Ấp ủ giai điệu về Hà Nội

(ANTĐ) - Không dễ gặp được nhạc sỹ Thế Hiển, ngay cả khi đã cất công “phục kích” tận nhà. Chẳng phải vì ông cao ngạo mà bởi người nghệ sỹ tài hoa này ít khi chịu yên vị một chỗ mà luôn dịch chuyển trên từng cây số. Chả thế mà cứ dăm ba hôm người ta lại thấy ông tay túi tay đàn vội vã… “phi” từ nhà ra khỏi con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q1, TP.HCM). Ai không biết thì tưởng có chuyện gì cần kíp lắm, chòm xóm chung quanh quen rồi thì cười xòa: “Lại đi lang thang đấy à, ông nghệ sỹ”…

Nhạc sỹ Thế Hiển:

Ấp ủ giai điệu về Hà Nội

(ANTĐ) - Không dễ gặp được nhạc sỹ Thế Hiển, ngay cả khi đã cất công “phục kích” tận nhà. Chẳng phải vì ông cao ngạo mà bởi người nghệ sỹ tài hoa này ít khi chịu yên vị một chỗ mà luôn dịch chuyển trên từng cây số. Chả thế mà cứ dăm ba hôm người ta lại thấy ông tay túi tay đàn vội vã… “phi” từ nhà ra khỏi con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q1, TP.HCM). Ai không biết thì tưởng có chuyện gì cần kíp lắm, chòm xóm chung quanh quen rồi thì cười xòa: “Lại đi lang thang đấy à, ông nghệ sỹ”…

- PV: Điều gì ở những chuyến đi thôi thúc ông miệt mài… lang thang suốt mấy chục năm ròng đến thế, thưa nhạc sỹ?

- Nhạc sỹ Thế Hiển: Nhiều lắm, kể có khi không xuể (cười). Nhưng cốt lõi ở chỗ nhờ lang thang mà tôi được gặp gỡ những con người, ngắm nhìn những cảnh đẹp và dạt dào cảm xúc sáng tác. Những chuyến đi ấy khiến tôi có cảm giác như mình đang sống một cuộc đời mới, đi trên một con đường mới vậy. Nhưng tôi không vô cớ lang thang mà lang thang… có chủ đích, lang thang để kiếm tìm chất liệu âm nhạc cho cuộc sống và biến nó thành lời ca tiếng hát cho đời.

- Đành là thế song có chuyến lang thang nào mà ông đặt việc sáng tác sang bên lề không?

- Đặt việc sáng tác sang bên lề thì không nhưng… không cho ra được sáng tác thì có đấy (cười). Ngoài những cuộc lưu diễn định trước, tôi cũng có những chuyến tự mình lang thang để khám phá và sáng tác nhưng khi về đến nhà rồi, đặt bút viết mà không tài nào viết nổi vì cảm thấy độ “chín” của mình chưa có. Thế nên có những bài hát viết dở dang nhưng đành phải cất vào ngăn tủ là vậy. Chỉ khi thực sự cảm thấy rung động trước sáng tác của mình thì tôi mới giới thiệu rộng rãi ngoài công chúng chứ không cố “đẻ non”. Tuy vậy, tôi không vứt bỏ những sáng tác ấy mà cất đi có dịp quay lại nơi chốn ấy, bắt gặp cảm xúc khác để chắp bút viết tiếp.

- Người ta bảo ông có biệt tài ôm đàn đi đến đâu, viết nhạc đến đấy. Kho gia tài âm nhạc của ông cũng đủ cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Có điều ông đã rất nhiều lần đặt chân đến Hà Nội nhưng hình như chưa để lại sáng tác nào về nơi này?

- Đúng vậy đấy. Không phải vì tôi không rung động hay không muốn sáng tác về Hà Nội mà trái lại, tôi luôn nghĩ cuộc đời mình mà không sáng tác được ca khúc nào về Hà Nội thì mới sống đến nửa đời người. Song quả thực viết về Hà Nội rất khó. Đến thôi chưa đủ, phải hiểu và chiêm nghiệm cảm xúc mới có thể viết ra “chất” Hà Nội. Không chỉ riêng tôi đâu mà nhiều nhạc sỹ trong Nam rất thận trọng, thậm chí là… sợ viết về Hà Nội. Tôi dám chắc rằng tất cả những nhạc sỹ chưa ra hoặc chưa hiểu về Hà Nội, không ai dám đặt bút viết đâu. Vì đây là mảnh đất nghìn năm văn vật, viết không khéo thì bài hát sẽ tầm thường và trôi tuồn tuột ngay chứ không thể hay và lắng đọng được. Riêng tôi, tôi cũng ấp ủ viết về Hà Nội khi cảm thấy có độ “chín” về cả tuổi đời lẫn tuổi nghề…

- Nhưng cũng có những cảm xúc bâng quơ thoáng qua mà vẫn có thể cho ra những nốt nhạc hay mà đâu cần chờ độ “chín”?

