Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 9, áp sát các tỉnh Bình Định - Bình Thuận

ANTD.VN - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, chiều nay, 22-11, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 9 năm 2018.

Vào 14h cùng ngày, vị trí tâm bão số 9 ở vào khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 130km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm bão.

Trong chiều và tối nay, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13h ngày 23-11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Nam Trung bộ khoảng 340km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 180km tính từ tâm bão.

Áp thấp nhiệt đới vừa mạnh lên thành bão, ngay giữa Biển Đông

Do ảnh hưởng của bão nên ở vùng biển giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24h tới: (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,5 đến 13,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110,5 độ Kinh Đông.

Ráo riết phòng chống

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 9 sẽ tiếp tục mạnh thêm 1-2 cấp, và hướng vào các tỉnh Nam Trung bộ, từ Bình Định đến Bình Thuận.

Khoảng 13h ngày 25-11, vị trí tâm bão số 9 ở khoảng 11,6 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh Nam Trung bộ-Nam Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 10.

Cuối giờ làm việc sáng 22/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dự và phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (BCĐTƯ PCTT) bàn công tác ứng phó với bão số 9.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ cho biết, hiện đã triển khai nhiều giải pháp để nhanh chóng liên lạc, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Trên đất liền, nhiều giải pháp ứng phó với mưa bão cũng đang khẩn trương được triển khai.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, hiện nay, tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên đã có một số hồ chứa đạt trên 70% dung tích. Những hồ này cần theo dõi đặc biệt chặt chẽ, nếu cần thiết chủ động cho xả nước sớm để đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, còn hàng chục hồ nhỏ, xây dựng đã lâu, hiện do chính quyền địa phương quản lý. Đây chính là mối lo lớn trong thời điểm này. Do đó, việc phối hợp, điều tiết xả lũ cần được thực hiện một cách rất chặt chẽ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc họp

Tuyệt đối không chủ quan với bão số 9

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Bộ NN&PTPT, các Bộ, ngành, các địa phương trong việc sớm triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 9.

Theo Phó Thủ tướng, các tỉnh Nam Trung Bộ cần tuyệt đối không được chủ quan với diễn biến bất thường của mưa bão, nếu không hậu quả sẽ rất nặng nề.

“Chỉ trong thời gian ngắn, hoàn lưu bão số 8 vừa qua đã gây mưa cực lớn, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của người dân, đến nay vẫn phải tập trung để khắc phục”, Phó Thủ tướng nói.

Thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng gửi lời thăm hỏi đến người dân khu vực chịu thiệt hại của cơn bão, chia buồn với gia đình các nạn nhân chết, mất tích.

Trước những dự báo về cường độ, hướng đi, diễn biến của cơn bão số 9, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nêu cao cảnh giác, chuẩn bị nghiêm túc các phương án ứng phó.

“Tất cả các bộ ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ của mình phải chủ động đề ra phương án, liên tục cập nhật, rà soát phương án tuỳ vào tình hình cụ thể của địa phương, của ngành mình để triển khai thực hiện có hiệu quả”, Phó Thủ tướng nói.

Trong khi đó, chiều nay 22-11, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến một số nơi ở Trung Trung bộ. Phía Đông Bắc bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế đã có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và giông. Vịnh Bắc bộ đã có gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9. Khu vực Hà Nội trời có mưa vài nơi đêm và sáng trời rét với nền nhiệt độ thấp nhất 15-18 độ C.

Không khí lạnh tràn về đã khiến nền nhiệt Bắc bộ giảm khá mạnh, nền nhiệt miền Bắc xuống thấp nhất từ đầu tháng 11. Đỉnh núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) vào sáng sớm nay ghi nhận 7 độ C, Đồng Văn (Hà Giang) trên 9 độ C và Sa Pa (Lào Cai) 10 độ C. Các tỉnh Đông Bắc và đồng bằng Bắc bộ nhiệt độ đồng loạt giảm khoảng 5-7 độ so với sáng qua, trong ngưỡng 15-17 C.

Dự báo, từ thứ Sáu 23-11, miền Bắc sẽ dứt mưa, nhiệt độ tăng nhưng rất chậm. Vào Chủ nhật, 25-11, nền nhiệt Hà Nội khoảng 18-26 C; Sa Pa (Lào Cai) 8-16 độ C.