Áp lực từ sự hiếm muộn

ANTĐ - Người xưa có câu: “Con cái là của trời cho” để nói việc sinh con là chuyện rất tự nhiên và cũng rất ngẫu nhiên, không thể tính toán hay lên kế hoạch. Tuy nhiên, với những cặp vợ chồng hiếm muộn, hành trình đến với giấc mơ trở thành bố mẹ muôn vàn gian nan, chứa đựng sự hy vọng và cả những giọt nước mắt…

Được trở thành những người bố, người mẹ là niềm hạnh phúc vô bờ

của những cặp vợ chồng hiếm muộn


Nỗi đau “cây không trái”

Câu chuyện về cháu bé bị bắt cóc tại bệnh viện Phụ sản Trung ương xảy ra đầu tháng 11 vừa qua do Nguyễn Thị Lệ gây ra khiến nhiều người dù rất lên án nhưng pha chút cảm thông. Theo lời khai của Lệ, vì khát khao một đứa con mà chị ta đã làm liều để níu kéo hạnh phúc gia đình. Sau khi xảy thai, Lệ đã nảy sinh ý định bắt cóc trẻ sơ sinh, nói dối gia đình chồng là con của mình hòng chấm dứt những lời gièm pha.

Dường như xã hội Việt Nam hiện vẫn khắt khe với những người thiếu may mắn trong chuyện con cái. Nhiều trường hợp nguyên nhân xuất phát từ chồng nhưng không hiểu sao người vợ vẫn bị “săm soi” kỹ lưỡng... Chị Vũ Phương Huyền, ở phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm là một ví dụ. Lấy chồng đã hơn chục năm nhưng chị vẫn chưa được hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ. Nhìn bạn bè con bồng con bế, vợ chồng chị nhiều lần phải nuốt nước mắt vào trong. Nhiều năm nay, chị Huyền cùng chồng đi khám tại bệnh viện phụ sản Trung ương nhưng vẫn chưa có kết quả khả quan. Thậm chí, đã có những lúc chị chán nản, muốn buông xuôi vì kết quả điều trị không như mong muốn. Điều tệ hại hơn là mặc dù nguyên nhân xuất phát từ chồng chị nhưng những người thân trong gia đình nhà chồng luôn tỏ vẻ hắt hủi và có thái độ coi thường chị. Khi không thấy tia hy vọng nào, chị đâm ra thù ghét chính bản thân vì cảm thấy mình vô tích sự, oán hận số phận, hằn học với chồng để che giấu nỗi sợ bị chồng và gia đình chồng ruồng rẫy.

Không giống như trường hợp của chị Huyền, chị Vũ Thu Thuỷ, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội dù nhận được sự cảm thông, hậu thuẫn từ gia đình chồng, nhưng trong gia đình chị không khí lúc nào cũng nặng nề. “Bác sỹ bảo hai vợ chồng đều không có vấn đề gì nhưng không hiểu sao mãi chúng tôi không có con. Thấy ai mách ở đâu chữa hiếm muộn, vợ chồng tôi đều tìm tới nhưng vẫn chẳng có kết quả gì. Nhiều lúc tôi nghĩ quẩn kiếm tiền làm gì cho mệt vì làm để làm gì khi đến mụn con cũng không có”, chị Thuỷ buồn bã chia sẻ. Mong muốn có một đứa con luôn thường trực trong vợ chồng chị và nó gần như không bao giờ tiêu tan ngay cả trong những lúc bế tắc, tuyệt vọng nhất. Nhiều phụ nữ hiếm muộn cho biết áp lực của họ đến từ nhiều phía: bản thân, chồng, gia đình chồng, bạn bè, đồng nghiệp rồi dư luận xã hội. Đặc biệt nhất là áp lực mong có con có cháu từ phía nhà chồng, nếu chồng là con một thì đây là nỗi ám ảnh số 1 của những người phụ nữ hiếm muộn. Có những trường hợp bị gia đình chồng gây áp lực để vợ chồng phải bỏ nhau.

Trút bỏ căng thẳng và áp lực

Theo Tiến sỹ, Bác sỹ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và phát triển cộng đồng, tình trạng hiếm muộn ảnh hưởng nhiều mặt đến cuộc sống gia đình, thậm chí có thể trở thành “bi kịch” trong đời sống vợ chồng. Sự thua thiệt, áp lực từ gia đình, người thân, bạn bè, tốn kém thời gian, tiền bạc là những yếu tố gây căng thẳng cho những người trong cuộc. Không ít phụ nữ vì mặc cảm bởi những câu nói “cây độc không trái, gái độc không con”, đã cố tình giấu giếm, không dám đi khám và điều trị bệnh. Suy nghĩ lạc hậu này đã khiến họ ngày càng xa cách, tách biệt với người xung quanh. Khi rơi vào cảnh hiếm muộn, dù nguyên nhân xuất phát từ người nào thì các đôi vợ chồng vẫn cần phải có sự đồng tâm nhất trí, sự cảm thông tối đa từ người bạn đời.

Cũng theo Bác sỹ Tuấn, khi người phụ nữ bị áp lực tâm lý thì sự rụng trứng có thể bị ức chế và sẽ gặp khó khăn trong việc thụ thai. Với người chồng, sự căng thẳng tâm lý sẽ ức chế quá trình sản xuất tinh trùng. Do đó, các cặp vợ chồng nên tạo cho mình tâm lý thoải mái, vui vẻ. Sau khoảng 1 năm quan hệ bình thường, không áp dụng biện pháp tránh thai nào mà vẫn chưa có con, nên đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị. Nếu phát hiện sớm, cơ hội điều trị hiếm muộn thành công sẽ cao hơn. Trong quá trình điều trị hiếm muộn, cả 2 vợ chồng không được mất tự chủ và thiếu kiên nhẫn.

Cần nói thêm rằng sự kỳ vọng 100% vào chu kỳ điều trị và việc không chấp nhận thất bại sẽ càng làm cho tâm lý người hiếm muộn thêm căng thẳng và việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Đối với một số trường hợp, cách giải quyết duy nhất là xin trứng hoặc xin tinh trùng của người khác nhưng người trong cuộc không chấp nhận mà tiếp tục lao vào những cách điều trị khác. Điều đó đẩy họ lún sâu thêm vào tâm trạng bi quan, tuyệt vọng. Khi trút bỏ được căng thẳng và áp lực từ việc mong muốn có con, những cặp vợ chồng hiếm muộn có thể sẽ dễ dàng có con hơn mà không phải nhờ đến bác sĩ. Ngoài ra, khi rơi vào hoàn cảnh này, các cặp vợ chồng cũng nên chia sẻ với người có cùng cảnh ngộ về những kinh nghiệm bản thân để cùng tham khảo, rút kinh nghiệm và lựa chọn cho mình giải pháp phù hợp nhất…