- Với nơi khác thì có thể, nhưng với Hà Nội, tôi vẫn thấy đa phần các sáng tác hay về nơi này đều do các nhạc sỹ lớn tuổi viết. Dĩ nhiên có thể có những người trẻ như Nguyễn Đức Cường với ca khúc “Nồng nàn Hà Nội” nhưng số ấy hiếm lắm. Ngay cả tôi cũng vậy, mãi đến gần đây khi giật mình thấy đã bước vào tuổi “tri thiên mệnh” và chiêm nghiệm lại những ngày tháng tôi đã đến Hà Nội - dừng lại, ngồi xuống, ngắm nhìn và hoài niệm mới thấy giai điệu bắt đầu chín chắn hơn, đẹp hơn…

- Nói vậy có phải ông đã sẵn sàng cho “ra lò” sáng tác đầu tiên về Hà Nội và tìm ra được lẽ sống cho “nửa đời người” còn lại?

- Phải đấy! Năm vừa rồi, trong một cuộc chuyện trò với bạn bè nghệ sỹ, tôi tình cờ bắt gặp mình trong 2 bài thơ viết về Hà Nội: “Hà Nội mùa đông” (Đỗ Nam Cao) và “Hà Nội nhớ” (Trương Nam Hương). Đã từng ra Hà Nội nhiều lần, nhưng đến giờ tôi mới thực sự tìm thấy nhịp cảm với thâm trầm cổ kính và lãng mạn đến nao lòng của bốn mùa Hà Nội ở hai bài thơ ấy và đã nhanh chóng chuyển hóa những cảm xúc ấy thành giai điệu. Mà ở đó người chưa biết về Hà Nội sẽ được biết, còn người yêu Hà Nội sẽ được gợi nhớ về “những quán nước chè mùa đông, người ngồi lặng im se điếu tay cầm, nuốt vào khói nước, trầm trầm trong mưa”, về “Hà Nội nắng, Hà Nội mưa, Hà Nội mùa hạ, Hà Nội mùa đông, Hà Nội nhớ”… Đó là một chút rét mướt, một chút hơi ấm bàn tay, một chút giọng nói nhỏ nhẹ của người con gái Hà thành. Mỗi góc phố, con đường có điều gì đó rất cổ, rất xưa mà cũng thật gần…

- Tha thiết với nghiệp viết là thế nhưng nghe nói ông sắp tạm xa giấy kẻ nhạc để chuyển hướng sang làm kinh doanh?

- Làm kinh doanh thì có, nhưng từ bỏ nghiệp viết nhạc thì không bao giờ. Đúng là tôi sắp khai trương một phòng trà ca nhạc có tên “Nhánh lan rừng” ở 115/3 đường Võ Thị Sáu, Q1 vào ngày 3-12 tới nhưng là để rong chơi với bạn bè đồng nghiệp và cũng do… vợ tôi làm giám đốc. Còn tôi cũng sẽ “được thuê” đến làm… ca sỹ. Nơi này ngoài biểu diễn ca nhạc còn là nơi để giới nghệ sỹ và mọi người đến thưởng thức hội họa và cả các nhánh lan rừng được mang về trưng bày nữa.

- Vốn nổi danh là người thích cái mới, nên phòng trà này hẳn sẽ được ông gây dựng khác lạ so với các tụ điểm âm nhạc khác?

- Tôi thích cái mới thật, nhưng là cảm xúc sáng tác mới thôi, chứ còn nơi này chỉ dành riêng cho nhạc truyền thống và tiền chiến thôi chứ không có “đất” cho nhạc thị trường. Kể cả ca khúc “Tóc em đuôi gà” của tôi cũng không vào đây được, vì lẽ tôi muốn gây dựng không gian nơi đây thật lắng đọng, tinh tế và có chiều sâu.

Dương Cầm (Thực hiện)