Áp lực từ tỷ giá

ANTĐ - Trong năm 2012, tỷ giá không thay đổi, giữa năm 2013 chỉ điều chỉnh nhẹ. Trong cả năm 2014, tỷ giá chỉ điều chỉnh 1%. Đến đầu năm 2015, Ngân hàng Nhà nước công bố điều chỉnh tỷ giá thêm 1%. Đây được coi là thành công trong việc giữ ổn định tỷ giá một thời gian dài. Tuy nhiên, tuần qua, giá mua bán VND/USD liên tục điều chỉnh trên cả thị trường tự do và liên ngân hàng. Phải chăng đây là phép thử tâm lý của thị trường hay là sức ép thực sự lên tỷ giá vốn đang được Ngân hàng Nhà nước điều hành trong trạng thái chủ động?

Đây có thể coi là đợt đầu tiên trong năm, giá USD trên thị trường tự do và liên ngân hàng cùng theo nhau tăng thêm từ 70-100 đồng/USD. Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cổ phần nhận xét, các giao dịch về ngoại tệ vẫn bình thường, không có cầu đột biến và không có chuyện ngân hàng thiếu nguồn cung đáp ứng cho doanh nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, có yếu tố tâm lý và giá USD thị trường chợ đen làm ảnh hưởng đến tỷ giá liên ngân hàng.

Giá điện tăng 7,5%, giá xăng dầu tính cả tăng thuế môi trường thêm 2.000 đồng/lít. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi đồng loạt xuống 4%/năm kỳ hạn ngắn. Diễn biến này khiến tâm lý một bộ phận người dân bị tác động khi cho rằng, lạm phát sẽ tăng trở lại và tỷ giá sẽ phải điều chỉnh. Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước với nhiệm vụ quan trọng là luôn phải cân đối cung cầu, nếu khan hiếm ngoại tệ thì sẽ bán ra. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm tra trên toàn hệ thống xem xét xem: khan hiếm thật hay là doanh nghiệp, ngân hàng có ngoại tệ lại găm giữ không bán ra làm ảnh hưởng đến thị trường.

Quan sát và nhìn nhận diễn biến tỷ giá VND/USD, một số chuyên gia ngân hàng cho rằng, hiện nay tỷ giá vẫn còn biên độ khá nhiều, nhất là trên thị trường tự do rất khó dự đoán. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá nếu như ngày càng tăng sẽ gây ra sức ép lên nền kinh tế bởi xu hướng nhập siêu đang quay trở lại. Chỉ trong 2 tháng đầu năm, nước ta đã nhập siêu hơn 5 tỷ USD từ Trung Quốc. Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố, năm 2015 tỷ giá không điều chỉnh quá 2%. Song theo khuyến nghị của một số chuyên gia, nếu áp lực làm chênh lệch lớn cung cầu về ngoại tệ thì có thể tỷ giá sẽ cần được điều chỉnh sớm hơn kế hoạch.

Điều khó lường nhất là chuỗi tăng giá bất ngờ của USD trên thế giới và chính sách phá giá đồng nội tệ của nhiều ngân hàng trung ương các nước. Câu hỏi đặt ra là, Việt Nam có phá giá đồng nội tệ hay không trong bối cảnh chung đó, dù hiện nay tỷ giá VND luôn lên xuống, bám sát nhịp nhàng theo USD?