn biến mới đây tại Biển Đông, được cho là có khả năng “phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông”.

Bản tuyên bố chung còn cho rằng cần phải nhanh chóng giải quyết vấn đề lòng tin đang suy giảm giữa các bên tranh chấp. Nước Chủ tịch ASEAN được cho là có một vai trò quan trọng trong việc soạn thảo một tuyên bố chung như vậy.