APEC với những điều kỳ diệu

(ANTĐ) - Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu á - Thái Bình Dương (APEC), khai mạc vào ngày mai (14-11) tại Singapore, không chỉ bàn cách đối phó với cuộc khủng hoảng toàn cầu, mà còn là cơ hội để APEC nhìn lại chặng đường 20 năm qua của mình.

APEC với những điều kỳ diệu

(ANTĐ) - Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu á - Thái Bình Dương (APEC), khai mạc vào ngày mai (14-11) tại Singapore, không chỉ bàn cách đối phó với cuộc khủng hoảng toàn cầu, mà còn là cơ hội để APEC nhìn lại chặng đường 20 năm qua của mình.

Các Ngoại trưởng thương mại APEC họp để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Singapore

Các Ngoại trưởng thương mại APEC họp để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Singapore

Trên thế giới có nhiều mô hình liên kết kinh tế khu vực như Liên minh châu Âu (EU), Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Liên minh châu Phi (AU) nhưng ít mối liên kết nào có nhiều điểm cuốn hút như APEC. Nơi đây có sự hiện diện của 3 cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc; có những “con rồng, “con hổ” châu á như Hàn Quốc, Singapore; có những nền kinh tế đầy năng động luôn đạt tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới như Việt Nam, Trung Quốc, Peru.

Chính vì thế, dù chỉ là một diễn đàn kinh tế với những thỏa thuận không có tính ràng buộc giữa các thành viên, song APEC lại làm nên nhiều điều kỳ diệu. Để lại đằng sau 20 năm với những nỗ lực bền bỉ, giờ đây APEC đã trở thành một khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới, đóng góp tới hơn 60% GDP, 50% thương mại và 70% tăng trưởng toàn cầu. Mặc dù phải ứng phó với những tác động sâu sắc của toàn cầu hóa, phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998 và cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính 2008, APEC vẫn đứng vững và thể hiện rõ sức sống của mình.

Hội nghị cấp cao được tổ chức tại Singapore lần này là dịp để 21 nền kinh tế thành viên APEC nhìn lại chặng đường 20 năm thành công và đề ra kế hoạch cho tương lai. Với chủ đề “Tăng trưởng bền vững, kết nối khu vực”, Hội nghị sẽ tập trung thảo luận về cuộc khủng hoảng cũng như các cơ hội mà nền kinh tế thế giới đang đối mặt, cách thức khôi phục kinh tế và chống bảo hộ thương mại. Theo dự thảo tuyên bố của APEC, chương trình tăng trưởng khu vực sẽ tập trung tạo cơ hội cho mọi tầng lớp xã hội thông qua các mạng lưới an sinh xã hội, giúp những thành phần dễ bị tổn thương nhất vượt qua khủng hoảng.

Dự kiến tại hội nghị, các lãnh đạo APEC sẽ thúc đẩy một chiến lược chung mới nhằm giảm tình trạng mất cân bằng trong nền kinh tế thế giới, nảy sinh từ cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Không khí trong APEC khá lạc quan bởi những gói kích thích kinh tế hàng nghìn tỷ USD mà các thành viên APEC như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Nga… đưa ra đang giúp khu vực chống đỡ hiệu quả với khủng hoảng và tạo tiền đề cho phát triển sau khủng hoảng.

Mặc dù không phải là thành viên sáng lập và trình độ phát triển còn thấp so với nhiều nền kinh tế APEC khác nhưng Việt Nam đã chủ động tham gia, đóng góp tích cực cho nhiều hoạt động hợp tác của APEC. Những nỗ lực này đã góp phần không nhỏ nâng cao vị thế và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện rõ nét nhất ở việc Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Năm APEC 2006, ghi đậm dấu ấn Việt Nam trong tiến trình hợp tác APEC.

  Hoàng Sơn